Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bác Hoàng Vĩnh Giang với Văn Hóa

Thứ Hai 13/09/2021 | 09:03 GMT+7

VHO- Cả cuộc đời gắn bó với thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban OIympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 11.9 (5.8 âm lịch).

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Cố Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới Hoàng Vĩnh Giang là một người cởi mở với báo chí. Với Báo Văn Hóa, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt, có lẽ cũng bởi một cơ duyên, cụ thân sinh ra ông Giang là Giáo sư Hoàng Minh Giám, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa. 
“Cảm ơn Văn Hóa đã đồng hành cùng Thể thao Việt Nam”
Năm 2009, khi pháo hoa thắp sáng nhà thi đấu điền kinh trong nhà, Mỹ Đình (Hà Nội) đánh dấu thời điểm Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (Asian Indoor Games – AIG3) chính thức khép lại, giọng Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang như nghẹn lại: “Cảm ơn Văn Hóa đã đồng hành cùng Thể thao Việt Nam để Đại hội được tổ chức thành công như ngày hôm nay”. Câu nói đó của ông Giang được rút lại sau một chặng đường đầy vất vả chuẩn bị cho công tác đăng cai tổ chức Đại hội mà lúc đầu đã có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc có nhất thiết Việt Nam phải đăng cai AIG3? Trước đó bằng ước mơ cháy bỏng về việc Thể thao Việt Nam có thể đăng cai các sự kiện thể thao lớn của khu vực, châu lục, ông Hoàng Vĩnh Giang là người có công lớn đưa SEA Games 22 về tổ chức tại Việt Nam và sau đó là AIG3 rồi Beach Games. 
Ngay từ khi ông Hoàng Vĩnh Giang còn giữ chức Giám đốc Sở TDTT Hà Nội cho tới những năm tháng cuối đời, một trong những tờ báo ông hay đọc chính là Văn Hóa. Ông cũng giữ thói quen đọc Báo Văn Hóa số Tết vào những ngày xuân và chỉ hơn 2 tháng trước đây thôi, trước khi Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường dự Olympic, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã nhận định trên Văn Hóa rằng, chúng ta thiếu đủ mọi thứ cho đấu trường Olympic nên thành tích đạt được sẽ không ổn định, không phải kỳ trước có vàng thì kỳ sau sẽ có huy chương. Và kết quả thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic vừa qua đã chứng minh đúng như nhận định của ông Hoàng Vĩnh Giang.
Nhiều lần tại các kỳ SEA Games, khi thấy phóng viên Văn Hóa vất vả trong việc tìm phương tiện di chuyển, ông Giang ân cần bảo: “Chú có xe riêng, cháu cần đi, chú sẽ cho người qua chở cho đỡ vất vả”. Sự quan tâm chu đáo của một vị quan chức dành cho một phóng viên nhỏ bé như tôi, đã giúp cho bao vất vả nguôi ngoai phần nào…
Nhà ngoại giao của Thể thao Việt Nam
Sinh năm 1946 trong một gia đình trí thức, có truyền thống yêu nước, ông Hoàng Vĩnh Giang sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung và là nhà ngoại giao thiên bẩm. Ông cũng có khả năng thiên phú về thể thao, từng là kỷ lục gia môn nhảy cao, được đào tạo bài bản ở Liên Xô cũ và là võ sư được giới võ thuật kính trọng. Vài năm sau khi được đào tạo ở Liên Xô, hành trang khi trở về của ông không phải là tủ lạnh, bàn là hay những đồ dùng thiết yếu rất có giá trị, mà chính là sách và trang thiết bị để ông phát triển, khôi phục nhiều môn thể thao sau này như Đấu kiếm, Boxing… 
Với thể thao đấu trường khu vực và châu lục, ông luôn nhận được sự tôn trọng đặc biệt của các tổ chức quốc tế. Hiện ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, Phó Ban điều hành Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Với tài ngoại giao và khả năng tranh đấu của mình, ông cũng đã đưa được nhiều môn của Thể thao Việt Nam vào đấu trường khu vực, điển hình trong số đó là Vovinam. 
Cho tới giờ người trong cuộc vẫn chưa thể quên màn “đấu tranh” rất tài tình của ông Giang trong cuộc họp quyết định các môn đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 2011. Khi ấy đại diện cho Ủy ban Olympic Philippines đã có ý kiến rằng “Vovinam là môn thể thao gì, sao tôi không biết, tôi không biết sẽ nói thế nào với người dân Philippines khi trở về. Tại sao nhiều môn Philippines xin đưa vào chương trình thi đấu không được trong khi Vovinam lại được”? Khi ấy ông Giang nhẹ nhàng trả lời rằng: “Vậy tôi xin phép kể với ngài lịch sử của một số kỳ SEA Games gần đây trong đó có SEA Games 1991 do nước ngài tổ chức. Ngài có biết môn Arnis là gì không?”. Nghe tới đó vị Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines ngơ ngác nhìn xung quanh, ông Giang lại tiếp: “Arnis là môn võ gậy của Philippines và khi ấy các ngài đề nghị cho Arnis là môn biểu diễn tại SEA Games 16. Rồi năm 2005 khi Philippines tổ chức SEA Games, môn này đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Ở cả 2 lần ấy, Thể thao Việt Nam đều ủng hộ và tham gia thi đấu, hưởng ứng nét văn hóa đặc biệt của đất nước các ngài. Ở cuộc họp gần đây, ngài vắng mặt nên không biết, các nước đã đồng ý đưa Vovinam vào chương trình thi đấu của SEA Games 2011 và giờ chúng tôi cũng mong các ngài ủng hộ để chúng ta cùng tìm hiểu về văn hóa của nhau”. Sau màn đấu trí tài tình của đại diện Việt Nam, kết thúc cuộc họp, đại diện Ủy ban Olympic Philippines ra bắt tay ông Giang và nói đùa: “Thôi, tôi thua ông rồi”…
Những câu chuyện về khả năng ứng phó, đấu tranh giành quyền lợi cho Thể thao Việt Nam tại các tổ chức quốc tế của vị Phó Chủ tịch xuất chúng này còn rất nhiều. Vì thế nên khi tham gia các Đại hội thể thao khu vực và châu lục, ông Giang luôn nhận được sự tôn trọng lớn từ các tổ chức quốc tế. 
Cả cuộc đời gắn bó với thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban OIympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã đột ngột trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 11.9. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Thể thao Việt Nam, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức SEA Games và chuẩn bị cho nhiều đấu trường lớn khác. Thôi đành vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba mà các VĐV luôn yêu quý và kính trọng gọi bằng: “Bác Giang”! 

THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top