Quá nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Múa cung đình Huế

VHO- Công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Múa cung đình Huế dù đạt được hiệu quả, song vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Cùng với bảo tồn, cần có nhiều chính sách hơn trong việc phát huy giá trị di sản này.

Quá nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Múa cung đình Huế - Anh 1

 Biểu diễn Múa cung đình Huế tại chương trình khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII vừa qua

Múa cung đình là di sản phi vật thể thường được biểu diễn cùng với Nhã nhạc cung đình Huế, đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Gần 20 năm qua, những người làm công tác văn hóa, mà đặc biệt là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã không ngừng nghỉ trong công tác bảo tồn di sản này; song phải đối diện với nhiều thách thức. 
Những nghệ nhân cuối cùng của triều Nguyễn không còn, tư liệu ít ỏi, hình ảnh, âm thanh, băng đĩa về âm nhạc và Múa cung đình vô cùng hiếm hoi; nhiều bài bản âm nhạc rách nát, hư hỏng, mất mát. Đồng thời, do “lưu lạc” ở trong dân gian nên khiến cho các bài bản âm nhạc và vũ khúc cung đình ít nhiều bị biến dạng. Đây là một trong những thách thức đối với công tác bảo tồn Nhã nhạc và Múa cung đình Huế, bởi công tác bảo tồn đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, vũ đạo, dàn dựng đội hình cho đến trang phục. 
Gần 2 thập kỷ qua, những người làm công tác nghiên cứu tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cố gắng từng bước đi tìm tư liệu ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước; đến các vùng quê tham dự các buổi tế lễ; gặp mặt các nghệ nhân cao tuổi đã từng tham gia hoạt động loại hình múa hát cung đình để xin ghi chép, so sánh, đối chiếu để tìm ra độ chân xác trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh. Trong quá trình đó, phải kể đến những “báu vật nhân văn sống” như cố nghệ nhân La Cháu (nghệ nhân múa và tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn), những nhạc công cung đình Trần Kích, Lữ Hữu Thi… đã góp phần quan trọng trong phục hồi và bảo tồn các điệu múa cung đình cổ. Tuy nhiên, những nghệ nhân này cũng đã qua đời nhiều năm nay.

Quá nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Múa cung đình Huế - Anh 2

 Biểu diễn Múa cung đình tại Duyệt Thị Đường, Khu di sản Hoàng cung Huế

NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho biết, đến nay Nhà hát đã phục hồi được 8 (trong số 11) vũ khúc cung đình. Các điệu múa được lập hồ sơ khoa học, phục hồi theo nguyên bản, như: múa Tam quốc tây du, Tam tinh chúc thọ, Lục cúng hoa đăng, Bát tiên hiến thọ, Phiến vũ… Các vũ khúc cung đình cũng đã được biểu diễn, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế qua các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia, các hoạt động văn hóa tại Thừa Thiên Huế, cũng như các chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường, khu di sản Hoàng cung Huế. 
Múa cung đình triều Nguyễn được tiếp thu từ các điệu múa cung đình và dân gian của các triều đại trước, được nâng cao và sáng tạo để thành những điệu múa mang đặc trưng của nghệ thuật biểu diễn dưới thời nhà Nguyễn. Múa cung đình triều Nguyễn chủ yếu là múa tập thể, tư tưởng, chủ đề thường biểu hiện ở các đội hình di chuyển và kết thúc bằng một đội hình ngưng đọng; trong khi trình diễn, các vũ sinh miệng ca, tay múa theo điệu nhạc hoà tấu.
Không chỉ thách thức trong nguồn tư liệu, hiện nay công tác đào tạo cho các đội ngũ kế cận cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo lãnh đạo Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, suốt 10 năm qua, ngành Múa cung đình không tuyển sinh được. Trường có đào tạo ngành Diễn viên múa với khoảng 20-25 em/năm, trong đó có học phần về Múa cung đình. Sau khi ra trường, các em chính là nguồn nhân lực cho Nhà hát Ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Tuy nhiên, do chỉ được đào tạo một phần nên khi đăng ký thử việc hay tuyển dụng vị trí diễn viên múa cung đình, các em phải được những nghệ sĩ tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế “đào tạo” lại bài bản hơn.
Cùng với công tác nghiên cứu, bảo tồn, việc phát huy giá trị nghệ thuật múa cung đình cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa, như: Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với từng đối tượng làm trong lĩnh vực bảo vệ di sản phi vật thể; xây dựng tiêu chí “định chuẩn” các bài bản Nhã nhạc và Múa cung đình nhằm bảo tồn tính nguyên bản, hạn chế bị biến tướng, tam sao thất bản; mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn để chọn lọc, phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế…

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc