Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Không thể phục hồi kinh tế nếu không phục hồi du lịch

Thứ Bảy 25/12/2021 | 13:53 GMT+7

VHO- Điều hành tọa đàm bàn tròn tại Hội thảo du lịch 2021, Chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, tiến trình phục hồi của Du lịch Việt Nam đang lạc nhịp so với thế giới. Trong khi thế giới đã tăng 31% so với năm 2020 thì Du lịch Việt Nam đang tiếp tục “rơi”. Vì thế, câu chuyện đặt ra là phải phục hồi ngay và tốc độ nhanh hơn so với các nước để không tụt hậu.

Các đại biểu tham gia tọa đàm bàn tròn tại Hội thảo du lịch 2021

Tham gia tọa đàm bàn tròn có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Vietnam Travelmart, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội).

Đừng làm khách và người dân sợ

Trong khi, tiềm năng của du lịch thì vô tận, khát vọng phát triển thì vô biên nhưng Du lịch Việt Nam lại đang từ đỉnh cao “rơi thẳng đứng” và tiếp tục “rơi” trong năm 2021. Ông Võ Trí Thành đặt câu hỏi với các đại biểu: “Các anh, chị đau đáu, trăn trở nhất với điều gì trước vận mệnh của ngành Du lịch?”

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng cần phải tập trung vào 3 yếu tố “An toàn, mở, đồng bộ”. An toàn cho người dân, cho khách, tạo niềm tin cho khách quay lại. Điều này cần có sự tham gia của ngành Y tế và các ngành liên quan. Không có gì tốt cho doanh nghiệp du lịch lúc này bằng việc mở cho doanh nghiệp hoạt động. Muốn mở được hàng không phải được bay thường lệ, cửa khẩu phải mở. Ngành Ngoại giao và hàng không cần tham gia vào việc mở cửa của ngành Du lịch. Không nên “cách ly” mà theo dõi sức khỏe của khách và có các phương án xử lý phù hợp. Du lịch chỉ phục hồi khi mang thị trường cho doanh nghiệp, mang khách đến cho điểm đến. Muốn mở phải đồng bộ. Giữa các địa phương phải mở, không thể cát cứ, nơi làm thế này, nơi làm thế kia. Giữa các bộ, ngành như: Y tế, Giao thông, Ngoại giao, Công an và VHTTDL phải mở, quy định phải thông suốt, đồng nhất, nhất quán.

Ông Siêu cũng nêu ý kiến cho những giải pháp phát triển thời gian tiếp theo, ngoài các giải pháp đã đề xuất, cần tập trung cơ cấu lại theo xu hướng mới, doanh nghiệp tái đầu tư, chính quyền hỗ trợ cơ cấu lại. Điểm đến phải “sạch”, phải thiên nhiên, phải “khỏe” để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân. Sản phẩm đa dạng, trải nghiệm sâu, không đe dọa bởi sự đại trà, đông đúc. Bên cạnh đó, cần khai thác yếu tố văn hóa trong du lịch, đầu tư cho văn hóa để kích thích du lịch. Ngoài ra, khai thác kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành điều hành tọa đàm bàn tròn

Chính sách thuế và tín dụng là đòn bẩy để phục hồi du lịch

Khẳng định thuế là nguồn lực để phát triển, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nói ra những điều từ trái tim dành cho ngành Du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung: Làm gì thực tế nhất từ chính sách thuế để du lịch phục hồi và phát triển được. Bà nêu ví dụ, về thuế đất, Chính phủ đã có Quyết định 27 giảm tiền thuế đất trong năm 2021. Các doanh nghiệp đang kiến nghị tiếp tục giảm đến năm 2023 và chúng tôi rất đồng thuận. Bên cạnh đó, diện tích xây dựng dành cho du lịch hiện chỉ có 25% nhưng tiền thuê đất, kể cả đất để trống thì như nhau nên chúng tôi cũng đồng tình việc cần phân định rõ đất dành cho xây dựng, đất lưu không.

Liên quan đến thuế giá trị gia tăng, bà Nguyễn Thị Cúc phân tích, khó khăn như vậy nhưng chỉ cho giảm 2 tháng thì chưa phù hợp và doanh nghiệp đề nghị giảm đến hết năm 2023. Thực tế hiện nay cho thấy, việc giảm thuế nếu được thực hiện sẽ giảm giá bán, giá thành sản phẩm và mang lại hỗ trợ thiết thực. Bên cạnh đó, cần hoàn thuế GTGT cho khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng nhất tại điểm mua hàng đã được cơ quan chức năng cho phép. Từ đó, kích thích tiêu dùng của khách du lịch ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta đã giảm thuế TNDN nhưng chúng tôi đề xuất đưa du lịch vào danh mục ưu đãi về thuế TNDN để tạo cú hích cho ngành Du lịch. Đồng thời miễn luôn thuế của phí phục vụ cho ngành Du lịch. Các loại phí khác cũng nên xem xét lại cho doanh nghiệp du lịch phát triển.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Cũng đề xuất chính sách phát triển du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về Du lịch để hỗ trợ cho ngành kinh tế non trẻ nhưng đầy triển vọng, góp vào sự phát triển hùng cường của đất nước. Hàng nghìn doanh nghìn doanh nghiệp, cộng đồng và hàng triệu người dân tham gia vào hoạt động du lịch vì thế cần chính sách hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng, đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng riêng cho ngành này.

Nhận xét tổng kết Phiên chuyên đề, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thu hút 1,3 triệu người làm việc trực tiếp trong ngành Du lịch, đóng góp gần 10% GDP (năm 2019), giúp xuất khẩu tại chỗ, bảo tồn văn hóa, nguồn lực từ du lịch để đầu tư trở lại văn hóa rất lớn, đồng thời giúp bảo tồn thiên nhiên. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của ngành Du lịch, đưa ngành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đang đà phát triển thì đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến du lịch tổn hại nặng nề. Đến nay, khi tỉ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 đã cao thì phải tính toán ngay việc mở cửa du lịch. Không thể phục hồi kinh tế nếu không phục hồi du lịch. Phục hồi kinh tế, du lịch tất nhiên đi liền với đảm bảo an toàn và cần có những đổi mới phù hợp với tình hình hình mới. Trong quá trình này, doanh nghiệp cần được quan tâm đặc biệt, cần được cứu trước vì doanh nghiệp du lịch chính là trụ cột của ngành kinh tế du lịch.

Đại biểu trao đổi thông tin liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch

Đơn giản hóa các thủ tục để mở cửa du lịch quốc tế

Trước đó, cũng trong Phiên chuyên đề bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết: “Chúng tôi đã có khảo sát, đánh giá tình hình du lịch qua 185 quốc gia. Năm 2019, lĩnh vực Du lịch và Lữ hành đóng góp gần 9,2 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến đóng góp của du lịch sụt giảm 49,1%, tương đương 4,5 nghìn tỉ USD biến mất.

Năm 2021, ngành Du lịch và Lữ hành tiếp tục hồi phục chậm chạp, tỉ lệ đóng góp của du lịch vào GDP giảm hơn 1/3. Ước tính đóng góp của du lịch tăng 30,7% so với năm 2020 (mức tăng tương đương 1,4 nghìn tỉ USD), chủ yếu từ chi tiêu du lịch nội địa. Trước đây, cứ 10 việc làm trên thế giới có 1 việc làm trong ngành Du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến 62 triệu người trên toàn cầu mất việc làm.

WTTC đã đề xuất 5 biện pháp quan trọng để đẩy nhanh phục hồi du lịch, đem lại giá trị kinh tế toàn cầu. Trong đó, cần phải đơn giản hóa thủ tục để người dân tiêm vắc xin đầy đủ được đi du lịch không hạn chế giữa các quốc gia, không phân biệt điểm xuất phát hay điểm đến cuối cùng của họ, dỡ bỏ các tầng nấc thủ tục phức tạp và đơn giản hóa thủ tục xét nghiệm. Triển khai các giải pháp kỹ thuật số cho phép tất cả khách du lịch dễ dàng chứng minh tình trạng tiêm chủng ngừa Covid bằng mã QR, đẩy nhanh quy trình nhập cảnh. Người dân đã tiêm các vắc xin đã được cho phép và WHO công nhận phải được đi du lịch trên toàn cầu. Các bên liên quan đều nhất trí rằng du lịch quốc tế hiện đã an toàn với các quy định về y tế và an toàn. Tạo sự công bằng về vắc xin. Hiện nay, còn 4 tỉ người chưa được tiêm vắc xin trên toàn thế giới và cần sự nỗ lực của các bên để đảm bảo mọi người được tiêm vắc xin.

Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC)

Nếu tất cả các điểm đến đều thực hiện những khuyến nghị, giải pháp trên, đóng góp của Du lịch và Lữ hành vào nền kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 37,5%, đạt 6,4 nghìn tỉ USD (so với 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020). Và nếu các quy định hạn chế đi lại tiếp tục được dỡ bỏ, cùng với sự tăng cường hợp tác quốc tế, Du lịch và Lữ hành có thể tạo ra 19 triệu việc làm trước khi kết thúc năm nay (tăng 6,8%).

“Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2022 khi đóng góp của du lịch và lữ hành vào nền kinh tế toàn cầu có thể tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,6 nghìn tỉ USD, gần với năm 2019. Tương tự, số việc làm được tạo ra có thể vượt qua mức của năm 2019 - tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 349 triệu. Nhưng mấu chốt của vấn đề phải là tiêm chủng toàn cầu và mở cửa biên giới đối với những người được tiêm chủng đầy đủ. Các Chính phủ cần nỗ lực hơn trong khôi phục lại thị trường du lịch quốc tế, đơn giản hóa các quy định du lịch quốc tế cần được triển khai và duy trì”, bà Julia Simpson nhấn mạnh.

THÚY HÀ, ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top