Những người làm giấy cói tại Ai Cập: Chúng tôi luôn giữ lửa truyền thống

VHO- Bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những người làm giấy cói ở Ai Cập (giấy Papyrus) vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động dù cho khách du lịch sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những người làm giấy cói tại Ai Cập: Chúng tôi luôn giữ lửa truyền thống - Anh 1

Một phụ nữ dùng dây kẽm để cắt cói thành các dải mỏng ở làng Al-Qaramus (tỉnh Sharqiyah) (Ảnh: AFP)

Quanh những cánh đồng xanh tươi ở một vùng châu thổ của Ai Cập, những người nông dân và nghệ nhân đang phải vật lộn kiếm sống khi cố gắng tiếp tục duy trì nghề truyền thống làm giấy cói có từ thời Pharaonic.

Vào những năm 1970, một người giáo viên mỹ thuật ở làng Al-Qaramus đã dạy nông dân về kỹ thuật biến cây trồng thành loại giấy được ưa chuộng trong hoạt động trang trí, sử dụng để trình bày các văn bản có tính chất công phu. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, ngôi làng và các khu vực xung quanh làng cách thủ đô Cairo khoảng 80km về phía Bắc hiện trở thành trung tâm sản xuất giấy cói lớn nhất cả nước.

Những cây cói với tán lá hình quạt, mọc trong nước và có thể cao tới 4m. Hình thức của loại cây này đã từng là nguồn cảm hứng trong trang trí cột của các ngôi đền Ai Cập cổ đại. Để làm được giấy từ cây cói, người thợ phải dùng dây kẽm cắt thân cây thành những dải mỏng và nhúng vào nước, xếp chồng lên nhau tạo thành tấm. Các tấm được đặt vào một máy nén để nén lại và phơi khô trước khi thu được.

Những người làm giấy cói tại Ai Cập: Chúng tôi luôn giữ lửa truyền thống - Anh 2

Said Tarakhan vẽ trên những tờ giấy cói (Ảnh: AFP)

Từng đuợc người Ai Cập cổ đại sử dụng làm giấy viết, các nghệ sĩ địa phương ngày nay sử dụng giấy cói để viết chữ tượng hình, thư pháp Ả Rập và vẽ những hình đại diện từ thời cổ đại. Những tờ giấy cói với các hình vẽ đa dạng được sử dụng làm món quà lưu niệm cho khách du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch của quốc gia Bắc Phi này sớm chịu nhiều thiệt hai do tình hình chính trị bất ổn kể từ năm 2015, khi một máy bay của Nga bị bắn rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập). Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới phát triển du lịch của quốc gia này. Vào năm ngoái, Ai Cập chỉ kiếm được khoảng 4 tỷ USD doanh thu từ du lịch. Đây là con số khiêm tốn khi không đạt nổi một nửa doanh thu dự kiến trước đó.

Tại Al-Qaramus ngày nay, chỉ còn khoảng 25 trang trại hộ dân đang cố gắng kiếm sống bằng nghề bán giấy cói. Said Tarakhan, một nghệ sĩ làm giấy cói địa phương cho hay: “Tôi đã mất khoảng 80% thu nhập. Tôi từng kiếm được tới 1.000 đô la mỗi tháng và bây giờ thì con số này gần như bằng 0”.

Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”, những người thợ làm giấy cói không hề nản chí trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Ông Tarkhan đã phát triển giấy cói thành nhiều sản phẩm như sổ tay, sách phác thảo thay vì chỉ là những tờ giấy đơn lẻ. Thậm chí, con trai ông là Mohamed đã khai trương một gian hàng trực tuyến để tiếp tục bán những sản phẩm mới của họ. “Ban đầu, chúng tôi chỉ bán hàng tại địa phương cho những người đến đây du lịch. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi nghĩ rằng có chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp cận với nhiều người hơn, bao gồm cả khách nước ngoài thông qua internet. Chúng tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ để có thể duy trì nghề mà tổ tiên để lại”, anh Tarakhan chia sẻ với phóng viên AFP.

Những người làm giấy cói tại Ai Cập: Chúng tôi luôn giữ lửa truyền thống - Anh 3

 Một phụ nữ trải những dải cói mỏng đã ngâm nước để tạo thành giấy trước khi nén và sấy khô (Ảnh: AFP)

Thực tế, nghề làm giấy cói tại Ai Cập là một trong những nghề đem lại thu nhập cao cho lao động. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của những người làm nghề truyền thống này sụt giảm nghiêm trọng. Ông Abdel Mobdi Mussalam (48 tuổi) cho biết, xưởng của ông từng có tới 8 nhân viên vào những năm trước nhưng giờ chỉ còn 2. “Giấy Papyrus là nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi. Đó là thứ nuôi sống các con tôi. Giờ thì khó khăn hơn.”.

Hay cách kim tự tháp Giza nổi tiếng 100km, Ashraf al-Sarawi vẫn trưng bày các bức tranh bằng giấy cói trong cửa hàng lớn của mình. Tuy nhiên, khách du lịch thì không có. Cùng cảnh ngộ với những người thợ khác, anh nói thu nhập đã mất phần lớn từ năm ngoái do đại dịch. Nhưng anh bày tỏ sự  hứng khởi khi nói về du lịch: “Tôi tin du lịch Ai Cập sẽ không bao giờ chết. Nó sẽ chỉ bị gián đoạn trong một thời gian và sẽ sớm trở lại”.

Thực tế, dù đang phải nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, những nghệ nhân làm giấy cói Ai Cập vẫn bày tỏ sự lạc quan. Họ chia sẻ với phóng viên rằng: “Chúng tôi cảm ơn Covid-19 vì đã buộc chúng tôi phải thay đổi mô hình kinh doanh để duy trì nghề truyền thống. Chúng tôi sẽ làm tất cả để tiếp tục”.

ĐÌNH TOÁN (Theo AFP)

Ý kiến bạn đọc