Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia

Thứ Sáu 17/06/2022 | 19:29 GMT+7

VHO - Chiều 17.6, tại TP.HCM, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã công bố đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024”.

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chia sẻ về đề án

Nói về sự cần thiết của việc xây dựng đề án, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) cho biết, văn hóa ẩm thực Việt Nam là kho tàng di sản vô giá của Việt Nam, việc khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam dựa vào nông, lâm, ngư nghiệp hiện nay còn đang phát triển riêng lẻ, chưa có sự kết nối, việc đưa văn hóa vào ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia sẽ là chất xúc tác liên kết các chuỗi cung ứng, sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp. Bên cạnh đó, thương hiệu quốc gia về văn hóa ẩm thực gắn với thương hiệu điểm đến về du lịch, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Việc thu thập dữ liệu về văn hóa Việt Nam, tôn vinh bảo tồn văn hóa ẩm thực Việt Nam và phát triển thành thương hiệu quốc gia là cần thiết trong thời điểm hiện nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đề án nhằm mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong ba lĩnh vực chính: Đề cao khoa học dinh dưỡng, phát triển kinh tế ẩm thực và bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực. Đề án hướng đến mục đích nâng cao trình độ dân trí và hiểu biết về văn hóa, lịch sử, khoa học dinh dưỡng cho người dân bằng cách cung cấp nền tảng thông tin thực tế về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn đặc sắc các vùng miền, phát huy những giá trị về dinh dưỡng của các món ẩm thực, phổ biến cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp kinh doanh, và trao truyền lại cho thế hệ sau.

Mâm cỗ miền Trung An Lạc của nhà thơ, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Hồ Đắc Thiếu Anh và nghệ nhân văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Hồ Tiếu Anh, được trưng bày phục vụ quan khách

Ở lĩnh vực kinh tế ẩm thực, đề án nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và tỉnh thành; nhà sản xuất tham gia trong ngành cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, chế biến ẩm thực, phát triển du lịch của địa phương. Tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu trong ngành ẩm thực, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực. 

Từ cơ sở dữ liệu thu thập nghiên cứu được, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ sàng lọc bộ ẩm thực có khả năng đóng gói thành mô hình khởi nghiệp ẩm thực cho các hội viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận mô hình khởi nghiệp. Cùng với đó, đề án nhằm tìm kiếm chất liệu để xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam, Bản đồ Ẩm thực Việt Nam. Cuối cùng, đề án hướng đến tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Đề án mong muốn đưa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia trên bản đồ thế giới, tạo lập hình ảnh ấn tượng, đặc sắc, mang tính văn hóa, góp phần quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực vùng miền để thu hút khách nội địa và quốc tế.

Mâm cỗ Tết Tràng An được giới thiệu tại buổi công bố đề án

Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, Giám đốc điều hành đề án cho biết, Đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024” chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2022: Đề án dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của VCCA đồng thời tham khảo đánh giá của cộng đồng qua các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội. Kết thúc giai đoạn 2022 sẽ là Liên hoan 100 đặc sắc Việt Nam quy tụ các nghệ nhân của 63 tỉnh thành, dự kiến phối hợp tổ chức cùng với Sở Du lịch TP.HCM. 

Giai đoạn 2023: Thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. VCCA sẽ chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của VCCA, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ và các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới. Tận dụng giá trị của đề án để xây dựng Thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ cho công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam. Giai đoạn 2024: Chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ Ẩm Thực Việt Nam, và thiết thực hơn là hướng đến xây dựng Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan nếu được sự quan tâm của các tỉnh, thành và các nhà đầu tư trong tương lai...

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam được thành lập năm 2017, là nơi nghiên cứu, phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam. Thời gian qua, Hiệp hội đã dần khẳng định vai trò với tầm nhìn và sứ mệnh kết nối, phát triển, mong muốn đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top