Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp

Thứ Sáu 13/08/2021 | 10:12 GMT+7

VHO- Con người mới là mục đích đồng thời là yêu cầu trong tiến trình cách mạng XHCN; định lượng trong từng giai đoạn để làm mục tiêu phấn đấu là thực tế lãnh đạo của Đảng ta. Đại hội XII của Đảng đúc kết mô thức con người mới trong thời kỳ quá độ hiện nay là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển... Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”.

 TS HOÀNG VĂN LỄ

 Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định 5 quan điểm cơ bản, trong đó có việc “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn ha, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Đây chính là điển hình hóa con người mới Việt Nam hiện nay, mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ và tổ chức, đoàn thể hoặc nhóm xã hội... lưu tâm trong hướng hoạt động của mình, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng con người mới thời hiện đại.

Chúng ta dựa vào các đặc tính cơ bản: “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” làm mục tiêu xây dựng của con người Việt Nam.

Yêu nước; trong bối cảnh trong nước hiện nay, so sánh với các nước để thấy rõ tính độc đáo nổi trội của truyền thống yêu nước ở Việt Nam; theo giáo sư Trần Văn Giàu, đây là “Sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam”, là “lý thường hằng” tìm được bằng tổng kết lịch sử. Trước hết từ nguồn gốc lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc ta, Nhà nước Văn Lang xuất hiện rất sớm khoảng 2.000 năm, hợp nhất tự nguyện của 15 bộ lạc anh em, có cương vực ổn định, có văn hóa rực rỡ, có sức mạnh vật chất đáng kể… Thứ đến là chuỗi dài các cuộc chiến tranh chống xâm lăng của những nước lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, trong đó 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đánh đổ quân Minh, phá tan quân Thanh, và các cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc các loại (Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc).

Yêu nước ngày nay là động lực phấn đấu toàn dân tộc vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; được Trung ương khẳng định là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; dân giàu, nước mạnh là yếu tố vật chất; công bằng, dân chủ là yếu tố tinh thần; tổng hợp lại là nước Việt Nam văn minh.

Bằng nhiều phương thức khác nhau, hun đúc chủ nghĩa yêu nước là nội dung chủ yếu của gia đình, dòng họ và toàn xã hội.

Nhân ái, là tình yêu thương; một nội dung của đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh (như nội dung đạo đức về tình yêu thương nêu trên). Gia đình, dòng họ là môi trường giáo dục về nhân ái trực tiếp và thường xuyên nhất.

Nghĩa tình, là tình yêu thương khảng khái, chân thành, vì mọi người... là lối sống vì điều thiện, có ganh đua nhưng không ích kỷ, có chia sẻ khi đang thắng lợi, có cầu tiến khi đang thất thế. Cuộc sống nghĩa tình, đầy tình nghĩa luôn thể hiện nơi một gia đình, dòng tộc thuận hòa, xóm giềng thuận thảo. Lấy nghĩa tình làm đầu, chúng ta khắc phục được, tính tranh giành quyền lợi, tính tự phụ, tự cao, tự đại; suy cho cùng là tránh được chủ nghĩa cá nhân luôn đeo bám bên mình mỗi người. Như vậy sống có tình nghĩa không thiếu trong đời sống nhân dân ta hàng ngàn năm nay. Nghĩa tình trong chủ nghĩa Mác- Lênin được mở rộng, không chỉ trong nước mà còn ngoài nước, không chỉ trong vấn đề dân tộc mà còn có trong vấn đề giai cấp...

 Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước Ảnh minh họa

Trung thực, là đức tính chân thật của mỗi người; người trung thực là người có bản lĩnh trong ứng xử trước các mối quan hệ. Làm được việc tốt, ta dễ trung thực hơn là khi phạm lỗi, làm tốt lại rơi vào bệnh thành tích, kể công và hay khoa trương; nói cách khác tự đánh giá mình đã không dễ, phê bình người khác càng khó hơn. Trước lỗi lầm, nhiều người thường né tránh, biện hộ, vì sợ bị đánh giá thấp, kém hoặc tiêu cực dẫn đến sút giảm thanh danh và lòng tự tôn của mình. Do đó, trước thành công hay thất bại, khẳng định tính trung thực đòi hỏi bản lĩnh mỗi người; người có trí tuệ, phấn đấu kéo giảm tính ngã mạn, xóa dần bệnh chấp ngã vì cái tôi của mình sẽ thực hiện thành công trung thực trong các mối quan hệ.

Đoàn kết, là truyền thống của dân tộc ta từ nhiều ngàn năm qua; bắt nguồn từ sự gắn kết gia đình, dòng họ, làng xã... đến cả nước; nhất là khi làng nước đứng trước thiên tai, địch họa đe dọa sự tồn vong của cả cộng đồng. Tuy vậy, khi thái bình, khi gia đình, làng xóm yên ổn sự đoàn kết nhiều lúc trở thành xa lạ, ganh đua và cạnh tranh có lúc đến mức mất còn; và ngày nay mặt trái của cơ chế thị trường có lúc vì tư lợi làm cho đứt mất tình cảm gia đình, dòng họ, làng nước. Do đó, giáo dục thường xuyên và phát huy truyền thống đoàn kết gia tộc, mở rộng ra đoàn kết làng nước có ý nghĩa thực tế của mỗi gia đình, dòng họ, và các nhóm xã hội, các đoàn thể trong cộng đồng dân tộc. Tìm kiếm các lợi ích chung được nhiều người thừa nhận để phát động sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết các thành phần, các giới để phát triển xã hội bền vững. Đó là mục tiêu căn bản của xã hội ta ngày nay.

 Cần cù, là đức tính của người lao động chân chính; điều này chỉ phát huy cao nhất khi chúng ta chọn được cho mình một nghề nghiệp thích hợp, nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Cần cù là sự chăm chỉ, siêng năng trong công việc hằng ngày, thể hiện rất rõ ở lao động chân tay, còn lao động trí óc thêm phụ thuộc vào cảm hứng và trí tưởng tượng hoặc óc sáng tạo. Cần cù là phần quan trọng trong đức “cần” trong “cần kiệm liêm chính” theo truyền thống đạo lý của cha ông chúng ta, và nay được Bác Hồ truyền giảng với ý nghĩa thời đại. Chữ cần còn bao gồm việc làm có kế hoạch tốt, có tư duy sáng tạo không ngừng nâng cao năng suất lao động. Đó là ý nghĩa thực tiễn của đặc tính cần cù trong con người mới hiện nay.

Sáng tạo, là một chuỗi lao động miệt mài, nhuần nhuyễn, cộng thêm sự tác động của trí tuệ và bản năng bẩm sinh; từ đổi mới từng phần đến thay đổi tổng thể mang đến hiệu quả lao động tốt hơn hẳn. Để sáng tạo, con người cần tâm huyết với việc mình đang làm, biết vì sự tiến bộ cho mình và cho xã hội hoặc để đáp ứng một yêu cầu cao hơn của cộng đồng; do đó sáng tạo là đỉnh cao của con người có nhận thức đúng, ham thích việc đang làm, phát huy năng lực bẩm sinh, cùng với học hỏi tri thức xã hội mới có thể có sáng tạo không ngừng cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất... Sáng tạo là đức tính nổi trội của con người mới hiện nay.

Đây là những phạm trù về giá trị đạo đức được Trung ương Đảng trình bày như là một chọn lọc những đức tính nổi bật của con người trong bối cảnh cụ thể của một quốc gia nhiều ứng phó thách thức trong cuộc mưu sinh tồn tại, và chỉ phát huy khi hội tụ đủ nhân tố chủ yếu của lòng yêu nước từ mọi người trong cộng đồng dân tộc. Sự minh chứng có tầm cỡ để giải đáp chuỗi giá trị tinh thần truyền thống mà nhân dân ta đã dầy công vun đắp suốt ba bốn ngàn năm qua. Do đó, các tính chất này được lồng ghép vào trong tất cả các sinh hoạt, từ gia đình, dòng họ đến toàn xã hội. 

 Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

 TS HOÀNG VĂN LỄ, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng  

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top