Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Chúng tôi mong muốn kết nối ẩm thực - du lịch mạnh mẽ hơn

Thứ Năm 14/04/2022 | 17:05 GMT+7

VHO- Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh thành phố phía Bắc đã tạo được dấu ấn, tín hiệu tích cực để thúc đẩy, lan tỏa quảng bá giới thiệu các món ăn thuần Việt tới người dân và cộng đồng quốc tế. Trong niềm phấn khởi, vui mừng ấy, nghệ nhân Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định đã có những chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này.

 Các nghệ nhân ẩm thực giới thiệu mâm cỗ đặc trưng địa phương

PV: Thưa chị, trở về sau hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh thành phố phía Bắc; chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả của chuyến hành trình khảo sát món ăn vừa qua?

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Vừa qua, là một trong những giai đoạn khởi động để đi tìm 100 món ăn ngon mà mở đầu là ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là bước khởi đầu để hành trình được đi xa hơn. Kết quả đạt được đó là công chúng rất hào hứng, thích thú khi được nghe, được xem giới thiệu và thưởng thức các món ẩm thực vùng miền. Bên cạnh đó, các đầu bếp, các nghệ nhân đã tham gia giao lưu, quảng diễn các món ăn vùng miền tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và niềm thích thú với du khách; đồng thời tạo tiền đề cho bước đầu đề cử ẩm thực, giới thiệu nguyên liệu thực phẩm, món ăn phục vụ công chúng, du khách, góp phần đưa thương hiệu văn hóa ẩm thực vươn ra thế giới…

Hành trình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đây là bước đầu nên việc quảng bá và quảng diễn giới thiệu đặc trưng các vùng miền chưa được sâu rộng nhưng phần nào đã giúp cho mọi người hiểu được về văn hóa gắn với ẩm thực, đưa ẩm thực vùng miền lên tầm cao mới, gắn với du lịch, gắn với di sản để bảo tồn và phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để nhà đầu tư, nghệ nhân, đầu bếp đều hiểu rằng các chuỗi cung ứng liên kết là rất quan trọng. Điều đó góp phần để nghệ nhân cũng như đầu bếp thổi hồn vào ẩm thực, trao đổi hương vị, gia vị của vùng mình đi xa hơn. VD: các địa phương miền Nam làm quảng diễn để bản làng Tây Bắc có thể biết, hiểu được; cũng có thể từ nguyên liệu đó thay đổi khẩu vị để phù hợp vùng miền…

Tinh hoa ẩm thực là cầu nối để giới thiệu và quảng bá hình ảnh của một nền văn hóa quốc gia. Hơn nữa, để lan tỏa con đường đi của ẩm thực, xây dựng bản đồ ẩm thực và làm thế nào để ẩm thực Việt Nam trở thành món đặc sản dưới sự kiểm định của tổ chức, ngành nghề, hiệp hội thì đây cũng là một con đường rất dài. Tuy nhiên, trước mắt, tôi thấy rằng, các đầu bếp cũng như nhà hàng, nhà đầu tư và công chúng đều nhìn nhận ra rằng để ẩm thực Việt Nam vang danh,  phát triển bền vững rất cần sự liên kết, kết nối.

Các nghệ nhân ẩm thực khám phá bản làng Thái Hải

PV: Có thể thấy, hàng chục món ăn đã được đưa vào danh sách với tâm huyết và tinh hoa ẩm thực riêng của các nghệ nhân vùng miền. Với chị, món ẩm thực nào trong hành trình này đặc biệt tạo ấn tượng sâu sắc nhất?

 Với 22 món được lựa chọn của ẩm thực 5 tỉnh, thành phố phía Bắc trong hành trình khảo sát, bản thân tôi thấy món nào cũng ấn tượng và mang dấu ấn, giá trị tinh hoa riêng. Tuy nhiên, độc đáo nhất với tôi là các sáng chế của bản làng Thái Hải (Thái Nguyên). Thông qua ẩm thực, các nghệ nhân đã  lồng ghép văn hóa, lồng ghép giá trị dinh dưỡng và lồng ghép cả bản sắc văn hóa bản địa đặc sắc của người Tày ở Thái Nguyên vào món ăn.

Cái đặc sắc nữa trong ý tưởng và câu chuyện về văn hóa, di sản, ẩm thực để khẳng định rằng ẩm thực Việt Nam đã đi vào văn hóa tâm linh, đi vào lời ca câu hát, vào đời sống đó chính là tái hiện mâm cỗ giò và mâm cỗ ngọc tại đền Gin (xã Nam Dương, huyện Nam Trực, Nam Định). Mâm cỗ giò có nhiều món giò độc đáo như: giò chân, giò lựu, giò lây, giò lá lật, giò lụa, giò hoa... Mâm cỗ ngọc có các món: mọc gói, bóng bì, bát nấu, đĩa xào…

Bên cạnh đó, khi đến Phú Thọ, bánh chưng - tinh hoa ẩm thực truyền thống của đất Tổ là một thương hiệu, nhưng hiện tại, đây còn là món quà ngon đi xa hơn với việc được thay đổi mẫu mã, thay đổi cách đóng gói nên vẫn có thể để ở môi trường bên ngoài khoảng 3- 4 ngày. Qua đó, giúp món ẩm thực này dễ dàng di chuyển được từ vùng nọ qua vùng kia, nước nọ sang nước kia và phát triển kinh tế cho các nghệ nhân đang nuôi dưỡng đam mê gìn giữ nghề đó.  

 Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Chúng tôi mong muốn kết nối ẩm thực - du lịch mạnh mẽ hơn

PV: Vậy còn những kỳ vọng mà chị cảm thấy chưa đạt được thì sao ạ?

 Kỳ vọng của tôi cũng như Hiệp hội là đang kiện toàn dự án cũng như quy chuẩn đánh giá món ăn. Để đưa được các món ăn tiêu biểu Việt Nam ra quốc tế còn rất nhiều điều kiện cần tới sự đồng hành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thẩm định, đánh giá. Đặc biệt, nền ẩm thực Việt Nam đa dạng phong phú, nhưng chúng ta định chuẩn món ăn đang hạn hẹp.

Vậy nên để định chuẩn món ăn cần cả sự vào cuộc của chính quyền địa phương sở tại để  bảo hộ thương hiệu, món ăn từ khâu cung ứng, phát triển làng nghề, mẫu mã bao bì, đăng ký kinh doanh, sơ chế, chế biến, đóng gói, dán nhãn, dự trữ... đến xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đây là điều rất cần làm ngay để tinh hoa văn hóa ẩm thực không bị mai một, không bị mất đi. Khi được bảo vệ nhãn hiệu, việc kiểm soát, định chuẩn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ví dụ: món Phở bò Nam Định được bảo hộ nhãn hiệu tập thể để ban ngành định chuẩn, để tìm ra nét khác biệt so với những nơi khác… Hơn nữa, để các món ăn này thành bản đồ ẩm thực tiêu biểu Việt Nam thật sự, giới thiệu với bạn bè quốc tế, chúng ta còn cần dựa vào yếu tố ban ngành liên kết, kết nối các nhà như: nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh để giúp ẩm thực vươn xa, chuyển hóa thành sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, tôi hy vọng, dịp tới khi đề án được thực hiện tới các tỉnh, thành khác thì sự vào cuộc của  “bốn nhà” được tích cực hơn, kết nối mạnh mẽ hơn.

 Các nghệ nhân ẩm thực tìm hiểu văn hóa vùng đất Tổ - Phú Thọ

PV: Chắc hẳn, những điều chưa đạt được mà chị vừa chia sẻ trên đây sẽ là bước đệm để chị cũng như Hiệp hội mình tiếp tục triển khai và phát triển hành trình này. Chị có thể bật mí một vài điều về kế hoạch sắp tới?

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đang được phân chia theo khu vực địa lý với 3 vùng, miền Bắc - Trung - Nam. Cũng vì thế mà ẩm thực Việt Nam luôn đa dạng, hấp dẫn với nhiều hương vị, chế biến, bày biện khác nhau… Hiện tại, miền Bắc đã giao lưu được 5 tỉnh, thành và tới đây sẽ tiếp tục chia thành các cụm như ẩm thực Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng… để có thể tổ chức các cuộc thi giới thiệu ẩm thực, lễ hội ẩm thực; từ đó, tìm trong dân gian, bản sắc địa phương rộng hơn, sâu hơn bởi ẩm thực thường gắn với chiều sâu văn hóa của đất nước. Những hoạt động này sẽ là cơ sở để đánh giá, đề cử cũng như công nhận chuẩn hóa đạt kết quả tốt hơn. Với các tỉnh, thành phố miền Nam, miền Trung tới đây cũng sẽ chia cụm để tổ chức, giao lưu kết nối ẩm thực như vậy.

Xa hơn, tôi cũng mong muốn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như các sở ban ngành các tỉnh, địa phương cùng “bốn nhà” kết nối vào cuộc để đưa ẩm thực gắn liền với du lịch, gắn liền với di sản, giúp nâng tầm ẩm thực Việt và gắn liền với phục hồi du lịch, thu hút du khách. Có như thế, ẩm thực và du lịch mới cùng nhau song hành, phát triển bền vững.

Xin được trân trọng cảm ơn chị!

HẠNH VÕ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top