Xét phong Giáo sư, Phó Giáo sư: Ít trường hợp bị “tố”, hy vọng vào chất lượng

VHO- Theo công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có 451 nhà khoa học được đề nghị xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2021; trong đó có 65 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, 386 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Xét phong Giáo sư, Phó Giáo sư: Ít trường hợp bị “tố”, hy vọng vào chất lượng - Anh 1

 Ông Bùi Công Duy (1981) là một trong những ứng viên trẻ nhất của lĩnh vực Nghệ thuật

 Trong số các ngành, liên ngành thì ngành Y có số ứng viên GS nhiều nhất là 10 người, tiếp đến là Vật lý 9 người; Kinh tế có số ứng viên PGS nhiều nhất là 51 người, tiếp đến là ngành Y với 47 người. Như vậy, ngành Y “áp đảo về số ứng viên GS, PGS (57 người), tăng 35 người so với năm trước. Tiếp đến là ngành Kinh tế 56 người, Hóa - Công nghệ thực phẩm 44 người. Ngành ít nhất là Cơ học, chỉ có duy nhất một ứng viên GS. Một số ngành không có ứng viên GS, chỉ có ứng viên PGS như ngành Ngôn ngữ học, Sử học, Khảo cổ học - Dân tộc học, Luyện kim, Giáo dục học, Tâm lý học.

Lĩnh vực trước đây thường khó khăn trong việc xét phong GS, PGS như liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao thì năm nay cũng có 3 ứng viên GS, 16 ứng viên PGS, phần lớn ở các trường ĐH Văn hóa, Thể dục thể thao, Học viện Âm nhạc. Những người trẻ nhất trong nhóm này sinh năm 1981, gồm ứng viên Bùi Công Duy, lĩnh vực Nghệ thuật (Học viện Âm nhạc quốc gia VN); ứng viên Lê Thị Bích Thùy, lĩnh vực Văn hóa (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); ứng viên Phạm Đức Toàn, lĩnh vực Thể dục thể thao (ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh).

Ở một số ngành, liên ngành, ứng viên thế hệ 8X chiếm trên 50%. Ngành Toán có 16/25 ứng viên thuộc thế hệ 8X, Hóa học - Thực phẩm có 21/44, Dược học có 9/13, Điện - Điện tử - Tự động hóa có 13/26. Nhiều ứng viên sinh năm 1985-1988.

Ứng viên GS trẻ nhất lọt vào danh sách đề nghị xét công nhận là ông Trần Xuân Bách (1984), hiện đang công tác tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội. Ứng viên PGS trẻ nhất lọt vào danh sách đề nghị xét công nhận là ông Lê Văn Lịch (1988), hiện đang là giảng viên tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật Liệu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ông Lê Thanh Long (1988), giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Thời điểm hiện tại, các hội đồng cơ sở đang gấp rút thực hiện việc xem xét hồ sơ, trao đổi chất vấn trực tiếp với ứng viên. Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GS Nhà nước cho biết, sau 20.1 sẽ có kết quả chính thức của Hội đồng ngành, liên ngành về đợt xét phong đợt này. Cũng theo ông Tuấn, đợt này ít đơn thư phản ánh liên quan tới ứng viên hơn trước. Rõ nhất là ở ngành Y. Còn theo GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y, mặc dù năm nay số ứng viên ngành Y cao so với các ngành, liên ngành khác và cao hơn hẳn so với năm trước, nhưng cũng chưa phải nhiều nhất bởi có năm có tới gần 100 ứng viên.

Ngành Y là một trong những ngành hay có đơn “tố” ở thời điểm công bố công khai ứng viên kèm theo hồ sơ khoa học. Năm trước, đây cũng là ngành có nhiều đơn thư về vấn đề thiếu minh bạch, chính xác trong thống kê bài báo khoa học. GS Đặng Vạn Phước nhìn nhận, có thể năm nay các ứng viên đã cẩn thận hơn rất nhiều và cũng chuẩn bị hồ sơ tốt hơn năm ngoái, bởi có lẽ họ đã rút kinh nghiệm từ năm trước. Từ hội đồng cơ sở, hồ sơ của các ứng viên đã được xem xét kỹ. Các ứng viên cũng có ý thức chuẩn bị kỹ hơn để tránh việc “đưa lên bị gạt” hoặc nảy sinh những bàn tán lùm xùm do có thư tố giác.

Ở một số lĩnh vực, số ứng viên trẻ thuộc thế hệ giữa và cuối 8X nhiều hơn. Nhóm ứng viên này cũng có nhiều thế mạnh như được đào tạo ở các trường danh tiếng của nước ngoài, trình độ ngoại ngữ tốt, khả năng tham gia sâu trong các môi trường học thuật quốc tế và có số lượng công bố quốc tế đáng kể. n

 Những người trẻ nhất

Ứng viên trẻ nhất chức danh GS là ông Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, giảng viên Viện Đào tạo Y tế dự phòng, Trường đại học Y Hà Nội. Ông Trần Xuân Bách từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Alberta, Canada năm 2011 và được phong học hàm PGS năm 2016 tại Việt Nam, khi mới 32 tuổi. Trước đó, ông cũng từng là PGS trẻ nhất Việt Nam trong thời điểm được bổ nhiệm.

Năm 2019, ông Trần Xuân Bách được bổ nhiệm chức danh GS kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Ông cũng là PGS thỉnh giảng tại Đại học Griffith, Úc năm 2018 và tham gia thỉnh giảng ở nhiều cơ sở ĐH nước ngoài: Alberta (Canada), Karolinska (Thụy Điển), Texas (Hoa Kỳ), Monash (Úc), ĐH Kỹ thuật Queensland (Úc), ĐH Quốc gia (Singapore), Dublin (Ai Len), Khoa học và Chính sách Ung thư (Hàn Quốc)…

Những đề tài trước khi ông Trần Xuân Bách được công nhận PGS có thể kể đến “Ước tính gánh nặng bệnh tật và đánh giá tác động kinh tế của HIV/AIDS ở Việt Nam”; “Xây dựng và bước đầu thử nghiệm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh hỗ trợ dự phòng, điều trị HIV/AIDS và nghiện chất ở Hà Nội”… Ông Bách có khoảng trên 10 công trình nghiên cứu khác sau thời gian được công nhận PGS đến thời điểm này. Ngoài ra, ông còn có 48 bài đăng trên tạp chí Khoa học quốc tế uy tín với tư cách tác giả chính, sau thời điểm công nhận chức danh PGS.

Ông Lê Thanh Long, giảng viên trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, ứng viên trẻ nhất chức danh PGS năm nay ở tuổi 33. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại National Central University, NCU (Đài Loan) và công tác tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa từ đầu năm 2017 đến nay. Ông Long là tác giả chính và đồng tác giả của 39 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, tạp chí trong nước, kỷ yếu Hội nghị quốc tế và trong nước.

Hiện ứng viên này theo đuổi hướng nghiên cứu tính toán động lực học chất lưu (Computational Fluid Dynamics - CFD). Sự chuyển động của dòng lưu chất trong các kênh dẫn vi lưu được các nhà nghiên cứu khoa học đặc biệt quan tâm bởi sự ứng dụng rộng rãi của nó trong các thiết bị điện tử, vi mạch Lab-on-a Chip, các hệ thống vi cơ điện tử Micro-Electro-Mechanical System (MEMS) và sự tổng hợp protein trong y học…

 TRIỆU ANH

Ý kiến bạn đọc