Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử​​​​​​​: Sân chơi cuốn hút của những tài tử đờn ca

VHO- Là một trong những hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức, những ngày này tại TP Cần Thơ đang diễn ra cuộc so tài hấp dẫn giữa những tài tử đờn ca đến từ các CLB, Nhóm tài tử thuộc 21 tỉnh, TP khu vực Đông, Tây Nam Bộ.

Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử​​​​​​​: Sân chơi cuốn hút của những tài tử đờn ca - Anh 1

 Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử mang đến nhiều tiết mục đặc sắc

 Diễn ra từ 6 - 11.4, Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản Đất phương Nam” là sân chơi cuốn hút của những tài tử đờn ca, góp phần giữ gìn, bảo tồn loại hình âm nhạc đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trao truyền, lan tỏa di sản trong cộng đồng

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Phó Trưởng BTC Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử cho biết, thực hiện cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nhằm tôn trọng sự đa dạng các nền văn hóa như khuyến nghị của UNESCO, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022.

“Liên hoan với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị trao truyền lan tỏa di sản đờn ca tài tử Nam Bộ, tài sản vô giá của cha ông để lại, bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, được vinh danh, được cam kết tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại…”, ông Trung nhấn mạnh. Kể từ năm 2014, khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, một chương trình hành động quốc gia nhằm phát huy giá trị di sản đã được mở ra, trong đó có các Liên hoan, Hội thi định kỳ 3 năm tổ chức một lần. Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử đến nay đã trở thành hoạt động mang tính truyền thống. “Đây là sân chơi của những tài tử Đờn, tài tử Ca, những người có thiên khiếu âm nhạc, có năng lực sáng tác và diễn tấu tìm đến để thỏa mãn đam mê, thỏa mãn nhu cầu giao lưu, học hỏi nghệ thuật, tìm bạn tri kỷ, tri ân và không vì mục đích kiếm sống...”, Phó Cục trưởng Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Hành trang các tài tử mang theo bên mình là những bửu bối: Tứ bửu, Liên bộ thập chương bất hủ của nhạc sư Trần Quang Qườn và các cộng sự: Nguyễn Liêng Phong, Phạm Đăng Đàng, Nguyễn Tòng Bá…, kết hợp nhuần nhuyễn với các bộ Ngũ Châu và Bát bộ của nhóm nhạc sư Nguyễn Quang Đại, Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Sáu Giỏi, Cao Huỳnh Cư… Trải qua hơn 100 năm ra đời và phát triển, sau này có thêm nhiều đóng góp các hơi điệu phong phú như: Ca ra bộ, vọng cổ, cải lương của các thế hệ tiếp nối nhưng vẫn tuân thủ nghiêm luật chặt chẽ và tinh tuý của 20 bài bản tổ, để ngày nay, âm nhạc cổ truyền dân gian Nam Bộ trở thành tài sản vô giá không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại.

Ông Trung bày tỏ: “Tây Đô chào đón 21 đơn vị tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử khu vực Nam Bộ về tham dự hội thi với hy vọng lan tỏa giá trị di sản, nhằm tiếp tục thực hành và truyền dạy vốn quý của cha ông, góp phần vào tính đa dạng, phong phú trong mái nhà chung văn hóa khu vực Thái Bình Dương và thế giới”.

Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử, Không gian đờn ca tài tử​​​​​​​: Sân chơi cuốn hút của những tài tử đờn ca - Anh 2

 Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử

Đậm tình đất phương Nam

Hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử đến nay đã trở thành sân chơi đầy nhiệt huyết của những tài tử đờn ca mang bản chất phóng khoảng, đậm tình người đất phương Nam. Những làn điệu nồng nàn như hơi thở cuộc sống đã theo chân những tài tử đờn ca đến với hội thi. Tài tử Khánh Đan, CLB Đờn ca tài tử Đồng Nai bày tỏ, các nghệ sĩ đến với sân chơi này đều mang theo niềm đam mê đối với nghệ thuật đờn ca tài tử, biểu diễn hết mình để mang đến những tiết mục đặc sắc, lan tỏa giá trị của di sản.

Công chúng mê đắm nghệ thuật đờn ca cũng sẽ được sống trong không gian với những ca từ, làn điệu quen thuộc với cuộc sống người dân Nam Bộ. Bản chất phóng khoáng, đậm tình người đất phương Nam được các tài tử đờn ca thể hiện ấn tượng qua từng tiết mục. Theo NNƯT Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, các nghệ sĩ đến với sân chơi này đều với tinh thần nghiêm túc, hết mình, họ “ca cho đã” và giải thưởng không phải là điều quan trọng. Ông Nguyễn Công Trung tin tưởng, Ban giám khảo sẽ đánh giá, ghi nhận tài năng, tâm huyết mà các nghệ nhân tài tử đờn, tài tử ca đã thể hiện qua các chương trình, tiết mục đặc sắc, thể hiện tốt nội dung, mục đích hội thi; để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách.

Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Thông qua việc tôn vinh những giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội thi góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố khu vực Đông, Tây Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Hội thi có sự tham gia của các tài tử Đờn, tài tử Ca, sinh hoạt trong các CLB, Nhóm tài tử đã và đang tham gia phong trào Đờn ca tài tử thuộc 21 tỉnh, thành khu vực Đông, Tây Nam Bộ có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử: An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Hội thi có nội dung ca ngợi tinh thần kiên cường bất khuất trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thành tựu xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những thành tựu ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng; gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội. Chương trình Đờn ca tài tử gồm 5 tiết mục: Phần đờn gồm một tiết mục hòa đờn; phần ca gồm 4 tiết mục có đơn ca, song ca, ca ra bộ và ca vọng cổ. Về bài bản, các đoàn tùy chọn, nhưng bắt buộc phải trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16, không nhất thiết phải biểu diễn hết bài. Bài ca phải là bài văn có nội dung đúng theo chủ đề, được soạn theo khúc thức bài bản tổ nhạc Tài tử. Về bản Vọng cổ, có thể chọn Vọng cổ nhịp tư (20 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 8 (12 câu), hoặc Vọng cổ nhịp 16 (6 câu); khuyến khích các đoàn sử dụng Vọng cổ nhịp 8, hoặc nhịp 16.

Về dàn nhạc, mỗi đoàn dự Hội thi phải có ít nhất 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc (đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, đờn gáo, đờn tam, đờn tỳ bà, đờn đoản, tiêu, sáo, ghi ta, hạ uy đi); không sử dụng ghi ta điện tử. Mỗi chương trình không quá 40 phút. Khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất một tài tử ca hoặc một tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kế thừa. 

MINH NGỌC; ảnh: TUẤN LINH

Ý kiến bạn đọc