Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thêm một “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước

Thứ Tư 08/06/2022 | 08:30 GMT+7

VHO- Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là thiết chế văn hóa ngoài công lập thứ 4 tại Huế vừa được thành lập. Đây không chỉ là không gian lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều tư liệu thông tin về cuộc đời vị Đại tướng kiệt xuất, mà còn “kể lại” lịch sử hào hùng của Đảng, của đất nước trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…

 Bức tượng khắc họa hình ảnh Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang trò chuyện cạnh ao sen Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 1959

 Tái hiện một phần lịch sử hào hùng của dân tộc

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức trao quyết định cấp phép thành lập Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho đại diện gia đình Đại tướng. Bảo tàng có trụ sở tại số 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Bảo tàng đã mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm trong vòng một tháng, sau đó sẽ chính thức khai trương vào ngày 2.7, nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967 - 6.7.2022).

Thông tin với Văn Hóa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Từ nhiều năm về trước, khuôn viên Bảo tàng chính là ngôi nhà thờ cúng tổ tiên của gia đình tôi. Đây cũng là địa chỉ đi về của chúng tôi mỗi khi trở lại quê hương xứ Huế. Năm 2021, các anh chị em trong gia đình đã sửa chữa ngôi nhà rường cũ nơi đây để không gian thờ cúng tổ tiên được khang trang hơn. Cũng có nhiều người đến tham quan nhà thờ nhưng lại không được tiếp cận và tìm hiểu rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Trong khi đó, di tích quốc gia Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền lại không gần thành phố, nội dung khu trưng bày còn hạn chế nên chưa thỏa mãn được nhu cầu của du khách. Được sự quan tâm của tỉnh, cũng như theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, gia đình chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng, sắp xếp lại không gian nhà thờ tại số 144 Đặng Thái Thân thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

 Các hiện vật mũ kêpi và dây thắt lưng mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng sử dụng được trưng bày tại Bảo tàng

Bảo tàng được thành lập nhằm mục đích lưu giữ, bảo quản và trưng bày thông tin, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; là điểm đến tham quan, tìm hiểu cho du khách và cung cấp thông tin, tư liệu để các thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu, giao lưu không chỉ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà còn về các cuộc kháng chiến của dân tộc, thời kỳ xây dựng đất nước, thời đại Hồ Chí Minh… “Bảo tàng không nhằm mục đích tôn vinh công lao của cá nhân Đại tướng mà nhằm lưu giữ và kể lại một phần lịch sử của Đảng, của đất nước, dân tộc, những câu chuyện mà Đại tướng đã được chứng kiến và trải qua. Những công lao, đóng góp to lớn của tập thể để có được non sông gấm vóc, giàu đẹp như hôm nay”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Đại tá Phạm Văn Phi, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện là Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết: Bảo tàng hiện đang lưu giữ 395 tài liệu, hình ảnh, hiện vật; trong đó có nhiều hiện vật gốc mà Đại tướng từng sử dụng lúc sinh thời. Đề cương trưng bày của Bảo tàng sẽ tập trung vào 6 chủ đề chính, gồm: Gia đình - Quê hương - Tuổi trẻ (1934-1937); Đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945); Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1964); Cách mạng miền Nam (1964-1967); Vĩ thanh. Trong mỗi chủ đề trưng bày có nhiều tiểu đề nhỏ liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Ngoài các chủ đề chính, Bảo tàng còn trưng bày và giới thiệu các tiểu đề về đối ngoại và xây dựng công nghiệp ở miền Bắc, cùng hơn 100 đầu sách do các tác giả viết về Đại tướng, do Đại tướng viết cùng một số tuyển tập các bài viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là tác giả. Bên cạnh đó còn có các phim tư liệu; các tác phẩm mỹ thuật là phù điêu, tượng, nhóm tượng có ý nghĩa nhằm phát huy tốt nhất công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kết nối, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn

Không gian trưng bày và cơ sở vật chất của Bảo tàng được xây dựng, chỉnh trang bài bản, gồm: Nhà trưng bày, phòng đọc sách và tọa đàm có diện tích 300m2; khu vực văn phòng làm việc với diện tích 100m2; diện tích và khuôn viên trưng bày sân vườn là 200m2; kho bảo quản 50m2 cùng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động và an toàn PCCC.

 Một góc không gian trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “sở hữu” số hiện vật, tư liệu khá phong phú và có phương án, nội dung trưng bày rất khoa học, hấp dẫn. Hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn của một bảo tàng; không gian trưng bày được xây dựng bài bản, công phu, cùng với bộ máy quản lý, vận hành có các cán bộ từng làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nên rất chuyên nghiệp. “Nhằm khai thác hiệu quả thiết chế bảo tàng về lâu dài, Bảo tàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gắn với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về giáo dục truyền thống cách mạng, như: Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh, các khoa Sử của ĐH Sư phạm Huế và ĐH Khoa học Huế… Qua đó, tổ chức thường xuyên những khóa/buổi tham quan, tìm hiểu cho các học viên, học sinh, sinh viên, bộ đội… để giáo dục truyền thống và lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ. Đồng thời, Bảo tàng cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với huyện Quảng Điền, nhằm kết nối giữa di tích quốc gia Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến Bảo tàng hiện nay, để xây dựng tour du lịch phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu, đặc biệt là tour giáo dục”, ông Phan Thanh Hải nhận định.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rõ, Bảo tàng do gia đình xây dựng và quản lý nhưng hoạt động của bảo tàng có sự chỉ đạo và hỗ trợ nội dung của Tổng cục Chính trị QĐND và tỉnh Thừa Thiên Huế. Bảo tàng nằm trong hệ thống bảo tàng của tỉnh do đó sẽ luôn có mối liên kết, phối hợp để hỗ trợ cho nhau. Khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền - nơi thuở thiếu thời ông đã sinh sống và làm nông, nơi nhen nhóm và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và những bước đầu tiên Đại tướng đến với cách mạng, cũng là một thiết chế không thể tách rời. Ngoài khu di tích này, nhiều địa điểm di tích lịch sử khác như làng Nam Dương (xã Quảng Vinh), làng Phú Lễ (xã Quảng Phú) cũng gắn liền với hoạt động cách mạng và tình yêu lớn của cuộc đời ông. Bảo tàng này sẽ trưng bày và giới thiệu đầy đủ nhất thông tin về cuộc đời của Đại tướng, từ khi ra đời cho đến khi ông rời xa mãi mãi. “Đối với thế hệ trẻ, thậm chí có những người đã không còn trẻ nữa, để biết về lịch sử đất nước qua sách giáo khoa lịch sử là chưa đủ, mà cần phải tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam thời đại cách mạng; và Bảo tàng này sẽ góp một phần tư liệu, thông tin hữu ích, chuẩn xác. Không chỉ là người dân trong nước mà còn nhiều du khách quốc tế cũng muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, nhất là trong giai đoạn thời đại Hồ Chí Minh. Bảo tàng sẽ là tiếng nói đóng góp một khía cạnh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói. 

SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top