Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Huế: Háo hức chờ ngày sáng đèn

VHO_ Suốt gần 2 năm qua, gần 150 nghệ sĩ ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế gần như không biết đến ánh đèn sân khấu. Không có khán giả, thiếu những tràng pháo tay nhưng họ vẫn miệt mài luyện tập để sẵn sàng cho ngày biểu diễn trở lại.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Huế: Háo hức chờ ngày sáng đèn - Anh 1

Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế vừa được nghiệm thu tháng 10.2021

 Đến Duyệt Thị Đường (khu Di sản Hoàng cung Huế) vào một ngày đẹp trời đầu tháng 11, chúng tôi may mắn được thưởng thức điệu múa Bát tiên hiến thọ của các nữ nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Mỗi ngày tại đây có 2 suất luyện tập, chủ yếu là tập múa Cung đình và biểu diễn Tuồng cổ. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ cũng tập luyện biểu diễn Nhã nhạc Cung đình và hòa tấu dàn nhạc dân tộc…

Biên đạo múa Mai Văn Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết: Tháng 10.2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các đơn vị đã “nghiệm thu” chương trình nghệ thuật của Nhà hát nhằm phục vụ phố đi bộ ban đêm Hoàng thành Huế, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2022 tới. Sau đó, không chỉ là phố đi bộ mà còn nâng cao chất lượng nghệ thuật tại các điểm biểu diễn ở Khu di sản Huế, Nhà hát sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình 2, chương trình 3 và đẩy mạnh, tích cực tập luyện trong các tháng cuối năm này. Những chương trình đều được xây dựng dựa trên nền nghệ thuật truyền thống, mang tính sử thi và đặc biệt là chuyển tải đến công chúng những di sản văn hóa quý báu mà Cố đô Huế đang lưu giữ thông qua các loại hình nghệ thuật như: Tuồng cổ, Diễn xướng, Nhã nhạc, múa Cung đình, ca Huế thính phòng…

Tranh thủ thời gian giải lao giữa buổi luyện tập, NSƯT Kiều Oanh (42 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Thời gian này, cứ nghe lãnh đạo Nhà hát thông báo đi tập luyện cho chương trình mới là nghệ sĩ chúng tôi vui mừng lắm, chị em còn truyền tai nhau trong niềm háo hức là sắp được trở lại biểu diễn rồi. Cũng ngót nghét gần 2 năm không được lên sân khấu, ai cũng đều rất nhớ nghề. Dù hiện chưa trở lại sâu khấu, không có khán giả, thiếu những tràng pháo tay nhưng được cùng nhau tập luyện nâng cao chuyên môn và cùng nhau giữ “lửa nghề” đã là niềm vui vô hạn với chúng tôi. Trong xu hướng phát triển của nghệ thuật hiện đại, những nghệ sĩ múa Cung đình càng phải tập luyện nhiều hơn để thích ứng và chuyển tải phù hợp những giá trị văn hóa truyền thống đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ”.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Huế: Háo hức chờ ngày sáng đèn - Anh 2

Điệu múa Cung đình “Bát tiên hiến thọ”

Theo lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì Nhà hát có 11 địa điểm biểu diễn cố định với số lượng lên đến gần 30 suất diễn/ngày. Ngoài chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường còn có lễ Đổi gác ở Ngọ Môn, chương trình Đại nhạc, Tiểu nhạc (Nhã nhạc Cung đình), Hòa tấu ở vườn Thiệu Phương, Ca Huế ở điểm tham quan tại các lăng… Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dù không còn biểu diễn như trước, nhưng Nhà hát đã xây dựng kế hoạch phù hợp cho công tác luyện tập, nâng cao chuyên môn; đặc biệt để nghệ sĩ “gạo cội” hướng dẫn cho nghệ sĩ trẻ… Các điểm tập luyện đảm bảo chất lượng và an toàn phòng chống dịch, nên nghệ sĩ của Nhà hát rất mong chờ và sẵn sàng biểu diễn ngay khi du lịch phục hồi trở lại. “Trước đây, Nhà hát có gần 160 nghệ sĩ, song do dịch bệnh kéo dài, những nghệ sĩ hợp đồng và học việc đành phải chấm dứt, hiện chỉ còn 144 nghệ sĩ. Dự kiến đầu năm 2022, khi các điểm tham quan đón khách trở lại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tuyển chọn thêm các vị trí phù hợp để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng biểu diễn”, ông Mai Văn Trung thông tin thêm.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Hoàng Việt Trung cũng khẳng định: “Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã tổ chức cho anh chị em nghệ sĩ tập luyện đều đặn, hướng đến việc xây dựng và phát triển các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc phục vụ khán giả và du khách, góp phần “hâm nóng”, kích cầu, phục hồi du lịch của địa phương. Phải có sự chuẩn bị chu đáo cho bước phát triển tiếp theo, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế thì chủ động đón đầu được nguồn khách”. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc