Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Báo động cách ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật (Bài 2): Ký ức lịch sử không thể bị lãng quên

Thứ Sáu 15/04/2022 | 09:47 GMT+7

VHO-  Những câu chuyện về ứng xử với di sản kiến trúc - nghệ thuật tại Hà Nội trong thời gian qua, gần nhất là bức phù điêu ở 61 Trần Phú đã vỡ ra một khoảng trống không nhỏ trong bài toán quy hoạch đô thị mà ở đó, nhiều giá trị di sản đã bị lãng quên.

Tác giả của bức phù điêu ở 61 Trần Phú, bà ĐẶNG BÍCH HỢP

Vấn đề được Văn Hóa đề cập trong số báo trước tiếp tục nhận được sự quan tâm, đề xuất ý kiến của nhiều chuyên gia, với mong muốn Hà Nội sẽ không chỉ là thành phố của sự sáng tạo mà phải là thành phố gìn giữ trọn vẹn những ký ức lịch sử không gì có thể thay thế.

Ứng xử thế nào với ký ức lịch sử?

Trò chuyện với Văn Hóa, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp, tác giả của bức phù điêu Dân quân tự vệ bảo vệ Thủ đô gắn trên tường biệt thự Pháp cổ 4 mặt tiền, nằm trên phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học chia sẻ, bức phù điêu không thể bị mất đi, bởi đó là một phần ký ức của Hà Nội. 45 năm qua, tác phẩm đã có mặt tại một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội, như một chứng tích nhắc nhớ về lịch sử hào hùng của những năm “Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ”.

Ở tuổi 70, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp vẫn vẹn nguyên cảm xúc với bức phù điêu “đầu tay”. Năm 1977, chân ướt chân ráo ra trường, về làm việc tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội, nhà điêu khắc trẻ đã được giao làm tác phẩm kỷ niệm 10 năm sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ tại phố Lê Trực (năm 1967). Bức phù điêu được thực hiện gấp gáp, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, không có nhân lực. Kích cỡ cuối cùng chỉ bằng 1/3 so với thiết kế ban đầu, bởi không có không gian cho tác phẩm. “Tôi đã rất xúc động khi thực hiện bức phù điêu tại địa điểm máy bay Mỹ bị bắn rơi. Đó là kỷ niệm mở đầu sự nghiệp của tôi. Nhưng rộng lớn hơn, đó là một phần ký ức đã được lưu giữ trong nhiều thập kỷ của người Hà Nội...”, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp bồi hồi.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi qua con phố có bức phù điêu nhắc nhớ kỷ niệm quân dân Hà Nội lập chiến công nhân ngày sinh của Bác Hồ, trong ông lại trào dâng cảm xúc về những năm tháng chống Mỹ hào hùng. “Tôi nhớ lại khi tiếng còi báo động vang lên, trẻ em, người già chui vào hầm trú ẩn, bộ đội lên mâm pháo, chiến sĩ tự vệ sao vuông lên nóc nhà nghênh chiến với máy bay quân thù bay trên bầu trời Hà Nội. Bức phù điêu là dấu tích lịch sử để mỗi khi đi qua đó, nhiều người lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ năm xưa và trách nhiệm của người Hà Nội hôm nay. Phù điêu tuy nhỏ nhưng giá trị về tinh thần, cảm xúc lại vô cùng lớn...”, ông Ánh nói. Ứng xử thế nào với ký ức lịch sử? Không chỉ bức phù điêu ở 61 Trần Phú đang có số phận chênh vênh mà thực tế đã từng có không ít di sản kiến trúc, nghệ thuật của Thủ đô phải đánh đổi cho những siêu dự án, siêu công trình. Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp tha thiết, Hà Nội nên giữ lại tác phẩm này như một dấu tích thời chiến tranh. Đó không phải là kỷ niệm của riêng bà mà là một phần dấu tích lịch sử Hà Nội gần nửa thế kỷ trước. “Kỷ niệm dù nhỏ nhất cũng nên có không gian lưu giữ. Ngay bây giờ, tôi có thể làm một tác phẩm khác đẹp gấp nhiều lần ngày đó, nhưng đó đâu phải là di sản, là ký ức...”, điêu khắc gia trải lòng.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội đang phát triển nhanh, tất nhiên, quá trình đó buộc phải hi sinh những gì cũ kỹ, ọp ẹp để thích ứng hơn với nhu cầu sinh hoạt của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, niềm tự hào của Hà Nội lâu nay không phải là một thành phố to nhất, giàu nhất, hào nhoáng, xa hoa nhất mà là niềm tự hào của một thành phố có bề dầy lịch sử, nơi chứa đựng giá trị văn hóa nhiều hơn giá trị về vật chất. Niềm tự hào ấy được tích lũy từ những ký ức của những năm tháng hào hùng, rất cần được trân trọng và giữ gìn.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiếc nuối, vài thập niên qua, tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến cho Hà Nội dần mất đi vẻ đẹp của những giá trị di sản, nghệ thuật trong lòng thành phố. Trong đó, những giá trị của di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội cho đến nay vẫn chưa bao giờ là cũ kỹ. “Hà Nội không thể không có những công trình kiến trúc hiện đại, những tòa nhà cao ốc tráng lệ, nhưng bên cạnh đó, bài toán quy hoạch đô thị vẫn luôn có khoảng trống mà ở đó, sự hoành tráng đã không ít lần đụng chạm tới những giá trị của di sản. Câu hỏi đặt ra là cần ứng xử thế nào với quá khứ, như câu chuyện bức phù điêu gợi nhớ những năm tháng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc? Chưa bàn tới giá trị nghệ thuật, nhưng thế hệ hôm nay phải nhớ rằng, đó là giá trị lịch sử của một thời...”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Hà Nội không thể là thành phố... quên lãng

KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội cần có sự chủ động, thậm chí có chiến lược để xây dựng thủ đô không chỉ hào nhoáng vật chất mà phải giữ lại được những chứng nhân lịch sử hào hùng của Thủ đô. Với sự kiện kỷ niệm quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ tại phố Lê Trực, ông Ánh cho rằng, đáng ra mấy chục năm qua Hà Nội cần có sự ghi nhận xứng tầm hơn, bằng những tác phẩm nghệ thuật quy mô tầm cỡ hơn. Thế nhưng, điều đáng tiếc là thậm chí bức phù điêu nhỏ bé còn có nguy cơ bị phá dỡ, nếu dư luận không kịp thời lên tiếng.

“Việc giữ lại bức phù điêu là điều đương nhiên, nhưng không thể giữ một cách qua quýt. Hà Nội đang hướng đến xây dựng một thành phố sáng tạo, thành phố thông minh, nhưng trước khi điều đó thành hiện thực, Hà Nội cần phải đủ tầm nhìn, đủ năng lượng để lưu giữ lại những giá trị lịch sử, nơi hội tụ nên những phẩm chất của mình. Hà Nội không thể là thành phố... quên lãng trước khi trở thành một thành phố sáng tạo như kỳ vọng”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp trăn trở, chuyện bức phù điêu không đơn thuần là câu chuyện của một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn lịch sử cần được lưu giữ, mà rộng hơn, đó là câu chuyện về ứng xử cần có đối với những di sản kiến trúc, nghệ thuật khổng lồ mà Hà Nội đã và đang sở hữu. Nhà điêu khắc mong mỏi, bức phù điêu sẽ được giữ lại một cách hợp lý. Nếu có một công trình mới mọc lên ở vị trí này, bức phù điêu cần được bọc lại, xuất hiện phù hợp với cảnh quan kiến trúc mới. “Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng những gì thuộc về di tích, di sản cần bảo tồn cho con cháu mai sau. Dù trên tường, nhà hay trán nhà thì vẫn có thể thiết kế để bức phù điêu có thể hòa hợp cùng công trình kiến trúc hiện đại...”, bà Hợp bộc bạch.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, bức phù điêu ở 61 Trần Phú hay những tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật công cộng vốn thuộc về ký ức của những người đã sống nhiều thập kỷ ở Hà Nội đặt ra yêu cầu phải tiếp tục gìn giữ, đó là trách nhiệm quản lý của Hà Nội. Ông Đoàn cho rằng, cần có giải pháp tối ưu để lưu giữ lại tất cả những giá trị, dấu tích cũ một cách trân trọng. Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, bức phù điêu có thể sẽ không còn phù hợp nếu đặt trong khung cảnh đô thị hiện đại, nhưng Hà Nội có thể tính toán để đưa vào các Bảo tàng. “Những tác phẩm phù điêu, tranh, điêu khắc có giá trị lịch sử liên quan đến không gian đô thị của Hà Nội từ nhiều thập kỷ, trước đây đã thiếu sự khảo sát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Đây thực sự là bài toán khó cho quy hoạch, quản lý đô thị của Hà Nội”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định. Theo ông, để không lặp lại những bài học đáng tiếc, cần có sự cân nhắc giải pháp, với sự đồng thuận của các cơ quan liên quan, đặc biệt là trong vấn đề quy hoạch.

“Trong guồng quay xê dịch, Hà Nội mỗi ngày lại trống vắng hơn những giá trị di sản, đây thực sự là điều đáng tiếc. Chúng ta cần một đô thị hiện đại nhưng cũng cần kiến trúc hiện đại đó phải hài hòa với những giá trị kiến trúc cũ, cổ. Những va vấp làm tổn hại di sản kiến trúc nghệ thuật Hà Nội đã đến lúc cần phải nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn xa...”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh. 

Hà Nội đang phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng những gì thuộc về di tích, di sản cần bảo tồn cho con cháu mai sau. Dù trên tường, nhà hay trán nhà thì vẫn có thể thiết kế để bức phù điêu có thể hòa hợp cùng công trình kiến trúc hiện đại...

(Tác giả của bức phù điêu ở 61 Trần Phú, bà ĐẶNG BÍCH HỢP)

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top