Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phát triển phim điện ảnh từ  web drama: Nên “lượng sức mình”

Thứ Sáu 15/04/2022 | 09:35 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, thị trường giải trí trở nên nhộn nhịp hơn hẳn trước sự phát triển các dự án phim điện ảnh từ web drama. Lợi thế về số lượt xem là rõ ràng, nhưng không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó sẽ đạt chuẩn điện ảnh.

 Nhiều ý kiến cho rằng Mến gái miền Tây chỉ nên dừng lại ở web drama phiên bản điện ảnh là quá tầm với

Bởi, “bom tấn được mong đợi” hay “bom xịt đang đợi chờ” vẫn luôn là một ẩn số.

Lợi thì có lợi...

Mỗi năm số lượng web drama ngày một tăng và chưa có dấu hiệu “đuối sức”. Bởi lẽ loại hình giải trí này đang hợp thời và dễ dàng tiếp cận công chúng mọi lúc, mọi nơi. Chính sự bùng nổ mạnh mẽ, các dự án web drama nhanh chóng thu về nhiều con số khủng như tăng lượng subscribe (theo dõi) cho kênh YouTube, tăng lượng tương tác giữa công chúng với nghệ sĩ… Bên cạnh đó, việc các web drama “ăn nên làm ra” và nhận được nhiều phản hồi tích cực đã thúc đẩy giới làm phim mạo hiểm bằng việc cho ra mắt phiên bản điện ảnh nếu web drama đó thành công.

Ra mắt web drama Thập Tam Muội, “vũ trụ giang hồ” của Thu Trang đã nhanh chóng thu hút lượng xem “khủng”, tiến thẳng lên ngôi đầu bảng top thịnh hành và mang về hàng triệu lượt tương tác qua mỗi tập phim phát sóng. Đạt hiệu ứng tốt từ sản phẩm trên, “hoa hậu làng hài” quyết định “chi mạnh tay” khi cho ra bản điện ảnh mang tên gọi mới Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội trong năm 2019. Nếu như, phiên bản điện ảnh đầu tiên mang về doanh thu 62 tỉ đồng, thì ở phần tiếp theo Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử khiến nhiều người phải thán phục khi nhanh chóng gia nhập “câu lạc bộ trăm tỉ”, nhất là trong thời điểm rạp chiếu chao đảo vì ảnh hưởng dịch bệnh.

Cũng trong năm 2019, tiếp bước đàn chị Thu Trang, Huỳnh Lập cũng “chơi lớn” và đầu tư mạnh cho bộ phim điện ảnh đầu tay Pháp sư mù. Tương tự trường hợp của Chị Mười Ba, tiền thân của Pháp sư mù là web drama Ai chết giơ tay được nam diễn viên cho ra mắt một năm trước đó. Phiên bản điện ảnh Pháp sư mù cũng hoàn thành tốt bổn phận của mình mang về doanh thu 60 tỉ đồng. Đặc biệt, “cú hích” từ phim điện ảnh Bố già của Trấn Thành, được làm lại từ web drama cùng tên, với doanh thu “khủng” nhất hơn 400 tỉ đồng đã khiến xu hướng làm phim điện ảnh từ web drama “nóng” hơn bao giờ hết. Nhận ra đây là “mảnh đất màu mỡ”, nhiều nhà làm phim đã nhanh chóng nhảy vào “thị trường” này.

Có thể thấy, việc phát triển phim điện ảnh từ các phim chiếu mạng có rất nhiều lợi thế nhất định. Nhất là độ với các phim trước đó đã có sự nổi tiếng, các nhà làm phim sẽ dễ dàng tạo được thương hiệu, hiệu ứng truyền thông được bao phủ rộng khắp. Đặc biệt, phim cũng dễ gây sự chú ý, kích thích sự tò mò của khán giả, với mong muốn được trả lời thắc mắc “liệu tác phẩm có gì mới mẻ so với các phiên bản trước đó”.

...nhưng phải đặt chất lượng lên hàng đầu

Tuy nhiên, để web drama chuyển thể thành phim điện ảnh có chất lượng thì vẫn còn rất nhiều điểm yếu hạn chế. Đầu tiên, nằm ở mặt thời gian, khi bộ phim phải cố gắng gọt giũa, gói gọn trong khoảng 100 phút trình chiếu, trong khi đó wed drama có phần thoải mái hơn. Chính thời gian bị thu hẹp sẽ kéo theo nội dung kịch bản dễ bị đứt gãy, nội dung không logic, thiếu đầu thiếu đuôi…

Cạnh đó, các web drama thường mang nhiều yếu tố giải trí, tạo tiếng cười cho người xem là chính, nhưng khi đưa lên màn ảnh rộng, miếng hài ấy sẽ dễ dàng trở thành vô duyên. Các yếu tố về diễn viên, bối cảnh, kỹ xảo… ở phiên bản điện ảnh cũng là điều sẽ khiến các nhà làm phim trăn trở, bởi lẽ điện ảnh không chỉ đơn thuần là giải trí, mà tác phẩm ấy phải có giá trị nghệ thuật. Một điều dễ hiểu hơn, khi web drama là phim chiếu mạng được xem miễn phí, trong khi phim điện ảnh bắt buộc người xem phải bỏ tiền mới được đặt chân vào rạp thưởng thức và yêu cầu mà khán giả đặt ra cũng phải cao hơn, khắt khe hơn. Nếu làm quá sơ sài hay hấp tấp sẽ gây ảnh hưởng rất lớn dẫn đến việc thua lỗ nặng nề. Kéo theo đó là việc khán giả quay lưng lại với các bộ phim điện ảnh có nguồn gốc từ web drama, điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến giới làm phim.

Như sự ra mắt mới đây nhất của bộ phim được phát triển từ Ghe bẹo ghẹo ai, series web drama “ăn khách” của Võ Đăng Khoa với tên gọi Mến gái miền Tây là một điển hình. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim chỉ nên dừng lại ở web drama, khi phiên bản điện ảnh là một câu chuyện cũ, lối kể chuyện “chậm” lan man, cao trào chỉ dừng lại ở mức trung bình… Từ web drama đến màn ảnh rộng là cả một hành trình dài, cần rất nhiều chất xám lẫn sự đầu tư của các nhà làm phim để mang lại một sản phẩm đạt chuẩn điện ảnh. Dù rằng trước đó sản phẩm đã thành công nhưng không thể nhìn vào con số triệu lượt xem hay top trending để đánh đồng việc nâng cấp thành phiên bản điện ảnh, khi nhiều web drama chỉ nên dừng lại là web drama.

Nam Thư là nữ chủ nhân của hàng loạt series web drama “ăn khách” như Nam Phi liên hoàn kế, Thập tứ cô nương, Ai là người thứ ba, Nhà trọ có quá trời phòng phần 1 và 2…, tuy nhiên cô nàng không hề vội vàng với “đường đua” điện ảnh. Nữ diễn viên quan niệm: “Đối với tôi, điện ảnh không chỉ cần kịch bản tốt, mà còn phải mạnh về tài chính, ê kíp và rất nhiều thứ nữa. Tôi thấy mình còn thiếu nhiều yếu tố để có thể tự tin đến với điện ảnh và ra mắt một sản phẩm chất lượng. Đúng là hiện tại, tôi thấy mình chưa đủ, nhưng cái tôi có chính là thời gian. Tôi tin sau khi tích lũy kinh nghiệm, bản thân sẽ tự tin hơn để thử sức”. Bỏ qua những con số về mặt doanh thu, điều cuối cùng mà người nghệ sĩ mong muốn nhất là tạo ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Còn với khán giả, họ luôn mong chờ một sản phẩm chất lượng thông qua nội dung, thông điệp truyền tải.

Vậy nên, chuyện nâng cấp phiên bản web drama thành phim điện ảnh vẫn còn là một hành trình dài và đầy chông chênh. Thế nhưng, dù với bất cứ thể loại nào, khi “bắt tay” vào làm thì trước hết các nhà làm phim phải biết “lượng sức mình”, nên chỉn chu với từng sản phẩm, đặt giá trị nghệ thuật lên hàng đầu thay vì chạy theo thị hiếu số đông. 

 HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top