Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Ước nguyện bên mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân

Thứ Sáu 19/11/2021 | 10:04 GMT+7

VHO- Được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân nhiều địa phương của huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), sau nhiều tháng tìm hiểu, đối chiếu với thực địa và gia phả, phóng viên Báo Văn Hóa và các đồng nghiệp đã xác định chính xác mộ phần của Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân - một thủ lĩnh quan trọng của phong trào Cần Vương.

 Khu lăng mộ cụ Nguyễn Phạm Tuân

 Từ số nhà 45 phố Nguyễn Phạm Tuân…

Vào một đêm cuối xuân năm 2021, nhà báo Phạm Phú Thép, phóng viên Báo Văn Hóa đột nhiên gọi cho tôi: "Lạ lắm anh ạ, số nhà 45 phố Nguyễn Phạm Tuân của em cũng là tuổi thọ 45 của võ tướng Nguyễn Phạm Tuân". Sự trùng hợp kỳ lạ càng thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về ông. Và việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cũng như mộ phần của Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân của nhóm phóng viên chúng tôi cũng bắt đầu từ đó…

Nguyễn Phạm Tuân sinh năm Nhâm Dần (1842), mất năm Đinh Hợi (1887), tự là Tử Trai, sau đổi là Dưỡng Tăng, hiệu Minh Phong, quê ở làng Kiên Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay là Đồng Hới, Quảng Bình). Theo một số nguồn tư liệu, Nguyễn Phạm Tuân vốn xưa thuộc dòng họ Phạm, chính quê thôn Văn Thượng, xã Lực Canh, tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), vì phạm tội phải trốn vào Thuận Hóa đổi ra họ Nguyễn để khỏi bị truy lùng.

Năm Quý Dậu (1873), Nguyễn Phạm Tuân đỗ cử nhân. Năm 1878, ông được bổ nhiệm làm Hành tẩu bộ Lễ. Ông được triều đình giao phụ trách công việc cứu đói. Ông đã cho thực hiện nhiều biện pháp chống đói hiệu quả, giúp dân thoát khỏi nạn đói.

Lòng yêu nước đã thôi thúc ông đứng ra chiêu mộ nghĩa quân, tập hợp binh lính, hưởng ứng chiếu Cần Vương, lên vùng Tuyên Hóa, tìm gặp vua Hàm Nghi, xin đi theo đánh Pháp. Năm 1885, ông được vua Hàm Nghi phong chức Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình. Năm 1886, Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đã trao toàn quyền quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng cùng Đề đốc Lê Trực và hai con trai của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chống Pháp.

Đầu năm 1887, quân Pháp do đại uý Mutô (Mouteaux) cầm đầu, tổ chức hai đội biệt kích đánh vào căn cứ Yên Lương. Ông chống cự rất quyết liệt, nhưng bị trúng đạn ở ngực, Pháp bắt giải về đồn Minh Cầm. Sau những lần tra hỏi bằng vũ lực không có kết quả, giặc Pháp lại dùng tiền bạc và danh vọng hòng dụ dỗ, mua chuộc ông. Nhưng Nguyễn Phạm Tuân đã nổi giận hét lớn: “Tao bình sinh trọng cương trường, ghét đạo tặc. Cần nói cho mày biết, con mà chết vì cha, tôi mà chết vì vua, còn gì là phải sợ”.

Đến 2 giờ sáng ngày 10.4.1887 (tức 17 tháng 3 năm Đinh Hợi), để giữ vững khí tiết, Nguyễn Phạm Tuân tuẫn tiết. Năm đó, ông vừa tròn 45 tuổi, cái tuổi đương lên của một vị tướng tài ba trong phong trào Cần Vương. Mutô tức lồng lộn, chặt đầu, ném xác ông xuống sông Minh Cầm và cấm không được chôn cất. Nhưng bất chấp sự đe dọa, người dân và những người trung nghĩa đã vớt xác ông, đưa về mai táng ở làng Kim Thanh, sau đó cải táng ở vùng núi Yên Sơn (Mũi Vích), xã Yên Phong, huyện Quảng Trạch. Sau ngày đất nước thống nhất, hậu duệ của ông lại cải táng một lần nữa.

 Nhà báo Phạm Phú Thép (giữa) và các đồng nghiệp thắp hương trước mộ phần cụ Nguyễn Phạm Tuân

Ước nguyện bên mộ phần cụ Nguyễn Phạm Tuân

Từ những thông tin được sử sách ghi lại, nhóm phóng viên đã cất công tìm kiếm. Sau nhiều tháng lặn lội tìm tông tích dòng họ Nguyễn Phạm vốn đã được đổi thay để tránh giặc truy nã, rồi đối chiếu gia phả, như được ơn trời đất độ trì, cuối cùng cũng đã tìm ra. Hiện nay, mộ của cụ Nguyễn Phạm Tuân nằm ở Đồng Cát, thuộc thôn Di Lộc, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vào lúc 16 giờ 35 phút ngày 23.6.2021, nhóm phóng viên đã có mặt tại mộ phần cụ ở nghĩa trang gia tộc Nguyễn Phạm thuộc thôn Di Lộc để làm lễ dâng hương.

Lịch sử là quá khứ, nhưng những tấm gương kiệt xuất yêu nước được tôn vinh là hướng đến tương lai. Lịch sử chống ngoại xâm đã xuất hiện bao anh hùng nghĩa khí khi nằm trong tay quân xâm lược. Một Trần Bình Trọng khảng khái “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc…”; một Nguyễn Trung Trực chí lớn “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”; và Thượng tướng, thủ lĩnh Phong trào Cần Vương Nguyễn Phạm Tuân đâu có kém cạnh: “Tao bình sinh trọng cương trường, ghét đạo tặc. Cần nói cho mày biết, con mà chết vì cha, tôi mà chết vì vua, còn gì là phải sợ”.

Sự tuẫn tiết của ông trước kẻ thù hung bạo cũng đủ để cho muôn đời hậu thế tôn vinh. Trong khi những cấp dưới của ông trong Phong trào Cần Vương như Mai Lượng, Lê Mô Khởi, Lê Trực, di tích phần mộ phần được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Bên mộ phần Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân, mặc dù đã được gia tộc chăm sóc nhưng những phóng viên chuyên về văn hóa vẫn cảm thấy hoang lạnh và phần nào có lỗi. Ước mơ di tích phần mộ phần của ông được tôn tạo và công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, xứng tầm với tấm gương yêu nước thương nòi của danh tướng Cần Vương, với một phong trào khởi nghĩa vẻ vang mà bi tráng của dân tộc. Ước nguyện ấy liệu có quá không? 

 Ngay sau khi nhận được thông tin phóng viên Báo Văn Hóa và cộng sự tìm được mộ phần danh tướng Nguyễn Phạm Tuân, Ban Chấp hành Chi hội Văn học - Nghệ thuật thị xã Ba Đồn - Quảng Trạch đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và UBND xã Quảng Tùng tổ chức tìm hiểu thông tin thực địa và xác định, mộ chí Nguyễn Phạm Tuân nằm song song mộ chí bà Lê Thị Tán, vợ ông, quê quán ở Di Luân - Roòn, huyện Quảng Trạch. Dù có người chăm sóc, khói hương nhưng phần mộ còn đơn sơ, thậm chí xuống cấp, bia mộ không rõ ràng do ảnh hưởng của thời gian.

Ngày 24.6.2021, lãnh đạo UBND và Phòng VHTT huyện Quảng Trạch đã kiểm tra, xác minh thực địa. Ngày 2.7.2021, UBND huyện Quảng Trạch đã có Công văn số 803-CV/UBND gửi Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, đề xuất “Khảo sát dấu hiệu di tích phần mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân ở khu mộ gia tộc họ Nguyễn, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch”.

Ngày 9.7.2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã phối hợp với Phòng VHTT huyện Quảng Trạch, UBND xã Quảng Tùng và đại diện gia đình tổ chức khảo sát thực địa nhằm có những đánh giá khoa học ban đầu về tính lịch sử, đi tới một kết luận có tính pháp lý, làm cơ sở lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích xứng đáng với công lao của Nguyễn Phạm Tuân.

Được biết, trước những công trạng to lớn của danh tướng Nguyễn Phạm Tuân, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình đang làm hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận di tích phần mộ danh tướng Nguyễn Phạm Tuân là Di tích lịch sử quốc gia.

 

 Ghi chép của ĐỖ THÀNH ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top