Không bao che phòng khám từ chối bệnh nhân dẫn đến tử vong ở Bình Dương

VHO- Trước sự việc một số phòng khám, bệnh viện tại Bình Dương từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến hậu quả đau lòng sẽ bị xử lí nghiêm. Ngoài đình chỉ hoạt động, ngành y tế sẽ mời công an vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm.

Trước đó, bà T.K (50 tuổi, quê Cà Mau) tức ngực, khó thở nên được người thân đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An (Thuận Giáo, Thuận An) nhưng không được bảo vệ cho vào cấp cứu mà chỉ đi nơi khác dẫn đến hậu quả bà K tử vong trên đường. Tương tự, ông N.D (57 tuổi) có tiền sử huyết áp cao, có dấu hiệu đột quỵ. Ông D chuyển biến nặng, khó thở, nôn ói nên được đưa đến Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc (TP.Dĩ An, Bình Dương). Tuy nhiên phòng khám này cho rằng bệnh ông D nặng quá nên chuyển đi nơi khác. Đến nơi khác cũng không được nhận, nên ông D tử vong.

Không bao che phòng khám từ chối bệnh nhân dẫn đến tử vong ở Bình Dương - Anh 1
 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê (đầu tiên bên trái) kiểm tra Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An

Sự việc khiến người dân bức xúc vì cho rằng, người viêm phổi hoặc mắc các bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng bị các phòng khám đa khoa từ chối cấp cứu dẫn đến tử vong, các lực lượng đã vào cuộc tích cực.

Ngày 20.8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế đến Bình Dương chỉ đạo xử lý rốt ráo sự việc trên với mục tiêu cứu chữa cho người dân là trên hết; nếu có sai phạm thì phải chấn chỉnh nghiêm minh.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết: Ngay khi có sự cố xảy ra lực lượng thanh tra ngành y tế và công an đã vào cuộc. Hiện vụ việc đang được làm rõ và xử lý một cách khẩn trương theo chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như tỉnh Bình Dương. Trước mắt đã ký và ban hành văn bản đề nghị Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An và Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác xác minh sự việc của cơ quan pháp luật và Thanh tra Sở Y tế. Lý do ban đầu hai phòng khám trên bị dừng hoạt động là để xảy ra tình trạng bệnh nhân không tiếp cận được cơ sở để cấp cứu, thực hiện chuyển viện không an toàn dẫn đến người bệnh tử vong trên đường.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng như nhiều sở, ngành ở tỉnh này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế công lập và tư nhân phải tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Nếu vi phạm, căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý. 

Trực tiếp đến kiểm tra tại hai phòng khám trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Bình Dương phải tạm thu giữ ngay giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của hai cơ sở; cùng với đó giám sát nghiêm việc thực hiện tạm dừng hoạt động. Phải thật nhanh chóng làm rõ các vi phạm nếu có; sai ở cá nhân nào, khâu nào phải xử lý rốt ráo ngay.

Ông Nguyễn Hồng Chương khẳng định: Công an và Thanh tra ngành y tế đang hoàn tất thanh tra, điều tra, không bao che, sai đâu xử đó. Mặc dù trong lúc này ngành y tế rất cần lực lượng khám chữa bệnh nhưng đối với sai phạm chủ ý hay không chủ ý…sẽ được làm rõ. Ngành y tế Bình Dương cũng đã cảnh báo nhiều lần, yêu cầu tất cả các cơ sở phải trực cấp cứu 24/24 theo đúng giấy phép đăng ký khám chữa bệnh. Không được từ chối bệnh nhân, nếu sai xử theo pháp luật.

HÀ VĂN

Ý kiến bạn đọc