Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân: Bài học đắt giá ở đình Chèm

Thứ Hai 04/04/2022 | 19:35 GMT+7

VHO- Sau những ồn ào dư luận, UBND quận Bắc Từ Liêm vừa có văn bản số 149/BC- UBND báo cáo Bộ VHTTDL, Thành ủy- UBND TP. Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội về việc kiểm tra, xử lý, khắc phục trong việc chặt hạ cây đa và thực hiện dự án tu sửa cấp thiết tại di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (Phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm).

Văn bản báo cáo dài gần 6 trang. Theo đó, thực hiện công văn 844/SVHTT-TTr ngày 29.3 của Sở VHTT Hà Nội  về việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích tại đình Chèm, sau khi nắm bắt thông tin sự việc, Thường trực Quận ủy, lãnh đạo UBND quận đã có nhiều buổi họp, chỉ đạo kiểm tra, xử lý, khắc phục việc chặt hạ cây đa và thực hiện dự án tu sửa cấp thiết tại di tích.

Chặt hạ cây đa không thuộc nội dung tu sửa cấp thiết

Nêu lại sự việc cây đa bị chặt hạ, văn bản của quận nhấn mạnh, đây là giống đa đỏ, không phải cây đa cổ thụ hay cây di sản, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia Đình Chèm năm 1990. Tốc độ phát triển của cây nhanh, tán dày nặng, rễ to ăn nổi ra diện tích xung quanh. Vị trí cây đa được trồng chênh vênh trên thế đất cao, xung quanh là nền đất thấp, nằm sát mép Sông Hồng, gió thổi mạnh.  3 năm trở về đây cây có hiện tượng nghiêng 25°về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, vì vậy có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến an toàn của nhân dân và các công trình kiến trúc xung quanh.

Hình ảnh cây đa bị chặt hạ. Ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU

Năm 2021, Ban Khánh tiết cùng các cụ cao niên, bố lão, đại diện nhân dân đã họp và thống nhất chặt hạ cây đa để trả lại hiện trạng không gian kiến trúc cổ kính của đình; đồng thời đảm bảo an trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, với tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của nhân dân và các công trình kiến trúc xung quanh, Ban Khánh tiết đã chặt hạ cây đa khi chưa báo cáo và được cấp có thẩm quyền cho phép.

 Biên bản kiểm tra và văn bản số 844/SVHTT-TTr của Sở VHTT Hà Nội nêu, bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm năm 2017 có thể hiện vị trí cây đa, song không thể hiện trên bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quốc gia đình Chèm, xếp hạng năm 1990. Tại thời điểm kiểm tra, cây đa đã bị chặt hạ tới gốc. Việc chặt hạ, di dời cây đa không thuộc trong nội dung tu sửa cấp thiết di tích.

 Thường trực Quận ủy giao UBND phường kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý nhà nước tại đình Chèm. UBND Quận đã có 03 văn bản chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá việc quản lý nhà nước về nội dung này. UBND phường Thụy Phương cũng đã kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan việc chặt cây.

Kiểm điểm trách nhiệm việc thực hiện dự án tu sửa cấp thiết

Về nội dung được dư luận đặt nhiều câu hỏi là dự án tu sửa cấp thiết tại di tích, quận Bắc Từ Liêm thông tin, căn cứ quy định phân cấp quản lý di tích và hiện trạng xuống cấp tại đình Chèm; căn cứ Thông tư Số 15/2014/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, để kịp thời ngăn chặn tình trạng xuống cấp nặng, bảo đảm an toàn cho di tích, Sở VHTT đã hướng dẫn UBND quận nghiên cứu thực hiện việc tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm.

Ngày 17.6.2020, UBND quận Bắc Từ Liêm có văn bản xin ý kiến về việc tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm. Sở VHTT Hà Nội đã báo cáo UBND Thành phố và được UBND Thành phố chấp thuận.

Trên cơ sở đề xuất của UBND Quận, Sở VHTT có văn bản về việc thẩm định Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. Nội dung đề xuất của UBND Quận Bắc Từ Liêm và nội dung thẩm định Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích QGĐB đình Chèm gồm: điều chỉnh cao độ phần sân đường cho phù hợp, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (sân đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước, tường rào). Tu sửa, chỉnh trang không hạ giải, chống xuống cấp các hạng mục: Nghi môn nội, Đại đình, Phương đình, Nhà bia tả, hữu, Tả vu, Hữu vu. Chống mối toàn bộ công trình. Bổ sung hệ thống Phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.

Lý do điều chỉnh cao độ các hạng mục của di tích được nêu, căn cứ hiện trạng cốt cao độ của di tích không đồng nhất, căn cứ kết quả đào thám sát khảo đã tìm được cốt của đình cũ trước đây. Việc hạ cốt cao độ sân đại đình đảm bảo độ thoát nước, làm giảm thiểu việc thấm ẩm lên tường và nền bên trong di tích mỗi khi trời mưa. Toàn bộ các hạng mục gốc của di tích như Nghi môn nội, Đại đình, Phương đình, Nhà bia tả, hữu, Tả vu, Hữu vu chủ yếu tu sửa phần mái, xây lại bậc cấp, quét vôi, chống mối và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy cho công trình, không thay đổi kết cấu kiến trúc của di tích.

Theo đó, UBND quận cho biết, về các thủ tục pháp lý để triển khai việc tu sửa cấp thiết di tích đã đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Ngày 25.3, đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội đã phối hợp với Phòng VHTT, BQL dự án đầu tư xây dựng quận, UBND phường Thụy Phương cùng Tiểu BQL di tích đình Chèm kiểm tra thực tế. Ngày 29.3.2022, Sở có văn bản về việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích tại đình Chèm.

Cụ thể, ở nội dung thứ nhất, theo hồ sơ Dự án đầu tư tu bổ di tích đình Chèm (báo cáo tu sửa cấp thiết), tại mặt bằng tổng thể hiện trạng của di tích có 1 cổng đánh số 12 (cạnh nhà Tả Vu). Tuy nhiên, tại mặt bằng tổng thể thiết kế cảnh quan của Dự án thể hiện cổng này không còn tại vị trí cũ, mà được mở tại vị trí khác trên hệ thống tường bao của di tích.

Theo hồ sơ dự án thi công, cổng này chỉ được thực hiện việc “tu bổ", không thấy có nội dung xây bịt hoặc chuyển vị trí cổng.  Tuy nhiên hiện nay, tại vị trí cổng cũ đã được xây bịt kín; tại tường bao của khu di tích đã bị phá một đoạn để xây cổng mới; cổng mới đã được xây xong phần thô và đang hoàn thiện.

Ở nội dung 2, tại khu vực sân bia nằm cạnh tứ trụ phía ngoài cổng di tích đang xây dựng, móng được gia cố phía bên dưới của lan can đá bằng bê tông lót đá, bê tông cốt thép và đá nguyên khối xếp chồng lên nhau. Theo báo cáo tu sửa cấp thiết thì không thấy có nội dung gia cố móng tại vị trí này.

Giải trình về nội dung thứ nhất, UBND quận Bắc Từ Liêm để xuất Sở VHTT Hà Nội thống nhất chủ trương về nội dung này.

Về nội dung 2, tại hồ sơ thỏa thuận với Sở VHTT đã thể hiện nội dung điều chỉnh vị trí lan can đá và móng, mở rộng sân giữa Tứ trụ và Nghi môn cũng như lối tiếp cận để không lấn át hạng mục công của di tích. Tuy nhiên, chưa có bản vẽ thỏa thuận việc gia cố móng. Thực tế trong quá trình thi công, sau khi hạ cao độ sân giữa Tứ trụ và Nghi môn để trả về cao độ nguyên trạng, sân Bia chênh cao 1,08m so với sân giữa Tứ trụ và Nghi môn. Đất tại khu vực bờ sông có cát bởi nền đất yếu dẫn đến sân bia có hiện tượng lún, nứt gây nguy cơ sạt lở xuống sân Tứ trụ và Nghi môn, nhất là trong mùa mưa bão. Trong tình huống cấp bách, xét thấy việc gia cố móng là cần thiết để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình cũng như chất lượng dự án, đơn vị thi công đã thực hiện việc gia cố nêu trên, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thỏa thuận bổ sung theo quy định.

 UBND quận đề xuất Sở cho phép quận chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thỏa thuận bổ sung hạng mục móng lan can để đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh trong quá trình thi công.

 Về nội dung chỉ đạo xử lý, khắc phục, Thường trực Quận ủy chỉ đạo đối với việc tu bổ cấp thiết di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, giao BQL dự án đầu tư xây dựng Quận kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân BQL đối với các nội dung trong việc triển khai thực, hiện dự án. Quận chỉ đạo phòng Nội Vụ tham mưu xử lý vi phạm với tinh thần sai đến đâu, xử lý đến đó.

Đến nay, BQL dự án đầu tư xây dựng quận đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân gồm: Tập thể Phòng Hạ tầng- BQL dự án đầu tư xây dựng Quận; Cán bộ phụ trách dự án tu sửa cấp thiết đình Chèm. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ báo cáo bổ sung trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chuyện tu sửa cấp thiết ở đình Chèm, những sai phạm đã bước đầu được chỉ rõ, việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể cũng đã bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, đối với tầm vóc quan trọng của một di tích quốc gia đặc biệt  thì những tình huống  để xảy ra “sự đã rồi”, một cách khó chấp nhận vẫn tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm, đặc biệt trong công tác quản lý, tu bổ di tích tại các địa phương. Di sản vô giá và không của riêng ai. Đã có không ít bài học đáng tiếc trong công tác tu bổ diễn ra tại các di tích trong thời gian qua. Và bài học tại đình Chèm, một lần nữa lại là lời nhắc nhở vô cùng đắt giá.

PHƯƠNG ANH

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top