Gia Lai: Nghề trồng hoa ngũ sắc hút khách dịp Tết

VHO - Vài năm trở lại đây, một số nhà vườn trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) đã chuyển hướng sang trồng, chăm sóc cây hoa giấy để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Nhờ kiểu dáng đẹp cùng với màu sắc đa dạng, nghề trồng hoa giấy đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chủ vườn.

Gia Lai: Nghề trồng hoa ngũ sắc hút khách dịp Tết - ảnh 1

Nghề trồng hoa giấy ngũ sắc giúp các chủ vườn nguồn thu nhập ổn định

Hoa ngũ sắc là một loại cây dại, chủ yếu mọc ở ven đường hay trên những sườn đồi. Loài hoa này được ví như “sơn nữ” của đại ngàn, bởi hoa có màu sắc rực rỡ, thân cành có dáng bonsai. Nhận thấy vẻ đẹp loài hoa này, nhiều nhà vườn ở TP. Pleiku đã đem về cắt ghép, lai tạo để biến thành những cây cảnh có giá trị kinh tế cao, nhất là trong dịp Tết cổ truyền.

Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những ngày này, các chủ vườn trồng hoa giấy ở đường Lê Văn Sỹ, phường Yên Thế, TP. Pleiku đang tất bật chăm sóc, tạo thế cho cây hoa giấy ngũ sắc để kịp bàn giao cho các “thượng đế” chơi Tết.

Ông Nguyễn Văn Thảo (SN 1970) là một trong hộ dân trồng hoa giấy ở đường Lê Văn Sỹ. Hiện vườn hoa giấy của ông có khoảng hơn 100 gốc bonsai mang nhiều hình dáng, thế độc đáo với hơn 14 màu hoa. Ông Thảo cho biết, mình vốn là người đam mê sáng tạo cây cảnh độc và lạ. Năm 2019 vô tình nhìn thấy loại hoa giấy ở nhà một người quen, nhận thấy loài cây này ra hoa đẹp nên ông đã đi nhiều vùng khác nhau để săn tìm các gốc cây hoa giấy ngũ sắc về để chăm sóc và tìm tòi cách ghép lai tạo.

“Phong trào trồng hoa ngũ sắc ở Gia Lai bắt đầu từ năm 2019. Lúc đó, tôi trồng ít vì thấy nó lạ. Tuy nhiên, nhiều người hỏi mua số lượng lớn nên tôi đã mở rộng quy mô. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm ghép cây nên nhiều chỗ ghép bị hư, thối. Không nản chí, tôi tiếp tục mày mò học hỏi trên mạng, vừa tự làm, đúc kết kinh nghiệm và đã ghép thành công những cây hoa đầu tiên”, ông Thảo cho hay.

Ông Thảo cho biết thêm, hiện nay mình đã lai tạo được những cây ngũ sắc có màu độc lạ như màu tím rũ, trắng, vàng nghệ, đỏ nhung, cà rốt…  Những cây này đều sẵn sàng xuất bán trong dịp Xuân 2022. Tất cả các cây hoa này đều có hình dáng và thế độc lạ, cây cao nhất có giá 5 triệu đồng, cây thấp nhất là 500.000 đồng.

Gia Lai: Nghề trồng hoa ngũ sắc hút khách dịp Tết - ảnh 2

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các chủ vườn hoa giấy ngũ sắc bội thu

Tương tự, ông Võ Văn Dân (SN 1963) cũng là chủ nhân của vườn hoa giấy ở đường Lê Văn Sỹ. Ông Dân bắt đầu trồng, chăm sóc hoa giấy từ năm 2021, hiện vườn cây của ông có khoảng 100 gốc bonsai. Để tạo sự khác biệt, ông Thảo lai tạo các cây thêm nhiều thế bonsai hoặc ghép nhiều màu hoa trên cùng một gốc.

“Để có một gốc cây hoa ngũ sắc đẹp, tôi chọn những gốc cây từ vài năm đến hơn chục năm tuổi để ghép với các ngọn ngũ sắc thuần chủng. Sau đó, tôi dùng phương pháp cắt tỉa để tạo dáng độc đáo cho cây. Hoa này nở quanh năm, nắng mưa gì cũng nở, dễ trồng, không sâu bệnh sống dai nên khách rất ưa thích. Nhưng người trồng cần chú ý chăm sóc hàng ngày. Có 3 yếu tố quan trọng để cây hoa phát triển tốt là nước, phân bón, thời tiết. Ba yếu tố trên phải đủ thì cây mới tốt xanh, ra hoa đẹp”, ông Dân chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Dân cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ông đã bán được khoảng 50 cây ngũ sắc và thu về hơn 50 triệu đồng. Vào dịp Tết Nguyên Đán, số lượng người mua hoa sẽ nhiều gấp 3 - 4 lần ngày thường.

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngày Xuân đã rất cận kề, và đi đến đâu cũng cảm nhận được đường phố đang khoác lên mình những chiếc áo mới. Và, cũng giống như nhiều chủ vườn khoa khác, những người trồng hoa giấy ngũ sắc ở Pleiku đã góp phần tô điểm thêm sắc xuân ở phố núi Gia Lai.

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc