Đầu tư hơn 25 tỉ đồng tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Tháp Bánh Ít

VHO- UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước).

Đầu tư hơn 25 tỉ đồng tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Tháp Bánh Ít - Anh 1

 Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít được tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo hơn 25 tỉ đồng

Công trình do Sở VHTT làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng. Đây là dự án nhóm C, vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022. Theo đó, dự án sẽ thực hiện đầu tư với quy mô gồm: Hoàn thiện đường nội bộ (phía Tây Nam) bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; tháo dỡ nhà thường trực - vệ sinh cũ nằm phía Đông Nam (vị trí số 10 trong quy hoạch) để tạo sự thông thoáng cảnh quan khuôn viên với quy mô khoảng 203m2, hoàn thiện mặt bằng theo thiết kế.

Xây dựng khu nhà chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh) thành một khối nằm phía Đông Nam (vị trí số 11 trong quy hoạch), quy mô xây dựng khoảng 712m2. Hệ thống trưng bày nội thất bên trong được thiết kế lắp dựng, bài trí hiện vật theo mô hình mỹ thuật, kiến trúc Chămpa; di dời đường điện trung thế băng qua khu vực di tích (phía Tây Nam) và làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe. Theo quyết định, việc đầu tư xây dựng công trình nhằm tu bổ, tôn tạo di tích, giữ gìn và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít. Công trình sau khi hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích.

Tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định. Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính. Căn cứ những dấu tích còn lại cho thấy, trước đây số lượng kiến trúc nhiều hơn, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh ở trung tâm của 3 thành cổ: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn. Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc