WHO: Đại dịch có thể sắp kết thúc ở châu Âu

VHO- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, biến thể Omicron đang đưa đại dịch Covid-19 ở châu Âu sang giai đoạn mới và rất có thể sẽ là hồi kết ở đây.

WHO: Đại dịch có thể sắp kết thúc ở châu Âu - Anh 1

Người dân châu Âu đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng (Ảnh: EPA)

Ông Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu WHO trong chia sẻ với AFP cho biết: “Rất có thể châu Âu sắp thoát đại dịch”. Theo ông, Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân ở châu lục này vào tháng 3.

“Một khi sự gia tăng các ca nhiễm Omicron ở châu Âu đạt đỉnh rồi giảm xuống, chúng ta sẽ có vài tuần hay vài tháng nữa để củng cố miễn dịch cộng đồng. Điều này đến từ vắc xin hoặc những người có được khả năng miễn dịch do nhiễm trùng”, ông Hans Kluge nói.

Ông Kluge cũng dự đoán đại dịch Covid-19 khả năng sẽ lắng xuống vào thời gian cuối năm. Cũng chưa có thêm dữ liệu nào về việc, đại dịch sẽ trở lại sau quãng thời gian trên. Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO khẳng định, còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Ông còn cảnh báo với đã lây nhiễm như hiện nay, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới vẫn hiện hữu.

Ngoài ông Hans Kluge, Cố vấn Y tế Nhà Trắng, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Mỹ Anthony Faucy cũng có sự lạc quan tương tự. Trong cuộc trò chuyện của ABC News Week This Week, ông cho hay các ca bệnh Covid-19 đang giảm “khá mạnh” ở các vùng của Mỹ và “mọi thứ đang có vẻ tốt hơn”.

Tại khu vực châu Âu, Omicron chiếm 15% trường hợp mắc mới tính đến 18.1. Một tuần trước đó, con số này chỉ là 6,3%. Được phát hiện với 32 đột biến protein gai, Omicron có khả năng lây lan nhanh, thậm chí còn trở thành chủng trội ở một số quốc gia. Rất may, Omicron dường như gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn so với Delta. Điều này đã khiến các nhà khoa học hy vọng Covid-19 sớm trở thành bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên vì khả năng lây nhiễm nhanh, Omicron vẫn gây được áp lực lên hệ thống y tế nhiều nước. Do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, ông Hans Kluge cho hay cần phải tập trung vào các biện pháp làm giảm nguy cơ virus làm gián đoạn hệ thống y tế, giáo dục, kinh tế và bảo vệ những người dễ bị tổn thương thay vì cứ cố chặn đà lây lan của nó.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra nguyên nhân của việc lây nhiễm nhanh ở châu Âu đến một phần từ tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều ở các quốc gia trong khu vực. Khi được hỏi về liều thứ tư có cần thiết để chấm dứt đại dịch không, ông Kluge nói: “Chúng ta đều biết khả năng miễn dịch tăng lên sau mỗi liều vắc xin”.

ĐÌNH TOÁN (Theo The Straits Times)

Ý kiến bạn đọc