Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

VHO- Một trong những đặc trưng quan trọng của Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang hướng đến xây dựng là “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc trưng này lần đầu tiên được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và được tái khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm - Anh 1

 Xây dựng văn hóa, con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong ảnh: Đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Ảnh: TTXVN

 Luận điểm này cũng được nhấn mạnh nhiều lần trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong bài viết quan trọng mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã sáng tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, kết tinh thành những giá trị, truyền thống tốt đẹp, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Những đức tính, phẩm chất, truyền thống tốt đẹp ấy được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ và không ngừng được bổ sung, phát triển thêm những giá trị mới, phù hợp, tạo điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do và đi lên xây dựng cuộc sống mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, văn hóa ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường, không gian sống lành mạnh với những giá trị nhân văn, nhân bản, tiến bộ, vì sự phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người là chủ thể sáng tạo, đồng thời cũng là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh từ chính những quy tắc, chuẩn mực đạo đức của nền văn hóa đó. Vì thế, phấn đấu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao được Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là mục tiêu, khát vọng mà các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân phải chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng.

Ngày nay, văn hóa không chỉ đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội mà nguồn lực, sức mạnh của văn hóa, sức sáng tạo của con người Việt Nam đang trở thành nguồn tài nguyên đặc biệt, là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của quốc gia, dân tộc. Sự tham gia tích cực của các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… cùng sự thông minh, khéo léo, cần cù, chịu khó của người Việt đang tạo ra những giá trị, sản phẩm văn hóa có chất lượng, đem lại những lợi ích, giá trị kinh tế lớn để bù lấp những khoảng trống về sự thiếu hụt, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản hiện có. Vì thế việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Trong điều kiện công nghệ thông tin, truyền thông, Internet, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có nhiều điều kiện thuận lợi với những vận hội lớn để tiếp thu, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm vốn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra những thách thức, đặc biệt là sự tấn công của các thế lực thù địch khi chúng không ngừng tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông mới để thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình”, thực hiện công cuộc “xâm lăng” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa bằng những xuất bản phẩm kém giá trị nhằm đầu độc môi trường văn hóa, hủy hoại nhân cách, tâm hồn thế hệ trẻ. Vì thế, việc xây dựng nền văn hóa dân tộc lớn mạnh với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, sẽ tạo nên “sức đề kháng” để mỗi người vượt qua thách thức, có nhiều sáng tạo, cống hiến vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, những luận điểm về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những lập luận sắc bén và những minh chứng sinh động từ thực tiễn cuộc sống, đã góp phần củng cố và làm sáng tỏ hơn những vấn đề về xây dựng nền văn hóa dân tộc trong điều kiện cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. 

 TS NGUYỄN HUY PHÒNG (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Ý kiến bạn đọc