Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Lạm phát lập kỷ lục khắp thế giới

Thứ Hai 18/04/2022 | 10:35 GMT+7

VHO- Những căng thẳng liên quan đến chiến sự tại Ukraine khiến nền kinh tế thế giới vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, lại thêm “chao đảo” vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều nước đang phải chật vật ứng phó với bài toán lạm phát tăng phi mã.

 Nỗi lo lạm phát leo thang “phủ bóng” kinh tế toàn cầu Ảnh: REUTERS

Theo công bố của Bộ Lao động Mỹ, tính đến cuối tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 8,5% trong vòng một năm. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12.1981. Chỉ tính riêng từ tháng 2 tới tháng 3, lạm phát ở Mỹ tăng 1,2%, mức tăng hằng tháng lớn nhất kể từ năm 2005 tới nay. Trong đó, giá xăng đã tăng 18,3%, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cảnh báo, giá thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị ở Mỹ sẽ tăng thêm 3-4% trong năm nay và dự kiến sẽ vượt qua mức trung bình trong lịch sử. Mặc dù Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ giữa tháng 3 để giảm áp lực giá cả, nhưng những hệ lụy từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá cả nhiều mặt hàng tại Mỹ chưa thể “hạ nhiệt”.

Trong khi đó, lạm phát ở Anh cũng ở mức 7% chạm ngưỡng kỷ lục trong ba thập kỷ. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), lạm phát cơ bản không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá của nước này là 5,7% trong tháng 3, cao hơn rất nhiều mức 0,9% ở cùng kỳ năm trước. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát sẽ tăng lên mức 8% trong tháng 4 và có thể tăng hơn nữa vào mùa thu, khi mức trần giá năng lượng do cơ quan quản lý đặt ra tăng lên. Ông Ambrose Crofton, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Quỹ quản lý tài sản JPMorgan Asset Management cho rằng, nếu nguồn cung toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực của xung đột tại Ukraine, thì lạm phát của Anh có khả năng lập đỉnh mới và mất nhiều thời gian để quay lại mức chấp nhận được.

Tại Nga, mức lạm phát trong tháng 3 cũng đã tăng lên 16,7% (so với 9,2% của tháng 2). Đây là mức tăng nhanh nhất và là mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015. Giá thực phẩm trong tháng 3 tại nước này cũng tăng “chóng mặt” lên tới 19,5%, trong đó một số nhóm hàng còn ghi nhận mức tăng phi mã như đường tăng 70%, rau quả tăng 35%, bơ tăng 22%... Đáng quan ngại, theo ước tính của Ngân hàng Renaissance Capital (Nga), lạm phát có thể vọt lên 24% trong mùa hè năm nay. Các chuyên gia cho rằng, lạm phát ở Nga đã tăng tốc trong nhiều tháng qua chủ yếu do những áp lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và giá nguyên liệu thô tăng. Đặc biệt, từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine kéo theo nhiều lệnh trừng phạt, khiến lạm phát tăng đột biến.

Bên cạnh đó, tại hầu khắp các khu vực trên thế giới cũng đang chứng kiến mức lạm phát tăng cao kỷ lục. Ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát trong tháng 3 đã lên tới 7,5% (tăng từ 5,9% của tháng trước). Còn ở khu vực Mỹ Latinh, nhiều nước cũng đã công bố mức lạm phát cao nhất trong những thập niên gần đây. Trong đó, lạm phát hằng tháng của Brazil đã tăng vượt mức dự báo lên mức cao nhất trong 28 năm, còn Chile ghi nhận mức lạm phát hằng tháng cao nhất trong gần 30 năm. Tại châu Á, lạm phát ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc... gần đây đã tăng mạnh hơn dự báo. Ngay cả tại Nhật Bản, quốc gia từng ghi nhận tỉ lệ lạm phát cực thấp, thì cũng đã xuất hiện dấu hiệu giá cả tăng cao.

Hiện các quốc gia, khu vực trên thế giới đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ứng phó, nhằm kiềm chế lạm phát và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột tại Ukraine lên nền kinh tế. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 5 và tháng 6 sau khi đã có động thái này hồi tháng 3. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu mở rộng để mở đường cho việc tăng lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) đã thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ ba kể từ tháng 10.2021, để đối phó với tình trạng lạm phát được cho là sẽ nóng lên ở nước này thời gian tới. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top