Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhiều điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ

Thứ Sáu 10/06/2022 | 22:01 GMT+7

VHO - Quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 điều chỉnh một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, hoàn thiện chính sách về tuyển sinh, bảo đảm khách quan trong công tác tuyển sinh...

Đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển

Đó là thông tin được Bộ GD&ĐT cung cấp về dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 sắp được ban hành.

Theo Quy chế, thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia), tạo điều kiện ứng dụng CNTT, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 hình thức đào tạo chính quy sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có). Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng ĐKXT; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây), thuận lợi cho thí sinh và cho các trường.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (ảnh: Internet)

Tất cả các nguyện vọng ĐKXT (theo các ngành, theo các phương thức, các cơ sở đào tạo) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần) và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (như năm 2021), và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Như vậy, hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.

Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển. Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm; qua đó, tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Quy chế cũng quy định, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập (giảm thủ tục cho các trường THPT), giảm thủ tục hành chính cho các em thí sinh, khi đăng ký hồ sơ xét tuyển vào nhiều CSĐT khác nhau. Các CSĐT có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn.

Các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án.

Từ năm 2023, thí sinh 30 điểm thì không còn đưc đim ưu tiên

Nhiều điểm trong Quy chế sẽ được áp dụng từ năm 2003, cụ thể:

Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng CSĐT dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiếu quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GDĐT ban hành, trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh, để đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung của toàn hệ thống, Quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau). Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều khiện khó khăn hơn. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm, thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và yếu thế.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top