Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nỗ lực bảo tồn gốm Chăm

Thứ Ba 24/08/2021 | 11:18 GMT+7

VHO- Hàng trăm năm qua, sản phẩm gốm Chăm dường như không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Gốm Chăm tồn tại và phát triển lâu đời như vậy, đó là quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi của biết bao thế hệ nghệ nhân gốm và những người yêu nghề gốm.

Cách chế tác gốm Chăm không cần bàn xoay hoặc khuôn

Ngày nay, gốm Chăm không chỉ được du khách trong nước mà còn được nhiều du khách nước ngoài biết đến, yêu thích, góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch của vùng đất Ninh Thuận.

Làng gốm thủ công lâu đời

Hiện nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa, từ những đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân gốm. Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm đều thực hiện bằng thủ công, toát lên giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và vẻ đẹp của làng gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.

Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn kết nối với nhau. Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Việc chế tác gốm Chăm hoàn toàn bằng tay, nghệ nhân tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm, không dùng bàn xoay như hầu hết các làng gốm khác. Do đi quanh chế tác nên cách vuốt gốm của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng, khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay.

Gốm của người Chăm được nung lộ thiên. Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Với một số sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng một số cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị - trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa.

Đặc biệt, một đặc trưng quan trọng của gốm Chăm là thế giới tâm linh tín ngưỡng, phong tục, văn hóa Chăm thể hiện qua gốm. Trên các sản phẩm gốm Bàu Trúc, thường bắt gặp dáng hình và điệu múa mềm mại của nàng Apsara, vũ điệu thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa Chăm, nghệ nhân chơi kèn saranai… cùng những tác phẩm mô phỏng đời sống văn hóa tâm linh khác.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Viện Văn hóa quốc gia Việt Nam, khẳng định: Trong hành trình tìm kiếm về văn hóa Chăm, đồ gốm là “chìa khóa” tiếp cận đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Chăm. Trong mỗi giai đoạn nhất định, họ tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của giai đoạn trước, trong quá trình giao lưu văn hóa với cộng đồng người xung quanh… gốm Bàu Trúc ngoài đặc điểm riêng mang tính địa phương thì đều mang đặc tính chung của gốm trong khu vực.

Sản phẩm gốm Chăm

Đột phá để phát triển

Gốm Chăm Bàu Trúc đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc cực thịnh, có lúc mất dần vị thế do thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, gốm Chăm vẫn tồn tại và là sản phẩm ẩn chứa giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng Chăm. Qua hàng trăm năm, hiện nay, thị hiếu người tiêu dùng hiện đại đòi hỏi sản phẩm gốm Chăm cũng cần thay đổi kiểu dáng, chủng loại và có tính thẩm mỹ cao hơn. Do đó, những nghệ nhân sống chết với gốm buộc phải thay đổi tư duy, cải tiến kiểu dáng, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Sản phẩm truyền thống như đồ gia dụng (lu, chum, vại, lò, ấm, nồi) giờ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong mẫu hàng của làng gốm. Thay vào đó, những người thợ gốm sáng tạo ra hàng ngàn sản phẩm mới, hoa văn độc đáo gồm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí, gốm lưu niệm...

Tiên phong trong xu thế sản xuất dòng sản phẩm là việc ra đời của HTX gốm Chăm Bàu Trúc, nơi tập hợp những nghệ nhân có cách chế tác gốm Chăm xuất sắc nhất. Đến năm 2014, HTX gốm Chăm Bàu Trúc được củng cố kiện toàn lớn mạnh hơn với hơn 64 thành viên.

Anh Phú Hữu Minh Thuần- Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: “Dòng sản phẩm gia dụng giờ chỉ chiếm 20% tổng sản phẩm chúng tôi sản xuất. Hiện nay, HTX tập trung phát triển dòng gốm trang trí, gốm lưu niệm, gốm mỹ nghệ có tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, có sản phẩm lên tới 50 triệu đồng như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các tượng thần của văn hóa Chăm và các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông. Ở mỗi sản phẩm, người tiêu dùng đều có thể thấy được yếu tố hiện đại kết hợp hài hòa với những đường cong, họa tiết, hoa văn cách điệu đặc trưng của văn hóa Chăm. Đó chính là nét riêng, mang bản sắc đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của gốm Chăm với mọi người”. 

XUÂN HƯỚNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top