Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

“Điểm nghẽn” trong phân cấp quản lý di tích, di sản: Khắc phục việc "khoán trắng” cho người trông coi

Thứ Hai 24/01/2022 | 11:04 GMT+7

VHO- Hiện trạng dường như hoang tàn ở di tích quốc gia chùa Thiên Phúc; tình trạng tan hoang phủ bạt ở đình Đại Lâm, cùng thuộc cụm di tích quốc gia đình, đền, nghè, chùa Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được Văn Hóa phản ánh mới đây có thể xem là dẫn chứng đau lòng của việc xâm hại di tích, di sản diễn ra trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân được chỉ rõ là trách nhiệm của chính quyền địa phương sở tại trong công tác quản lý di tích còn bị buông lỏng, lơ là.

Di tích lịch sử quốc gia đình Đại Lâm (Bắc Ninh) trở nên như thế này vì tu bổ không phép

 Tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa do Bộ VHTTDL vừa tổ chức, “điểm nghẽn” trong phân cấp quản lý di tích, di sản tại các địa phương được nhấn mạnh là vấn đề bất cập, cần khơi thông.

Bàng hoàng vì tu bổ di tích

“Không thể tin nổi!” là cảm thán của bất kỳ ai khi chứng kiến hình ảnh tòa Tam bảo và nhà Tổ ở di tích quốc gia chùa Thiên Phúc bị san phẳng trong phút chốc, Cảnh tình đình Đại Lâm gần đó đang bị tháo dỡ dở dang, tan hoang phủ bạt để chờ chỉ đạo cũng khiến nhiều người yêu di sản cất tiếng thở dài.

Dư luận cũng từng bàng hoàng, xót xa trước hàng loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại. Đó là số phận ngôi chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót ngàn năm bị nhà chùa tự ý dỡ nhà Tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Đó là việc ở đình cổ Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính bỗng chốc bị thay mới với những họa tiết lạ lẫm. Đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ thay bằng cột bê tông… Di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội), danh lam đệ nhất trời Nam bỗng một ngày bị phát hiện nằm lọt thỏm trong bao công trình phụ trợ khổng lồ do nhà chùa tự ý xây dựng. Gần đây, báo chí cũng xôn xao chuyện ở di tích quốc gia chùa Vàng khi khu vực II của di tích ngang nhiên bị xâm phạm…

Cục Di sản văn hóa nhận định, những năm gần đây, nhận thức chung của đa số dân cư địa phương tham gia vào hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên cả nước đã được nâng cao. Người dân đã hiểu rõ hơn và tham gia tích cực với cán bộ quản lý trong từng dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; chất lượng tu bổ từng bước được nâng cao, vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích đã giảm hẳn so với những năm trước đây, các vi phạm được xử lý triệt để. “Nhưng bên cạnh đó, qua thực tế kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, một vấn đề nhận thấy là ở nhiều nơi, nhiều lúc, ý thức và kiến thức pháp luật về di sản văn hóa là chưa cao. Nhiều tổ chức, cá nhân khi bị xử lý vi phạm mới biết đến quy định…”, theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền.

Giải quyết những vụ việc tu bổ, tôn tạo “chui”, phá hủy, xâm hại di tích luôn mang đến tình thế nan giải. Thanh tra Bộ VHTTDL chỉ rõ, hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” khi chính quyền sở tại “phát hiện” thì chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ… Khi cơ quan chức năng “tuýt còi” thì di tích chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang. Công tác thanh, kiểm tra qua từng năm cũng đã phát hiện một số tình trạng phổ biến như xâm phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích và giải tỏa trong khu vực di tích; sai phạm trong công tác tu bổ di tích, nhiều di tích bị sửa chữa sai quy cách, chỉ muốn thay mới toàn bộ các cấu kiện kiến trúc nên không áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp... “Việc tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân ở các địa phương, của trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, muốn di tích được “xứng tầm”, hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa được thực hiện theo quy trình, thủ tục triển khai còn chưa đảm bảo…”, Cục Di sản văn hóa nêu rõ.

Nhiều vụ việc chỉ khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Những di tích trăm năm, ngàn năm trong phút chốc chỉ còn… vài ngày tuổi khiến dư luận bàng hoàng, nhưng đó là thực tế đã diễn ra.

 Khu vực II di tích đình - chùa Vàng đang bị xâm phạm

Chấm dứt “thảm họa" trong tu bổ, tôn tạo di tích

Một trong những nguyên nhân khiến di tích bị bức tử được chỉ ra là công tác quản lý và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương chưa chặt chẽ, một số nơi để xảy ra hiện tượng “khoán trắng” cho người trông nom…

Chuyện ở di tích quốc gia chùa Thiên Phúc mà chúng tôi đề cập ở trên có thể nói là một điển hình cho tình trạng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, dẫn đến số phận trớ trêu của di tích. Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quắm, người gắn bó lâu năm với ngôi cổ tự nói hồn nhiên: “Chúng tôi có biết đâu di tích quốc gia là phải như thế nào, chỉ thấy chùa sắp sụp, ngói hỏng nhưng khi gỡ ra thì nát hết. Hằng ngày tụng kinh, chỉ sợ chẳng may có ai bị làm sao nên mới hạ giải toàn bộ….”. Trụ trì chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) cũng lý giải việc xây các công trình phụ trợ xâm hại khu vực bảo vệ II là phục vụ người dân tới tham quan, hành hương lễ Phật sao cho thuận tiện, xứng tầm…

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền từng cho rằng những “thảm họa” trong tu bổ, tôn tạo di tích là do nhận thức về di sản của một số người chưa đến nơi đến chốn. Có người coi di tích giống như mọi công trình nhà cửa dân dụng, thích thì làm, tùy tiện làm hủy hoại di tích gốc. Thậm chí, có nơi còn cố tình biến việc xâm hại di tích thành việc đã rồi, sau đó mới hoàn thiện thủ tục để hợp thức hóa. Bởi thế, chuyện “con voi chui qua lỗ kim” vẫn luôn là dấu hỏi lớn được đặt ra, khi di tích nằm cận kề cơ quan công quyền của địa phương, nhưng sai phạm lại chẳng ai biết, ai hay. Một thực tế luôn được nhắc đến trong mọi diễn đàn về bảo vệ di sản là di tích, di sản bị hủy hoại thì không gì có thể lấy lại được. Thế nhưng, cũng trên thực tế, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính thì dường như chưa ghi nhận một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự vì xâm phạm, hủy hoại di tích. Phải chăng đó là tiền lệ xấu khiến các di tích bị xóa sổ, “trẻ hóa” vẫn tiếp tục xảy ra?

Khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trong thời gian tới là vô cùng cần thiết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật: Một trong những “điểm nghẽn” chính là phân cấp quản lý. Bài toán đặt ra hiện nay là phân cấp như thế nào cho phù hợp. Liên quan tới việc sửa đổi Luật Di sản, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng cần phải nhìn di tích, di sản dưới góc nhìn mới. Không gian và giá trị của di tích không chỉ khoanh hẹp ở làng, xã như xưa mà nhiều di sản đã vươn tầm khu vực và thế giới. Do đó, cần cân đối hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Dẫn chứng về công trình khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long khi tiến hành dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội, nhà sử học nhấn mạnh, đó là nút thắt lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, tưởng chừng không thể tháo gỡ được. Thế nhưng, lời giải hợp lý đã cho thấy sự hài hòa đan xen đã đem đến kết quả tốt đẹp. “Sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần lấp những khoảng trống, đánh thức người dân ý thức quan trọng về di sản, để di sản là niềm tự hào và người dân tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy…”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung, chỉnh sửa Luật Di sản văn hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nêu, một trong những vấn đề cần thiết là cần phân cấp, quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quản lý, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn các bên liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cũng theo Thứ trưởng, các địa phương cần tích cực ban hành Quy chế bảo vệ và phát huy giá trị đối với từng di tích, đồng thời, quy định về quyền, quyền lợi của cộng đồng, người dân địa phương sinh sống trong di tích, để đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi mà người dân được hưởng, có chính sách phù hợp để giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích cộng đồng trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top