Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Du lịch xứ Thanh bứt phá ấn tượng

Thứ Hai 20/06/2022 | 10:03 GMT+7

VHO- Từ khi hoạt động du lịch chính thức mở cửa và dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, du lịch xứ Thanh đang trở lại hết sức sôi động. Những điểm du lịch văn hóa tâm linh cho đến các bãi biển nổi tiếng luôn nhộn nhịp du khách tham quan, khám phá…

 Trong 3 tháng vừa qua, lượt khách đến tham quan khu di tích Lam Kinh tăng mạnh

Một trong những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa trong quá trình phục hồi đó là sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Theo đó, phục hồi vào đúng thời điểm mùa du lịch hè cao điểm đã và đang cho thấy sự bứt phá ngoạn mục của du lịch Thanh Hóa, hứa hẹn hoàn thành mục tiêu đón 10 triệu khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18.000 tỉ đồng trong năm 2022.

Bước chạy đà mạnh mẽ

Theo sở VHTTDL Thanh Hóa, trong 3 tháng trở lại đây, các cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động ổn định. Đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch với gần 45.000 phòng; hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch (condotel); 192 homestay (nhà nghỉ cộng đồng). So với năm 2021 thì số lượng cơ sở lưu trú du lịch hiện nay tăng hơn 50 cơ sở với hơn 3.000 phòng.

Ông Lê Đăng Hải, chủ khách sạn Nhân Đức (trên đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn), đánh giá trong 3 tháng vừa qua, lượng khách đã đạt đến 70% so với năm 2019, như trong tháng 6 này gần như các phòng của khách sạn đều đã kín khách, đây là tín hiệu rất phấn khởi sau 2 năm đình trệ vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động ổn định hơn nên nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng cho cán bộ, nhân viên cũng sẽ tăng trở lại... Theo ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Long Hải (TP Thanh Hóa), du lịch xứ Thanh đã có sự chuẩn bị khá tốt cả về công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, cả về chất lượng dịch vụ. Và lượng lớn khách đến với Thanh Hóa ngay sau khi du lịch phục hồi được xem là “bài kiểm tra” năng lực về khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt của du lịch Thanh Hóa. Thực tế, không chỉ các dịp nghỉ lễ mà hiện nay lượng khách đến các khu, điểm du lịch khá đông, các cơ sở dịch vụ được du khách ghi nhận và đánh giá cao. Do đó, khác với những năm trước đây, các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến việc xây dựng các tour du lịch nội tỉnh hoặc liên kết với các đơn vị đưa khách từ tỉnh ngoài về. Đặc biệt, điểm tích cực ở thời điểm hiện nay đó là Thanh Hóa thu hút được một lượng lớn khách du lịch từ các tỉnh phía Nam và các địa phương có liên kết đường bay.

Cũng theo tìm hiểu, ngoài các khách lẻ, khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình đến với các địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, dịp hè này, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, team building của các công ty cho nhân viên, đối tác...) cũng đang trở lại sôi động. Sức bật từ “hiệu ứng lò xo” khiến lượng khách nội địa ở nhiều công ty du lịch lữ hành tăng cao hơn cả thời điểm trước dịch năm 2019. Anh Phạm Văn Hùng (42 tuổi, ở huyện Quảng Xương) người chạy dịch vụ xích lô tại Sầm Sơn, chia sẻ, “tôi mua xe xích lô này được 3 năm thì mất 2 năm dịch bệnh không hoạt động được. Năm nay tôi thấy khởi sắc hơn nhiều, lượng khách đổ về Sầm Sơn ngày một đông, bây giờ ngày bình thường tôi cũng kiếm được 300, 400 nghìn, nhưng ngày cuối tuần và ngày lễ lượng khách rất đông, nhu cầu trải nghiệm bằng xích lô của khách cũng tăng nhiều nên tôi có thể kiếm tiền triệu”.

Tính trong, 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tăng nhiều so với các năm, ước đón 6.820.000 lượt khách, tăng 131,6% so với cùng kỳ (gấp 2,31 lần so với 6 tháng đầu năm 2021); tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỉ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ (gấp 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021). Đây là tín hiệu cho thấy ngành du lịch Thanh Hóa đang trên đà phục hồi và phát triển nhanh, mạnh.

Quyết tâm về đích

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VHTTDL Thanh Hóa) cho biết, trong thời gian qua tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là tại các khu du lịch biển) vấn đề giá cả đã cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm việc việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng tuỳ tiện nâng giá, ép khách. Các khu, điểm du lịch đã thành lập các đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh của du khách do Chi cục Quản lý thị trường chủ trì cùng với lực lượng chức năng các huyện, thị, thành phố.

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra hiện tượng bán không đúng giá niêm yết, số lượng đo lường bị thiếu, khi phát hiện đã xử lý nghiêm, kịp thời. Điển hình như trên địa bàn TP Sầm Sơn trong 6 tháng đầu năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành 389 đã xử phạt 13 vụ về giá cả (12 vụ bán không đúng giá niêm yết và 1vụ bán không đúng số lượng đo lường), với tổng số tiền xử phát 24.850.000 đồng”, bà Nguyệt thông tin thêm. Theo bà Nguyệt, để du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ, ngành du lịch sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh, cùng với đó phát động hàng loạt chương trình kích cầu du lịch như: Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Thanh Hóa gắn với tổ chức liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh; lễ hội carnival đường phố tại Sầm Sơn; liên hoan văn hóa các dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống tỉnh Thanh Hóa… Đặc biệt, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Trung Bộ; các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Nam...

Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, Thanh Hóa đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”; đồng thời đẩy mạnh truyền thông bộ nhận diện thông qua ấn phẩm, vật phẩm phong phú, đa dạng, hữu dụng, như khẩu trang, ô dù, tấp gấp, sách, kẹp tài liệu, phong bì thư, giấy nhớ, túi đựng quà, băng zon, khẩu hiệu, phướn… Ứng dụng nền tảng số. Xây dựng và phát triển hệ thống du lịch thông minh tỉnh Thanh Hóa và nâng cấp các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trên các thiết bị thông minh; website du lịch Thanh Hóa.

Trao đổi với Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho biết, để tiếp đà phục hồi ngành du lịch, điều quan trọng lúc này là phải bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch phục vụ du khách khi đến với xứ Thanh. Và năng lực cạnh tranh đến thời điểm này không phải là giá cả mà là năng lực đón khách đi kèm với chất lượng dịch vụ tốt. Vì thế, Sở đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch...

“Với những nỗ lực không ngừng của tỉnh Thanh Hóa đã và đang khẳng định, thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trở lại sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu đón 10 triệu khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18.000 tỉ đồng trong năm 2022”, bà Yến cho biết thêm.

NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top