Giữ hồn​​​​​​​ cho biển

VHO- Với tình yêu nồng nàn dành cho biển cả quê hương, ông Cao Văn Minh - một lão ngư chính hiệu ở làng cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã sáng tác vở dân ca bài chòi Hồn biển. Vở diễn lấy đi nước mắt của nhiều người bởi đã chạm đến sự thẳm sâu trong tâm hồn mộc mạc người dân biển.

Giữ hồn​​​​​​​ cho biển - Anh 1

 Một cảnh trong vở dân ca, bài chòi “Hồn biển”

Bằng vẻ dứt khoát, mạnh mẽ và chất giọng trầm vang của một người cả đời gắn bó với con sóng ngọn gió, lão ngư Cao Văn Minh giới thiệu cho chúng tôi tập bản thảo khoảng 100 trang A4 là những tác phẩm dân ca, bài chòi... do chính ông sáng tác. Từng câu, từng chữ thấm đẫm tình cảm của người đã gắn bó với biển cả suốt cuộc đời. Ông chia sẻ, ngày xưa mình mới chỉ học đến lớp 10, sau này đi làm kinh tế thì cũng viết dự án toàn những số liệu khô khan. Nhưng khi có tuổi thì những tháng năm lênh đênh trên sóng nước đã trở thành mạch nguồn văn chương để ông sáng tác. Nghĩ tới đâu viết tới đó, tất cả được đúc rút từ tình yêu cháy bỏng với nghề cá và ngư dân trong huyết quản của ông.

Hồn biển là tác phẩm đầu tay của lão ngư Cao Văn Minh, dài 30 trang với 6 phần, có kết cấu uyển chuyển, chi tiết và nội dung sâu sắc. Khi dàn dựng, vở diễn có sự tham gia của 40 diễn viên chuyên và không chuyên, thời lượng dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Nội dung xoay quanh những khó khăn vất vả nơi muôn trùng sóng gió, trong đó có những người thiết tha yêu biển, cũng có những người vì lợi ích riêng mà phá hoại môi trường biển; tái hiện lên hình ảnh Thần Nam Hải (Cá Ông), vị thần được ngư dân tôn kính và cả những cảnh báo ứng xử với biển. Tác giả đã sử dụng những làn điệu gắn bó quen thuộc với người dân xứ biển, những câu ca hào sảng họ hát lên trong lúc lao động sản xuất hay những buổi chiều nhàn hạ bảng lảng khói bếp hiên nhà, như hò khoan, hò Quảng, hò giật chèo, hò chèo thuyền, các hình thức nói lối, xuân nữ, vọng kim loan...

Được sáng tác bởi một tác giả “không chuyên” nên quá trình dàn dựng vở ca kịch cũng có ít nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên đọc kịch bản rồi ai cũng thấm thía, cảm phục và mong muốn góp hết sức mình để vở kịch được hoàn thành tốt đẹp. Nghệ sĩ Huyền Tân đảm nhận vai nữ chính trong vở diễn cho biết: “Lần đầu tiên trong lễ hội Cầu Ngư của thành phố có một vở dân ca bài chòi bài bản như vậy, mà biên kịch lại là một ngư dân chính hiệu và chưa có tiếng tăm gì về sáng tác. Tôi đảm nhận vai Vân trong vở kịch, đây là vai diễn khá nội tâm nên lột tả được hết tính cách nhân vật không hề dễ, nhưng bản thân tôi đã đọc và tâm đắc với tác phẩm, nhân vật cũng như cảm phục tác giả nên tự nhủ sẽ cùng chia sẻ và nỗ lực hết mình”.

Ông Minh chia sẻ, mục đích ông sáng tác Hồn biển là nhằm phục vụ lễ hội Cầu Ngư của người dân làng Nại Hiên Đông: “Trước đây, tôi là người dàn dựng chương trình cho lễ hội Cầu Ngư. Lễ này của Nại Hiên Đông lớn lắm, có cả phần lễ và phần hội. Vở ca kịch Hồn biển chuyển tải nguyên ý nghĩa, tâm tư, nguyện vọng của tất cả ngư dân nước ta, nhấn mạnh tính đặc thù của nghề biển là có khi thì trời yên biển lặng cá tôm đầy thuyền, cũng có những lúc biển đầy hiểm nguy, bão tố. Xem vở kịch này mọi người sẽ thấu hiểu sự thăng trầm dâu bể của nghề biển, biết tới những gian khó, nhọc nhằn và hy sinh của ngư dân để có sản phẩm phục vụ bà con”. Ngoài ra, vấn đề quan trọng tác giả muốn chuyển tải là nhắc nhở thế hệ sau có ý thức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và đặc biệt là phải giữ được bản sắc văn hóa của con người miền biển. Vở kịch cũng mang thông điệp động viên ngư dân trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước dù còn gặp nhiều khó khăn; đồng thời gửi gắm tâm tư nguyện vọng của bà con với các quy định, chủ trương cần phải đi sâu đi sát thực tế hơn nhằm tạo điều kiện và động lực cho người đi biển.

Rất nhiều tác phẩm về ngư dân, nghề biển đã được lão ngư Cao Văn Minh hoàn thành như: Nỗi lòng người dân biển; Chèo đưa linh; Nghề vây rút ngày; Nỗi niềm lòng mẹ; Đà Nẵng trong ta; Vân Dương ngày mới; Câu giăng hố nổi; Nghề lưới rê chuồn; Hương tình Đà Nẵng... Tùy theo hoàn cảnh, tình tiết, mỗi tác phẩm lại vận dụng ý tứ, khéo léo liên hệ với đời sống xã hội hiện tại. Tháng 8.2021, ông viết tác phẩm Trả lại chùa xưa nhằm phục vụ cho lễ hội Quan Thế Âm hàng năm, nội dung xoay quanh những suy nghĩ về luân thường đạo lý thời nay, thể hiện qua câu hát, lối nói, tình tiết ở bối cảnh một ngôi chùa, răn dạy con người sống trên đời phải có đạo đức, lương tri.

Đối với lão ngư Cao Văn Minh, Hồn biển không chỉ là một tác phẩm dân ca bài chòi mà còn là tình yêu, sự tự hào về nghề biển luôn đau đáu trong lòng: “Tôi và những người cùng thế hệ trăn trở về việc ngày càng nhiều người không mặn mà với nghề biển, do vậy, Hồn biển như một thông điệp gửi gắm đến người dân tình yêu với biển, kêu gọi họ hãy quay về với biển. Dù khó khăn vất vả nhưng biển cả luôn bao dung và không bao giờ bạc đãi con người”, ông Minh chia sẻ.

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc