'Kho báu' khảo cổ học 2.400 năm tuổi được phát hiện tại thành phố Ai Cập cổ đại

VHO- Mới đây, "kho báu" khảo cổ học, bao gồm đồ gốm Hy Lạp và những chiếc giỏ đan bằng liễu gai 2.400 năm tuổi chứa đầy trái cây đã được phát hiện tại khu vực thành phố cổ bị chìm Thonis-Heracleion, ngoài khơi bờ biển Ai Cập.

'Kho báu' khảo cổ học 2.400 năm tuổi được phát hiện tại thành phố Ai Cập cổ đại - Anh 1

Các vết tích có tuổi đời khoảng 2.400 năm được tìm thấy dưới đáy biển Ai Cập (Ảnh: Reuters)

Các nhà khoa học từ Viện Khảo cổ học Dưới nước Châu Âu (IEASM) đã tiến hành nghiên cứu thành phố bị mất tích Thonis-Heracleion, ngoài khơi bờ biển Ai Cập trong nhiều năm. Công việc nghiên cứu được thực hiện dưới sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập.

Được biết, Thonis-Heracleion là cảng Địa Trung Hải lớn nhất của Ai Cập. Cảng có từ trước khi Alexander Đại đế thành lập Alexandria vào năm 331 trước Công nguyên (TCN).

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học biển người Pháp Franck Goddio đã tiết lộ rằng "kết quả vô cùng thú vị". Dọc theo con kênh lối vào phía Đông Bắc của thành phố ngập nước, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một phần còn lại của khu di tích Hy Lạp. Nơi đây được bao phủ bởi những lễ vật vinh danh xa hoa có từ đầu Thế kỷ Thứ Tư TCN. Khu lãnh địa được tìm thấy có chiều dài khoảng 60m và rộng 8m, được mô tả giống như một hòn đảo được bao quanh bởi các con kênh.

Trong tuyên bố của IEASM cho biết: “Ở khắp nơi, chúng tôi đều tìm thấy các bằng chứng về vật liệu bị đốt cháy. Các buổi lễ hoành tráng chắc chắn đã diễn ra ở đây. Nơi này khả năng đã bị phong tỏa hàng trăm năm vì chúng tôi không tìm thấy bất cứ cổ vật nào có từ cuối Thế kỷ Thứ tư TCN. Mặc dù, thành phố vẫn tồn tại hàng trăm năm sau đó”.

'Kho báu' khảo cổ học 2.400 năm tuổi được phát hiện tại thành phố Ai Cập cổ đại - Anh 2

 Những khối đá khổng lồ của ngôi đền Amun đã bị phá hủy ở Thonis-Heracleion (Ảnh: Reuters)

Trong số các cổ vật tìm thấy, bao gồm “đồ gốm sứ sang trọng nhập khẩu của Hy Lạp”, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được nhiều điều đáng kinh ngạc hơn. Những chiếc giỏ đan bằng liễu gai vẫn chứa đầy hạt nho và quả doum (quả của cây cọ châu Phi thường được tìm thấy trong các ngôi mộ). IEASM cho hay những chiếc giỏ này đã tồn tại trong nước khoảng 2.400 năm. Có thể chúng đã từng được đặt trong một căn phòng dưới lòng đất hoặc được chôn cất.

Các nhà khảo cổ cũng nhận định, phát hiện tuyệt vời này là minh chứng cho sự hiện diện của các thương nhân và lính đánh thuê Hy Lạp sống ở Thonis-Heracleion, thành phố kiểm soát lối vào Ai Cập ở cửa nhánh Canopic của sông Nile. Người Hy Lạp từng được phép định cư trong thành phố vào cuối thời kỳ Pharaonic và xây dựng các khu bảo tồn của riêng họ gần với ngôi đền đồ sộ Amun.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, một số trận động đất và các trận đại hồng thủy đã nhấn chìm một khoảng rộng 110km2 của đồng bằng sông Nile xuống đáy biển. Kéo theo đó là các thành phố Thonis-Heracleion và Canopus.

Ngoài ra, nhà khảo cổ Goddio và các thành viên của nhóm còn tìm thấy một phòng chứa Ptolemaic bị chìm dưới nước. Có thể, căn phòng bị chìm sau khi bị những khối đá khổng lồ từ ngôi đền Amun đâm vào. Các khối đá rơi xuống từ ngôi đền đã bảo vệ phòng chứa bằng cách đè nó xuống đáy kênh. Để phát hiện được khu di tích, các nhà khoa học đã sử dụng “thiết bị định hình dưới đáy nguyên mẫu tiên tiến". Đây là công nghệ hiện đại cho phép người dùng có thể xác định các đặc tính vật lý dưới đáy biển và xác định thông tin địa chất khi cách đáy biển vài mét.

ĐÌNH TOÁN (Theo CNN)

Ý kiến bạn đọc