Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Hàn gắn chuỗi liên kết du lịch đang “đứt gãy”

Thứ Năm 23/12/2021 | 22:14 GMT+7

VHO- Ngày 23.12, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng ngành Du lịch đã đặt ra mục tiêu rõ ràng và cũng đầy áp lực cho năm 2022

Du lịch bị tàn phá nhưng vẫn là Điểm đến hàng đầu châu Á

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Năm 2021 tiếp tục là một năm sóng gió với ngành Du lịch. Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành Du lịch, chuỗi liên kết dịch vụ du lịch bị gián đoạn, đứt gãy kéo dài. Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, cạn kiệt về tài chính, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh; cơ sở lưu trú trên cả nước chỉ đạt khoảng 5-10% công suất. Phần lớn lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác, gần như 100% hướng dẫn viên không có việc”.

Trước tình hình đó, ngành Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi du lịch trong tình hình mới. Đồng thời, chuyển đổi trạng thái từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

“Tổng cục Du lịch đã tích cực tham mưu với lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch như: giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch bằng mức giá áp dụng cho các ngành sản xuất (thời gian hỗ trợ từ tháng 6.2021 đến hết tháng 12.2021); giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 với số tiền 3.710.000đ/người; giảm 80% tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành đến hết năm 2023; giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch…”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Năm 2021 ngành Du lịch tiếp tục “chạm đáy”, chỉ đạt 40 triệu lượt khách nội địa, giảm 53% so với năm 2019; tổng thu du lịch đạt 180.000 tỉ đồng, giảm 76% so với năm 2019.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngành Du lịch đang tích cực thực hiện các chương trình khôi phục du lịch nội địa và mở lại thị trường quốc tế nhằm phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới

Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng Du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục góp sức quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tại Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28, Tổng cục Du lịch Việt Nam được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021. Cũng tại giải thưởng này, Du lịch Việt Nam còn được vinh dự nhận được các danh hiệu hàng đầu châu Á dành cho các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hàng không, vận tải, bến cảng...

Trong đó, Việt Nam được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến du thuyền trên sông hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long - Điểm tham quan hàng đầu châu Á, Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á; Vân Đồn - Sân bay khu vực hàng đầu châu Á… Giải thưởng là sự khẳng định Du lịch Việt Nam xứng tầm khu vực và có vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới. Đồng thời là tiền đề quan trọng để du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tập trung triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa an toàn; thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành du lịch... góp phần từng bước phục hồi chuỗi kinh doanh du lịch dịch vụ, giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra. Nhiều địa phương có những chuyển biến tích cực về lượng khách nội tỉnh, nội vùng, nội địa: Khánh Hòa tăng gấp 7 lần, Phú Quốc 15 chuyến bay/ ngày, Đà Lạt tăng gấp 2 lần những tháng trước đây...

Thời gian qua, ngành Du lịch cũng đã đề ra nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình mở cửa trở lại thị trường nội địa, việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ở một số địa phương chưa được đồng đều, dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau về phòng chống, dịch và hạn chế đi lại, gây khó khăn cho việc phục hồi du lịch.

Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế năm 2022

Đặt mục tiêu đón 65 triệu khách du lịch nội địa và quốc tế năm 2022

Năm 2022, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính trình phê duyệt, ban hành các Đề án lớn: Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Đề án phát triển bền vững du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động. Hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch độc đáo”. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghệ sạch, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. 

Để thực hiện được những nhiệm vụ đề ra năm 2022, Tổng cục Du lịch đề nghị lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch. Ban hành kế hoạch hành động của Bộ thực hiện 2022- 2026, Kế hoạch 3228 để đẩy nhanh việc thực hiện, góp phần kích cầu du lịch.

Quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của ngành du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022- 2023, sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch hành động của Bộ VHTTDL để triển khai Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 sau khi được phê duyệt. Chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tổng thể theo chương trình, kế hoạch của ngành Du lịch....

Năm 2021 Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn và được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, đề ra mục tiêu đón 65 triệu lượt khách cả nội địa và quốc tế năm 2022 thể hiện khát vọng phục hồi của ngành đồng thời cũng đặt ra những áp lực để ngành phải vượt qua.

Nhấn mạnh việc Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua đã đưa ra nhiều nhiệm vụ mới, cùng với việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt yêu cầu ngành Du lịch định hướng phát triển ngành cần phải gắn chặt với phát huy giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường để thể hiện tầm nhìn, vị thế của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Bên cạnh đó, năm 2022 ngành cần tập trung vào việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và xác định rõ việc tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển du lịch như thế nào để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng cần nghiên cứu, tính toán để đạt được hiệu quả và có tính sáng tạo hơn; thậm chí, cần xây dựng Chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch riêng; phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị, các vấn đề lớn của ngành như việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình mới, trước mắt là củng cố nguồn nhân lực khi hoạt động du lịch trở lại cần được quan tâm thực hiện liên tục, đảm bảo sự hồi phục của ngành. Hoàn thành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Năm 2022, dù dịch Covid-19 vẫn còn nhiều bất định, khó lường nhưng Tổng cục Du lịch vẫn đặt mục tiêu 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu quốc tế; tổng thu 400.000 tỉ đồng.

THÚY HÀ, ảnh: THẾ PHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top