Đẩy mạnh tăng cường kết nối và quảng bá, phân loại các sản phẩm OCOP

VHO- Thời gian qua, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng cũng như hiệu quả của Chương trình OCOP. Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn 3-4 sao nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Trong khi nhiều hộ nông dân, hợp tác xã khó tìm đầu ra cho các sản phẩm thì ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị lại rất khó để gặp các mặt hàng này, và thực tế, cũng không nhận được sự hưởng ứng của các tiểu thương cũng như người dân khi đi mua sắm.

Đẩy mạnh tăng cường kết nối và quảng bá, phân loại các sản phẩm OCOP - Anh 1

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Cục xúc tiến thương mại Bộ NN&PTNT cho biết: Các sản phẩm OCOP đều do người nông dân làm ra nên về việc quảng bá, PR sản phẩm họ không mấy quen thuộc. Hơn nữa, việc đưa vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích thường qua trung gian nên chưa tìm được tiếng nói chung về giá cả. Còn việc sản phẩm khi đưa ra chợ dân sinh không được sự chào đón nhiệt tình bởi đa số người dân chưa nắm rõ được các sản phẩm OCOP là như thế nào, giá thành lại cao hơn giá các sản phẩm cùng loại.

Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương triển khai giới thiệu các sản OCOP rất tốt như Sơn La, Quảng Ninh, Tây Nguyên, Hà Nội… Vừa qua, Hà Nội đã tổ chức Chương trình Khai mạc và Hội thảo giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc để thực hiện nhiệm vụ kép theo tinh thần của Chính phủ: Vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện các sản phẩm OCOP đặc sản của vùng miền Hà Nội và các tỉnh thành miền núi phía Bắc được quảng bá, giới thiệu, xúc tiến giao thương để người dân có dịp nhận diện và tiếp xúc với các nguồn sản phẩm chất lượng, đa dạng khác nhau. Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề, chiếm số lượng lớn nhất trong toàn quốc. Với trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mác truy xuất QR Code, đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội có thể đánh giá, phân hạng cũng như giới thiệu sản phẩm OCOP. Từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Song song với đó, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên sản phẩm bao bì OCOP cũng như in tem OCOP. Điều này giúp xây dựng, cải tiến nhãn hiệu để người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất dễ dàng nhận diện thương hiệu OCOP Hà Nội. Trong tháng cuối năm này, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tổ chức 4 tuần tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP, bán hàng trực tiếp cũng như trực tuyến với thời gian 5 ngày/1 tuần tại các trung tâm thương mại trên địa bàn quận Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm…

Với những kết quả bước đầu đạt được, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai có hiệu quả chương trình OCOP từ thành phố xuống các cấp. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Phát huy sức sáng tạo của các làng nghề, sản phẩm chế biến; hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất hai địa điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương mình.

THANH BẢO

Ý kiến bạn đọc