Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Nghĩa tình quân dân trong đại dịch

Thứ Sáu 27/08/2021 | 10:32 GMT+7

VHO- Những ngày này, hình ảnh hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ tích cực tham gia tuần tra kiểm soát trên đường phố, hay trực tiếp mang thực phẩm thiết yếu đến tận nhà những gia đình khó khăn đã trở nên thân quen và gần gũi hơn với người dân TP.HCM, thắp sáng lên “nghĩa tình quân dân” giữa lúc đại dịch.

Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trực tiếp mang thực phẩm đến từng khu phố và trực chốt kiểm soát tại TP.HCM

 Cùng với lực lượng vũ trang TP.HCM, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được Bộ Quốc phòng tăng cường cho thành phố đã nhanh chóng phối hợp cùng lực lượng các địa phương “tác chiến” trên nhiều mặt trận trong những ngày qua.

Nhận cả nghĩa tình

Trong ngày 25 - 26.8, 18 chiến sĩ thuộc Quân đoàn 4 tăng cường hỗ trợ UBND phường 4 (quận Phú Nhuận) đã phối hợp, mang hàng trăm phần quà nhu yếu phẩm đến từng khu phố, con hẻm để trao tận tay cho cho các hộ gia đình khó khăn, người lao động thuê nhà trọ và sinh viên bị mắc kẹt trên địa bàn phường. Những phần quà gồm có gạo, dầu ăn, nước mắm, rau, củ quả… do UBND phường vận động và tiếp nhận từ nguồn cấp phát của Chính phủ.

Trực tiếp nhận thực phẩm từ tay các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, chị Thanh Thúy ở Khu phố 1 (phường 4) chia sẻ, kể từ khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội, việc tự mua thực phẩm của gia đình gặp khá nhiều khó khăn. Trong khi đó hằng ngày phải lo cái ăn cho cả gia đình với 4 thành viên, cả hai vợ chồng đã nghỉ việc từ nhiều tháng nay, không có thu nhập, nguồn thực phẩm dự phòng trong nhà cũng hết dần. Được Bộ đội mang giúp thực phẩm đến tận nhà kịp thời, gia đình chị Thúy đã yên tâm hơn phần nào. “Tuy có thể chưa đủ cho những ngày sắp tới, nhưng cái mình nhận được ở đây không chỉ là thực phẩm mà còn nhận cả “nghĩa tình” của các chiến sĩ ấy với tinh thần vì nhân dân mà phục vụ, bất chấp hiểm nguy, dẫu còn “lạ nước, là cái” khi lần đầu đến thành phố. Để đáp lại tình cảm ấy, chúng tôi không có gì ngoài việc ở yên trong nhà để chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, để các chiến sĩ sớm trở về với gia đình, đơn vị”, chị Thúy bày tỏ.

Ông Lê Minh Truyền, Chủ tịch UBND phường 7 (quận Tân Bình) cho biết, trong số 21 cán bộ, chiến sĩ được điều động về địa phương, có 15 chiến sĩ bộ binh được phân công phối hợp với các lực lượng của phường tiếp nhận lương thực rồi mang đến trao tận tay cho các hộ gia đình khó khăn, khu nhà trọ, đồng thời hỗ trợ trực chốt kiểm soát…; 6 cán bộ quân y được phân công phụ trách Trạm xá lưu động và điều trị F0 tại nhà. Tuy môi trường công việc hoàn toàn mới nhưng các chiến sĩ đã thích nghi và nhập cuộc rất nhanh, hỗ trợ địa phương chăm lo kịp thời cho các hộ gia đình khó khăn, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men…

Chị Thanh Thúy (Phú Nhuận) trực tiếp nhận thực phẩm và gạo từ các chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”

Không ai đứng ngoài cuộc

Hiểu được những khó khăn trăm bề của người dân nghèo, lao động tự do và những hoàn cảnh mất việc trong đại dịch, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” để hỗ trợ người dân TP.HCM vượt qua hoạn nạn. Qua một tuần thực hiện, chương trình đã tiếp cận được hàng ngàn hộ gia đình, kịp thời đưa lương thực, thực phẩm và đồ dùng cần thiết đến cho những đồng bào đang trong “vùng đỏ”, địa điểm phong tỏa, khu vực có nguy cơ cao…

Bà Nguyễn Thị Hai, ngụ phường Tân Kiểng (quận 7) tâm sự, trước đại dịch cả hai vợ chồng đi làm thuê ở chợ, con gái làm trong khu chế xuất, hàng tháng có đủ tiền để trang trải, cũng yên tâm những lúc ốm đau. Thế nhưng nhiều tháng nay, cả gia đình phải sống nhờ vào lòng tốt của các nhà hảo tâm. Cả gia đình ai cũng thất nghiệp, ở nhà nhìn nhau, không có thu nhập… Nhận phần quà từ chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương”, cả nhà yên tâm hơn trong những ngày sắp tới, nguồn thực phẩm này có thể kéo dài được 10 ngày đến nửa tháng. Thế rồi, nhìn những hoàn cảnh khó khăn trong xóm trọ, bà Hai không đành lòng nhìn bà con chịu đói nên đã chia sẻ, cùng giúp nhau ổn định cuộc sống. Bà Trần Thị Thu Trâm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Quy (quận 7) chia sẻ, trên địa bàn phường có nhiều khu vực đang bị phong tỏa, các hộ gia đình cần được cung cấp lương thực, thực phẩm và túi thuốc an sinh. Cứ 2-3 ngày, chính quyền chủ động cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian siết chặt cách ly. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các khu vực tập trung nhiều lao động nghèo, những người đang rất cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm hằng ngày.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, thành phố đã vận động được hơn 1,86 triệu túi quà an sinh (300 ngàn đồng/phần), và đã chuyển khoảng 500 ngàn phần quà về cho các địa phương để hỗ trợ kịp những người đang gặp khó khăn. Từ nay đến ngày 6.9 sẽ chuyển hết các phần quà còn lại, tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị đủ 2 triệu túi an sinh hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn. Ngoài ra mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương còn tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình linh hoạt, hàng hóa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh. 

HOÀNG QUÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top