Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để thương hiệu điện ảnh Việt hội nhập, vươn xa

Thứ Sáu 17/06/2022 | 09:15 GMT+7

VHO- Các nhà quản lý, chuyên gia điện ảnh đã chia sẻ với Văn Hóa sự vui mừng ngay sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

 Điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế (trong ảnh: LHP Việt Nam lần thứ XXII)

Xây dựng thương hiệu, đưa điện ảnh Việt hội nhập quốc tế

Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều điểm mới tích cực, qua đó tạo hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam. Chúng ta đã thấy Luật có những Điều, Khoản điều chỉnh điện ảnh như một ngành công nghiệp chứ không chỉ là ngành nghệ thuật hay tuyên truyền.

Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh rõ nét và thiết thực hơn; trong khâu sản xuất phim nhà nước đặt hàng đã tháo gỡ “điểm nghẽn” khó khả thi trước đây là chủ đầu tư phải chọn nhà sản xuất phim theo hình thức “đấu thầu”, còn khâu hợp tác làm phim với nước ngoài thì cởi mở hơn khi quy định duyệt tóm tắt kịch bản và chỉ duyệt chi tiết phần quay ở Việt Nam, đồng thời có nhiều ưu đãi về thuế đối với các đoàn phim nước ngoài. Khâu phổ biến phim cũng linh hoạt và theo xu hướng chung của thế giới với hai hình thức “tiền kiểm” các phim chiếu ở dạng truyền thống và trên truyền hình, còn phim trên nền tảng số thì “hậu kiểm” có điều kiện. Việc phân cấp cấp phép phân loại phim đến các tỉnh, thành cũng giúp cho phim ảnh được lưu thông hơn, đồng thời tăng trách nhiệm của địa phương. Luật cũng quan tâm đến quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh để xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, đưa điện ảnh Việt hội nhập quốc tế chủ động và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, rất mừng là phút chót Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được đưa vào Luật, bởi đây là một trong những cái “neo” giúp điện ảnh cân bằng, bên cạnh dòng chảy thị trường thì các tài năng trẻ, các tìm tòi sáng tạo sẽ có cơ hội được nâng đỡ. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn vì việc thành lập Quỹ đã khó, việc duy trì và phát triển nó còn khó hơn, không chỉ khó bởi ngân sách mà còn vì cách vận hành sao cho có hiệu quả. Hy vọng Luật sẽ mở ra thời kỳ mới cho điện ảnh Việt, quan trọng nhất là tạo cơ chế thu hút được các thành phần và nguồn lực xã hội góp sức làm điện ảnh, đồng thời việc đầu tư, hỗ trợ của nhà nước trong các lĩnh vực điện ảnh cũng sẽ hiệu quả hơn, tạo ra những sản phẩm có giá trị lâu dài và có ích cho xã hội.

(TS NGÔ PHƯƠNG LAN, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam)

Luật có nhiều điểm mới, phù hợp xu hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế

Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm tiến bộ, mới mẻ và phù hợp nhu cầu cũng như xu hướng phát triển ngành điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Trong Luật có những vấn đề hoàn toàn mới như quản lý phim trên không gian mạng với phương thức kết hợp “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó “hậu kiểm” là chính, đồng thời có những quy định về “tiền kiểm” để đảm bảo sự chặt chẽ của việc kiểm soát phim trên không gian mạng. Đây cũng là xu thế tất yếu của hoạt động điện ảnh trong những năm tiếp theo.

Một nội dung mới nữa là quy định về thẩm định, phân loại phim với bước phân cấp rất mạnh về cho địa phương. Theo đó, UBND các tỉnh, thành trong cả nước nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện để đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim thì đều được quyền cấp giấy phép. Như vậy, với quy định này thì việc cấp giấy phép phân loại phim không chỉ còn là công việc của Bộ VHTTDL nữa.

Một nội dung được giới nghề đặc biệt quan tâm là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Dù trong quá trình xây dựng Luật có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng, Quỹ đã được Quốc hội thống nhất giữ trong Luật. Ưu điểm, đặc điểm của Quỹ là nhằm hỗ trợ cho dựán sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia các liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài...

Sau khi Luật Điện ảnh được ban hành, những công việc tiếp theo của Bộ VHTTDL sẽ rất nhiều. Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời xây dựng 6 Thông tư kèm theo.

(Ông VI KIẾN THÀNH, Cục trưởng Cục Điện ảnh)

Những quy định hướng dẫn để thi hành Luật sẽ rất quan trọng

Luật mới gắn liền với những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và sự phát triển của điện ảnh, khi có hiệu lực sẽ là hành lang pháp lý quan trọng và có tính khả thi. Chắc chắn sau khi triển khai, Luật sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù trong quá trình xây dựng Luật đã có nhiều nội dung được thảo luận với các quan niệm, góc độ tiếp cận khác nhau, tuy nhiên khi đã thống nhất và được Quốc hội thông qua thì những quy định trong Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Luật mới ra đời càng cho chúng ta thấy rõ hơn quan niệm điện ảnh là một ngành công nghiệp, chứ không đơn thuần là một ngành nghệ thuật như quan niệm lâu nay.

Quy định thẩm định, phân loại phim phân cấp về các địa phương có thể nói là một điểm mới đầy tiến bộ. Quy định này sẽ giải quyết một thực tế với lượng phim ngày càng nhiều hơn, việc phân cấp sẽ tạo quyền chủ động cho các địa phương. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao tạo ra được mặt bằng chung, tiêu chí chung để không dẫn đến tình trạng cánh cửa này rộng hơn, cửa kia hẹp hơn; nơi này nhận thức A, nơi khác lại nhận thức B đối với cùng một bộ phim. Những quy định hướng dẫn để thực hiện Luật sẽ rất quan trọng. Người thực hiện Luật hiểu và thực thi thế nào cũng quan trọng không kém. Thống nhất chung tiêu chí sẽ tránh tạo ra sự lệch pha cũng như những tranh cãi ồn ã không cần thiết. Vì vậy, Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ VHTTDL và các địa phương phải có sự thống nhất về những tiêu chí chung, cần sự cụ thể hóa rất rõ. Suy đến cùng, muốn thực hiện tốt thì vẫn là vấn đề con người, thực thi pháp luật đồng thời không là rào cản đối với sự phát triển.

Đối với quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất phim trong nước phải cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết nội dung sử dụng bối cảnh, khi triển khai sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với cơ quan quản lý. Tôi tin rằng đa số các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam hợp tác làm phim đều với một thiện ý tốt, tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Cách thức quản lý phải làm sao vừa đảm bảo được tinh thần thông thoáng, vừa đảm bảo các giá trị cốt lõi như lịch sử Việt Nam không bị xuyên tạc, văn hóa Việt Nam không bị hiểu sai lệch, hình ảnh đất nước không bị méo mó... Đó là câu chuyện mà các nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm. Theo tôi, phải có thông tin nhiều chiều về các đoàn làm phim nước ngoài, điều đó rất cần thiết cho quá trình hợp tác làm phim.

(GS.TS TRẦN THANH HIỆP, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện)

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top