Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Sống thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở núi

Thứ Hai 01/11/2021 | 10:07 GMT+7

VHO- Cứ đến mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở các địa phương vùng núi tại tỉnh Thừa Thiên Huế lại thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở. Dù rất mong muốn được di dời tái định cư đến khu vực an toàn, song nguồn lực có hạn nên các địa phương đành phải chờ tỉnh và giải pháp trước mắt cũng chỉ là sơ tán dân khi có mưa to…

Nhiều gia đình ở huyện miền núi A Lưới cũng nơm nớp lo sợ khi sống gần khu vực đồi núi nguy cơ sạt lở

 Tại huyện Nam Đông, 78 hộ dân sinh sống tại thôn Lập, xã Thượng Nhật sống thấp thỏm trong nỗi lo nguy cơ sạt lở. Trước mặt thôn Lập là công trình thủy điện Thượng Nhật, bao quanh là những đồi núi cao. Ông Hồ Văn Vang, người sống lâu năm ở thôn kể rằng, cứ mỗi khi mưa lớn dài ngày là người dân trong thôn lại lo bồng bế nhau đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Sống mấy chục năm ở đây, giờ phía trên thì công trình thủy điện, làng thì ở phía chân núi nên cứ nơm nớp nỗi lo. Chúng tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, sớm thực hiện di dời tái định cư đến khu vực an toàn.

Theo UBND huyện Nam Đông, qua khảo sát, trên địa bàn huyện có 10 vị trí nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 230 hộ dân. Trong đó, khu vực ở xã Thượng Nhật cùng các xã như Thượng Lộ, Thượng Long, Hương Phú có nguy cơ cao. Trước mắt, UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương cơ sở liên tục tuyên truyền, vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ trong vùng nguy cơ khi có mưa lớn kéo dài, đồng thời cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét. “Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để xây dựng phương án bố trí tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, đây là bài toán khó với nguồn kinh phí của địa phương. Hiện huyện đã lập báo cáo trình UBND tỉnh”, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết.

Hàng chục hộ dân ở thôn Lập, xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) mong muốn được di dời tái định cư vì lo lắng sạt lở

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh có 48 điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, tập trung ở khu vực gò đồi, núi tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền… Mới đây mưa lớn kéo dài tại huyện miền núi A Lưới đã gây sạt lở đất đá tại gần 80 điểm dọc đường Hồ Chí Minh, trong đó có 16 điểm sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông. Riêng khu vực đồi núi ở xã Hồng Thủy cũng xuất hiện nhiều vết nứt sâu, rộng, kéo dài cả 100m. Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân tại thôn Tru Phỉ nằm cách khu vực núi lở không xa. Cứ mỗi lần mưa lớn, những thành viên trong gia đình đều sơ tán đến nơi khác. Ông Tuân cũng cho biết, chính quyền xã Hồng Thủy điều động lực lượng hỗ trợ người già, trẻ em, phụ nữ di dời, chỉ những người đàn ông khỏe mạnh mới ở lại để trông giữ nhà cửa và theo dõi tình hình sạt lở…

Thôn Tru Phỉ có 170 hộ dân, trong đó điểm nguy cơ sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 54 hộ. Ông A Cơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy thông tin, các vết nứt ở khu vực đồi núi trên địa bàn thôn Tru Phỉ đã được phát hiện từ trước đó và cảnh báo đến người dân. Vết nứt rộng khoảng 2m, có độ sâu từ 1,5m - 4m, có thời điểm bị đất sản xuất của người dân trôi và lấp lại một phần nhưng vết nứt vẫn còn hiện hữu, không biết bao giờ sụt lún. Điều này khiến cho người dân địa phương lo lắng, thấp thỏm.

Cũng như huyện miền núi Nam Đông, chính quyền địa phương ở huyện A Lưới cũng đề xuất với tỉnh về xây dựng dự án tái định cư cho những hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng của điểm sạt lở thôn Tru Phỉ. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Liên đoàn địa chất quan trắc tại tất cả các điểm nguy cơ để có cơ sở đề xuất dự án đến các cấp có thẩm quyền. Ngoài thôn Tru Phỉ của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới còn có các điểm nguy cơ cao về sạt lở như khu vực Bốt Đỏ của xã Phú Vinh, khu vực tái định cư của thủy điện A Lưới…

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2021 tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương vùng có nguy cơ sạt lở ở A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông, Phong Điền… có phương án di dời các hộ dân ở gần khu vực nguy hiểm. Về phương án lâu dài, sau khi có đánh giá một cách chính thức có cơ sở, có khoa học về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới, sẽ có phương án di dời tái định cư. 

ANH KIỆT - SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top