Thiết kế sáng tạo từ "Thành phố sáng tạo”: Không để là danh hiệu “hão”

VHO- “Chúng ta đã rất tự hào khi Hà Nội nỗ lực là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành Thành phố sáng tạo, thế nhưng trải qua hai năm, vì sao khái niệm này vẫn còn mờ nhạt?”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện VHNT Quốc gia trăn trở chuyện nhiều công dân Thủ đô đến nay vẫn không hiểu khái niệm “Thành phố sáng tạo” là gì.

Thiết kế sáng tạo từ

 Không gian triển lãm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021

Sáng qua 28.11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô, kết hợp trực tuyến trên Zoom và livestream, với sự tham dự của các chuyên gia uy tín, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và đại diện các không gian sáng tạo văn hóa, một số trường Đại học trên địa bàn Thủ đô…

Khái niệm “thành phố sáng tạo” còn mờ nhạt

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh các giải pháp nâng tầm lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từng bước hiện thực hóa sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo nhằm thực hiện cam kết với UNESCO.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, thực hiện cam kết với UNESCO sau khi chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẽ phải cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Hội thảo Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với mục đích trao đổi, bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm về Kế hoạch hành động và cơ chế chính sách của TP Hà Nội.

Mong mỏi thúc đẩy những giải pháp của Thủ đô trong thực hiện các cam kết với UNESCO, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, cần tập trung trả lời 3 câu hỏi: Vì sao Hà Nội cần đánh giá một cách thực tế nguồn tài nguyên văn hóa khi trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế? Cơ hội và thách thức của Hà Nội hiện nay là gì? Hà Nội đã, đang và sẽ phải triển khai các cam kết như thế nào để giữ vững vị trí và tạo động lực, truyền cảm hứng cho các Thành phố trên toàn quốc?

“Năm 2019 có 66 thành phố trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và Hà Nội là một trong số đó. Thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ, sức sáng tạo của con người là quá trình tạo ra các giải pháp thông minh cho mọi vấn đề của cuộc sống. Thiết kế sáng tạo có trong mọi lĩnh vực của đời sống, làm nên vẻ đẹp hài hòa của một đô thị có kiến trúc lịch sử nhiều lớp... Do đó, lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo là một giải pháp tối ưu nhằm tạo ra bước đột phá, xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, sáng, xanh, sạch, đẹp và đáng sống”, bà Phương nhấn mạnh.

Chúng ta phải làm gì để danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” không phải là danh hiệu hão? PGS Nguyễn Thị Thu Phương đặt câu hỏi và cho rằng cần phải thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Là Thủ đô văn hiến, Thủ đô khó có thể phát triển rầm rộ bằng công nghiệp nặng hay những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường hoặc tạo thêm áp lực về đô thị, chúng ta chỉ có thể đẩy mạnh sự kết nối và chuyển hóa, giữa truyền thống và hiện đại. Cần định vị Hà Nội như trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, trung tâm sáng tạo và bản sắc hài hòa, hội nhập.

Thiết kế sáng tạo là giải pháp

Đứng trước nhiều thách thức và lựa chọn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, “Nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, giàu bản sắc của chúng ta chính là nền tảng thế mạnh để tạo nên các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa giàu sức hút”. Mong mỏi của chuyên gia này về việc làm sao để Hà Nội - Thành phố sáng tạo thực sự là một thành phố sống động trong thực tiễn chứ không phải là một thành phố sáng tạo trên báo chí cũng nhận được sự đồng thuận của PGS.TS Đặng Văn Bài. Từ góc nhìn Nguồn tài nguyên Di sản văn hóa cho sự phát triển các Không gian sáng tạo của Thủ đô, ông cảm nhận rõ sự kết nối truyền thống và hiện đại trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là ví dụ cụ thể về phát huy tiềm năng sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống.

Dựa trên các thế mạnh về không gian văn hóa và nguồn nhân lực sáng tạo của Thủ đô, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu vấn đề: Cơ chế nào để có thểphát huy hiệu quả? “Chúng ta luôn tự hào có một Thủ đô ngàn năm văn hiến, với hệ thống các di sản văn hóa đồ sộ. Tôi cho rằng gần 6.000 di tích của Hà Nội chính là những không gian sáng tạo, bởi đó chính là sản phẩm sáng tạo của cha ông mà chúng ta được kế thừa. Những không gian sáng tạo như ở di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã góp phần tạo nên sức sống và vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong đời sống…”, PGS Đặng Văn Bài nhận định.

Trên cơ sở nhìn nhận đặc trưng của Hà Nội là kết tinh, hội tụ và lan tỏa, ông Bài cũng nhấn mạnh, đó cũng chính là thế mạnh đểphát huy tiềm năng thành phố sáng tạo. Với bề dày văn hóa truyền thống, với nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào và tầng lớp cư dân trung lưu có nhu cầu hưởng thụ văn hóa cao, PGS Đặng Văn Bài cho rằng, việc của Hà Nội là cần có cú hích, cơ chế biến tiềm năng thành động lực phát triển. “Thời gian qua, chúng ta thấy rằng Hà Nội có “nhúc nhích” nhưng còn chậm. Điều chúng ta cần hiện nay là các Trung tâm sáng tạo lớn. Rõ ràng so với các địa phương trong cả nước, lợi thế nổi trội của Hà Nội là lợi thế đi đầu về văn hóa, trong đó Thủ đô nên đi đầu về phát triển Thành phố sáng tạo, tạo sân chơi thúc đẩy tinh thần sáng tạo Việt Nam”, PGS Đặng Văn Bài phát biểu. 

Năm 2021, sự kiện Tuần lễ Thiết kế Việt Nam diễn ra từ ngày 27.11 đến ngày 3.12 với chủ đề Đánh thức truyền thống, sẽ tiếp tục tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực: Thiết kế truyền thống, Thiết kế đồ nội thất, Thiết kế vật dụng và trang trí, Thiết kế trang phục, Thiết kế công cộng. Bên cạnh đó, các cuộc hội thảo, tọa đàm sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà sáng tạo chia sẻ những vấn đề về chính sách, thực tiễn hoạt động sáng tạo nói chung và của Thành phố Hà Nội nói riêng.

 

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc