Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Trao tặng áo dài ngũ thân cho các bảo tàng nhân ngày Di sản Việt Nam

Thứ Bảy 20/11/2021 | 11:57 GMT+7

VHO- Chiều 19. 11 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra lễ trao tặng áo dài ngũ thân truyền thống của các nghệ nhân cho một số bảo tàng. Đây là hoạt động ý nghĩa, xuất phát từ ý tưởng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống (CLB Đình Làng Việt), vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài để trao tặng các bảo tàng nhằm giới thiệu, quảng bá áo dài Việt Nam. 

Nỗ lực tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam truyền thống
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt, người luôn đau đáu với hành trình tìm lại vóc dáng áo dài Việt Nam truyền thống trong đời sống đương đại, chia sẻ: “Trong thời gian qua, vấn đề về áo dài luôn nóng trên truyền thông, nổi bật nhất là vấn đề áo dài của Việt Nam bị nước ngoài mạo danh, đánh tráo để trở thành thương hiệu của họ. Hình ảnh trang phục áo dài truyền thống đang mất dần, thay thế bằng các loại trang phục cách tân, may, mặc xa rời bản sắc văn hóa Việt Nam, từ đó trang phục áo dài - biểu tượng văn hóa của Việt Nam bị có nguy cơ bị xóa nhòa”.
Ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ, trước vấn đề này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng và có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ Áo dài. Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm nhằm quảng bá và bảo tồn áo dài. Đặc biệt, Sở VHTT Thừa Thiên Huế hơn một năm qua đã xây dựng và thực hiện đề án Huế - Kinh Đô áo dài Việt Nam nhằm vinh danh Áo dài là di sản văn hóa Quốc gia và trong tương lại sẽ Di sản văn hóa Thế giới.
“Hiện nay, đông đảo người Việt trong và ngoài nước mong mỏi áo dài sớm được tôn vinh đúng giá trị của nó, Nhà nước sớm công nhận trang phục này là Quốc phục, là biểu tượng văn hóa quốc gia...”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Không nằm ngoài mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, CLB Đình làng Việt trong 6 năm qua với những thành viên tâm huyết đã nỗ lực quảng bá Áo dài. Năm 2020, CLB Đình làng Việt đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và phát triển áo dài truyền thống, Trung tâm tập hợp những người yêu di sản áo dài, có niềm đam mê may, mặc, bảo tồn giá trị thẩm mỹ và văn hóa của trang phục áo dài ngũ thân truyền thống  (áo ngũ thân tay chẽn). Trung tâm hoạt động phi lợi nhuận, đặt mục tiêu hỗ trợ nghệ nhân may, hỗ trợ người mặc đúng, mặc đẹp, hỗ trợ việc phát triển các giá trị của áo dài lên tầm cao mới, giúp nhiều người biết đến bản chất giá trị của trang phục này. 
Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống đã tổ chức nhiều hoạt động, đã tập hợp được nhiều tổ chức, cá nhân may, mặc áo dài theo tinh thần thẩm mỹ dân tộc, thực hiện các hoạt động văn hóa cộng đồng để tôn vinh áo dài, giúp áo dài truyền thống trở lại đời sống thường nhật, đặc biệt là đến gần hơn với giới trẻ.
Gìn giữ và phát huy văn hóa Việt qua áo dài truyền thống
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết, nhằm hỗ trợ các Bảo tàng trong việc giới thiệu, quảng bá áo dài Việt Nam, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống đã tổ chức vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài để trao tặng các bảo tàng. Hưởng ứng sự vận động này, các nghệ nhân trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm, đã dành tấm lòng mình trong từng vuông vải, từng đường kim, mũi chỉ để tạo ra những bộ trang phục tuyệt vời dành tặng các Bảo tàng.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại lễ trao tặng

12 bộ áo dài truyền thống của các nghệ nhân may: nghệ nhân Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội); nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (đường 2/3, quận 10, TP Hồ Chí Minh); nghệ nhân Nguyễn Minh Đời (An Thới, Bình Thủy, Cần Thơ) và các nghệ nhân dệt: nghệ nhân Lê Đăng Toản (làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội); nghệ nhân Phan Thị Thuận (làng Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội); nghệ nhân Phạm Văn Thực, làng Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam; 01 áo ngũ thân nam của Kiến trúc sư Ngô Trần Thiện Toàn (Việt kiều hiện định cư tại Australia) hiến tặng; áo do nghệ nhân Trần Nguyễn Trung Hiếu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) may.
7 bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Hà Nội;  Bảo tàng Mỹ thuật  Đà Nẵng; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tiếp nhận 12 bộ Áo dài truyền thống được các nghệ nhân trao tặng các Bảo tàng.
Như một thông điệp nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, không pha tạp và lai căng, 12 bộ áo dài được trao tặng là những sản phẩm thủ công được các thành viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống và các nghệ nhân phối hợp nghiên cứu, chọn lựa và thể hiện. Đó là những bộ thường phục áo ngũ thân tay chẽn, kết cấu, tạo hình theo phong cách trang phục áo thời Nguyễn. Mỗi bộ trang phục có một đặc điểm chất liệu, kỹ thuật dệt, may riêng, mang dấu ấn của từng người thợ.
Về chất liệu, 12 bộ trang phục có sự góp mặt của các sản phẩm dệt vải như làng lụa La Khê, Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Phùng Xá, Ứng Hòa (Hà Nội); làng lụa Nha Xá, Duy Tiên (Hà Nam), lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng); lụa Mỹ A (An Giang). Có sự tham gia may của các nghệ nhân từ Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ. 
12 bộ trang phục không phải là sản phẩm phục chế, phục dựng mà được may theo cốt cách truyền thống, mang dấu ấn của người thợ thế kỷ 21. Những bộ trang phục này vẫn được các nghệ nhân may, mặc sử dụng thường ngày.

Quảng bá và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt qua hình ảnh áo dài truyền thống

Với mỗi nghệ nhân, việc trao tặng những sản phẩm áo dài cho các Bảo tàng được gửi gắm những thông điệp đặc biệt. Trao tặng những sản phẩm tâm huyết của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nghệ nhân may áo dài Nguyễn Minh Đời đã may bộ trang phục là áo ngũ thân tay chẽn, kiểu dáng áo theo phong cách trang phục áo ngũ thân thường phục thời Nguyễn (tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay). Hai bộ áo nam và nữ được may từ chất liệu lụa tơ tằm truyền thống của làng lụa Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam. Toàn bộ quá trình may do nghệ nhân Nguyễn Minh Đời thực hiện 90% may tay nên đòi hỏi việc cắt, may phải thực hiện hết sức tỉ mỉ, chi tiết. Áo được nghệ nhân Nguyễn Minh Đời khâu tay để tạo nên vẻ đẹp chân thực cho sản phẩm. Nghệ nhân trẻ cũng chia sẻ rất lo lắng khi cắt may và khâu tay cặp áo  này vì biết mục đích cặp áo dành tặng cho Bảo  tàng Phụ nữ Việt Nam. 
Cũng trao tặng sản phẩm áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn có nghệ nhân dệt vải Phạm Văn Thực. Sinh ra và lớn lên tại Nha Xá, làng nghề truyền thống làm lụa với lịch sử hàng trăm năm, ông Thực tiếp nối truyền thống gia đình phát triển các sản phẩm từ lụa, khăn tơ tằm, các loại vải… hướng tới giữ gìn những nét văn hóa lâu đời của làng nghề cũng như phát triển hơn nữa tinh hoa lụa Nha Xá nói riêng và lụa Việt Nam nói chung. Sản phẩm lụa tơ tằm để may áo dài tặng các bảo tàng được gia đình ông Thực dệt thủ công. Màu nhuộm vải là màu tự nhiên được nhuộm theo phương pháp truyền thống.

Nghệ nhân Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội) mộc mạc, đưa những sản phẩm áo dài truyền thống trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Đà Nẵng, ông chỉ có một mong muốn duy nhất, đó là những sản phẩm áo dài sẽ được các Bảo tàng gìn giữ, phát huy giá trị. Đây là cách để gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Việt, để nhiều người biết đến  cũng như hiểu đúng về áo dài ngũ thân truyền thống.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động trao tặng áo dài cho các Bảo tàng rất có ý nghĩa, góp phần gìn giữ và tôn vinh, quảng bá áo dài truyền thống Việt Nam.

Sau một thời gian thực hiện, các bộ trang phục Áo dài truyền thống đã được hoàn thiện, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11 và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ được tổ chức ngày 24.11.2021, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống – CLB Đình làng Việt tổ chức Lễ trao tặng tới các bảo tàng những bộ trang phục này. Hoạt động được tổ chức với hy vọng, những tấm áo này phần nào sẽ hỗ trợ các Bảo tàng trong việc trưng bày, quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam hiệu quả nhất.

 

BÌNH AN


                                                                                                                                                                                                                                                

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top