Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm: Mạnh mẽ nhưng lại... mong manh

VHO- Là một trong những gương mặt thành danh nhất của làng boxing nữ Việt Nam, ít ai ngờ rằng phía sau vẻ ngoài mạnh mẽ, Nguyễn Thị Tâm - võ sĩ được ghi danh vào lịch sử là VĐV boxing nữ đầu tiên của Việt Nam giành quyền chính thức tham dự Olympic Tokyo đã phải trải qua những khoảnh khắc buồn khóc đón Tết một mình.

Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm: Mạnh mẽ nhưng lại... mong manh - Anh 1

Nguyễn Thị Tâm là boxing nữ đầu tiên của Việt Nam tham dự  Olympic  Ảnh: Thu Sâm

Võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm nhớ lại kỷ niệm đón Tết một mình Xuân Kỷ Hợi 2019. Ngày ấy, Tâm lên đường sang Czech thi đấu và giành Cúp boxing châu Á - châu Âu, khi về nước đúng ngày mùng một Tết, không còn xe để về quê nên nhà vô địch đành ở lại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao Hà Nội đón Tết một mình. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Tâm chia sẻ: “Lúc nào em cũng muốn tỏ ra mạnh mẽ trước mặt mọi người, vậy mà lúc ấy thấy mình thật yếu đuối, buồn, khóc một mình “ngon lành”. Em là con út trong gia đình, bố mẹ đều đã có tuổi, bệnh nặng, Tết đến em thực sự mong muốn được sum vầy bên bố, bên mẹ, bên gia đình thân yêu”.

Hơn ai hết, những người thầy luôn là người hiểu và kịp thời chia sẻ những khoảnh khắc buồn của VĐV. HLV Nguyễn Như Cường, người thầy đã gắn bó với công tác huấn luyện boxing nữ bao năm qua cho biết: “Các VĐV thường xuyên phải xa nhà, đi thi đấu, tập huấn quanh năm, nhiều khi Tết không về nhà vì bận thi đấu và tập huấn tại nước ngoài. Ngoài chuyện của Tâm vào dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019, còn phải kể đến dịp tết Canh Dần năm 2010, khi mà đội boxing nữ Hà Nội tập huấn qua Tết tại Vũ Hán (Trung Quốc) và rất nhiều cái Tết khác nữa…”.

Sinh năm 1994, đến với boxing nữ Hà Nội từ năm 2009, qua hơn 12 năm gắn bó với nghiệp VĐV, cô gái xuất thân từ quê lúa Thái Bình Nguyễn Thị Tâm đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để kiên trì theo đuổi sự nghiệp và thành danh. Nhớ lại những ngày đầu “chân ướt chân ráo” đến với boxing nữ Thủ đô, Tâm kể: “Sau hai tuần đầu tiên tập môn này, thú thực là em đã phải xin về vì… sợ quá! Boxing là môn đối kháng, nữ tập vất vả hơn nam nhiều, chuyện bị xây xước tay, chân, “tím mắt, bầm môi” ảnh hưởng đến vẻ đẹp ngoại hình là mối lo thường trực. May được thầy Nguyễn Như Cường chia sẻ, động viên, em lại kiên trì rèn luyện. Rồi sau đấy là những lần thi đấu bị xử ép, những khi kết quả không như mong muốn… Mỗi lần em khóc, muốn nghỉ, buông xuôi, luôn có các thầy ở bên. Nhờ vậy mới có em của ngày hôm nay, đã có thể tự lo cuộc sống cho mình, hỗ trợ một phần cho gia đình sửa sang nhà cửa, đỡ đần bố mẹ đôi chút. Boxing nữ đã giúp em rèn luyện, vượt qua mọi khắc nghiệt, tự tin và cá tính hơn”.

Theo kế hoạch, năm 2022, bộ môn boxing có 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games 31 và ASIAD 19. Nếu kể thêm Giải vô địch boxing nữ thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ thì năm 2022 boxing nữ có đủ tất cả các cấp độ giải đấu. Nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy, dễ hiểu những võ sĩ hàng đầu như Nguyễn Thị Tâm chắc chắn phải chịu rất nhiều áp lực.

“Em là đương kim vô địch SEA Games, chủ nhân HCĐ ASIAD 18, nên áp lực phải bảo vệ ngôi vô địch SEA Games và phấn đấu “đổi màu huy chương” tại ASIAD 19 là đương nhiên. Với em, giải pháp giải tỏa áp lực chỉ đơn giản là tập luyện chăm chỉ hơn, và luôn nghĩ đến sự chăm lo, quan tâm của các thầy để quyết tâm hơn, cố gắng hơn, xứng đáng là niềm tự hào của đội. Chính vì vậy, sau khi cùng đồng đội bảo vệ thành công ngôi đầu tại Giải vô địch boxing toàn quốc tháng 12.2021, nhiều người về nhà, nhưng em quyết định ở lại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội để có nhiều thời gian tự tập luyện hơn”.

DƯƠNG CHI

Ý kiến bạn đọc