Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phải có phương án chủ động để đảm bảo quyền lợi thí sinh

Thứ Sáu 30/07/2021 | 08:40 GMT+7

VHO - Đó là thông tin tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2021 với các trường ĐH phía Nam và 2 ĐH Quốc gia, do Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 29.7. Tại đây, Bộ và các trường đã bàn bạc, thống nhất lịch tuyển sinh điều chỉnh và việc xét tuyển ĐH, cao đẳng sư phạm (CĐSP) cho thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị

Tổ chức xét tuyển riêng cho thí sinh đặc cách
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, một số công việc cần làm thời gian tới trong công tác tuyển sinh, đó là tập trung hoàn thiện kế hoạch xét tuyển, lịch tuyển sinh điều chỉnh và phương án xét tuyển cho thí sinh đặc cách. Công tác xét tuyển chung dựa trên kết quả của 2 đợt thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi phải có kế hoạch và lịch tuyển sinh điều chỉnh, vừa đảm bảo quyền lợi thí sinh, vừa không quá muộn, ảnh hưởng tới kế hoạch tổ chức tuyển sinh, nhập học, kế hoạch năm học mới của cơ sở đào tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7.8. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Hiện dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Trong số đó, bên cạnh những em xét tuyển bằng các phương thức khác, còn nhiều em chưa có căn cứ điểm để xét tuyển ĐH, CĐSP. “Số lượng thí sinh đặc cách có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐSP có thể lên tới hàng chục ngàn. Dù chỉ là 10 em hay 20 em, chúng ta cũng phải có phương án chủ động để đảm bảo quyền lợi cho các em”, Thứ trưởng nhấn mạnh và đề nghị các trường phát huy tự chủ trong tuyển sinh, nhưng cần có phương án chung trên toàn hệ thống, có thể dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do 2 ĐH Quốc gia tổ chức, hoặc dựa trên xét tuyển học bạ. Về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường để lại chỉ tiêu sao cho công bằng, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đặc cách vừa đảm bảo công bằng cho thí sinh tham gia xét tuyển chung tới đây. Đặc biệt, phải tính toán phù hợp với tỷ lệ thí sinh đặc cách và vùng tuyển chủ yếu của các cơ sở GDĐH.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Phạm Như Nghệ cho rằng, cơ sở GDĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021. Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐSP, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo. Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp.
Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ GDĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định. Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐSP thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định. 
Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.
Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.
Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển ĐH, CĐSP, Vụ GDĐH đề nghị các cơ sở GDĐH tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này. Việc xét tuyển phải được thực hiện các bước theo đúng quy định. Trong trường hợp các đợt xét tuyển có cùng phương thức xét tuyển, cùng tiêu chí xét tuyển thì điều kiện trúng tuyển vào trường là phải như nhau.

Thí sinh tham dự đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Cơ sở GDĐH sẵn sàng phối hợp
Thống nhất với phương án của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, ở đợt thi thứ nhất, kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM có hơn 69.000 thí sinh dự thi. Số thí sinh dự thi đợt 2 khoảng 26.000 em, dự kiến tổ chức tại 4 địa phương: TP.HCM, An Giang, Khánh Hòa và TP.Đà Nẵng. “Chúng tôi quyết tâm tổ chức khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ có phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh”, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho biết. 
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, GS.TS Hà Thanh Toàn, vùng tuyển sinh của trường chủ yếu là thí sinh các tỉnh phía Nam. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2 và những thí sinh thuộc diện đặc cách, trường sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh, đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sang phương thức xét tuyển học bạ. GS Toàn đề nghị Bộ cho phép nhà trường tăng chỉ tiêu năm 2021 khoảng 5%, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong xét tuyển. Đánh giá cao sự sẵn sàng hỗ trợ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở GDĐH, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường sẽ tính toán để dành chỉ tiêu riêng cho những thí sinh thuộc diện đặc cách.
Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ vào kết quả kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở GDĐH chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi ĐGNL, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia để có dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung. Thứ trưởng lưu ý, các trường cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL; đồng thời, tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi này để chủ động trong phương án xét tuyển cho các em. Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thỏa đáng, phù hợp thực tiễn.
Sau khi tổ chức thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ có hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với các trường và đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Lịch tuyển sinh sẽ không quá muộn, để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh, nhập học của thí sinh và nhà trường. Tuy nhiên, các cơ sở GDĐH cần có kế hoạch cụ thể, trong đó có phương án tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển đặc cách.

ANH HUY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top