Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Khởi động lại các hoạt động du lịch: Từng bước, chắc chắn và an toàn

Thứ Sáu 15/10/2021 | 10:49 GMT+7

VHO- “Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hết sức lưu ý như vậy tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL, Bộ Y tế về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch trong tương lai, diễn ra vào sáng qua 14.10.

 Các hoạt động du lịch phải tuân thủ 5K Ảnh: XUÂN HƯỚNG

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các phương án từng bước mở lại các hoạt động du lịch phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nhiều thuận lợi để mở cửa

Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức…

Đây là những yếu tố thuận lợi hơn trước để từng bước mở lại hoạt động du lịch. Theo Phó Thủ tướng, rủi ro dịch bệnh của ngành du lịch là tần suất người di chuyển rất cao, phạm vi rộng, vì vậy Bộ VHTTDL phải ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch cụ thể, chi tiết như: Phương thức vận tải; điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; phương thức xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm nhanh nhất, gọn nhất… Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích doanh nghiệp thành viên thực hiện để hoạt động trở lại từng bước chắc chắn, an toàn. Bộ GTVT khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần có quy định rõ, chi tiết đối với du khách theo tour du lịch lữ hành khác với xe vận tải hành khách thông thường khi bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến. “Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL, các hiệp hội du lịch khẩn trương làm việc với các địa phương, Bộ, ngành để có kiến nghị rất cụ thể về điểm đến, thời điểm, quy mô, quy trình thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý khi có ca nhiễm…; báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi có vướng mắc cần tháo gỡ. “Cùng với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch cần khẩn trương khôi phục lại hoạt động từng bước an toàn, chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.

 Khánh Hòa đang nỗ lực chuẩn bị để đón du khách trong và ngoài nước với những kịch bản hết sức chặt chẽ. Trong ảnh: Du khách quốc tế đến với Vịnh Nha Trang trong năm 2019 Ảnh: H.H

An toàn phải là tiêu chí cơ bản

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong 2 năm (2020, 2021), các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ: Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Cũng theo ông Khánh, đến thời điểm này các địa phương cũng đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch nội địa trở lại trong điều kiện bình thường mới từ tháng 11.2021. Cụ thể, một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch cho khách nội tỉnh cũng như khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tái khởi động lại du lịch nội địa còn gặp khó khăn do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương nên vẫn còn sự thận trọng trong việc tái khởi động du lịch. Do đó, để khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành việc tiêm vắc xin đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. An toàn phải trở thành tiêu chí cơ bản đối với hoạt động du lịch. Kết nối du khách từ “vùng xanh” tới “điểm đến xanh”. “Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ mức độ nguy cơ thành 4 vùng, các địa phương cần cập nhật các vùng, khu vực, điểm đến an toàn để làm căn cứ triển khai các hoạt động du lịch. Những điểm đến đã an toàn cần cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, văn hoá ở mức độ phù hợp, có kiểm soát”, ông Nguyễn Thế Bình kiến nghị. 

 Tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ở phạm vi quản lý nhà nước, toàn ngành tập trung triển khai các quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bộ VHTTDL cùng các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng các kịch bản phát triển du lịch. Trong đó, hai định hướng chính là ưu tiên thực hiện phát triển du lịch nội địa, coi phục hồi du lịch nội địa làm cơ sở cho việc phát triển lại du lịch. Khảo sát đúng thực trạng, nhu cầu và mong muốn của du khách để khởi động và đưa ra khuyến nghị “du lịch xanh – du lịch an toàn”. Thứ hai là cùng các địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, bởi trong thời điểm này mà vẫn giữ sản phẩm du lịch như trước đây thì chưa thích ứng với tình hình. Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, nên sản phẩm du lịch phải là sản phẩm trọn gói theo hướng các điểm đến phải an toàn, trên cơ sở nhu cầu của du khách để hướng đến sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, du lịch gắn với văn hóa vùng miền và tập trung cho các địa bàn hiện nay đang là “vùng xanh” và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Nhóm giải pháp thứ ba là đồng hành cùng doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong đó có những chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành, đã thực hiện thì nay tiếp tục duy trì như miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú, giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, đề xuất cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng trong tổng thể chung để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính, vực lại hoạt động du lịch. Cùng với doanh nghiệp, xem xét hoàn chỉnh nguồn nhân lực du lịch để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động du lịch có tính chất đặc thù. Cụ thể là tập huấn, đào tạo, thực hiện các chính sách để thu hút lao động trở lại với hoạt động của ngành. Thứ tư là tập trung số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng các app về điểm đến du lịch an toàn và các dịch vụ khác đi kèm để cung cấp cho người dân biết và có sự lựa chọn. Đây cũng là hướng đi trong tương lai có tính chất bắt buộc của ngành du lịch theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo, đi kèm với du lịch nội địa, cũng cần tính toán đến khai thác thị trường khách quốc tế. Hiện nay, Bộ Chính trị, Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản mở cửa lại thị trường thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

HOÀNG HẢI

 THANH BÌNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top