Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim về nghề báo:  Hấp dẫn nhưng... khó làm

Thứ Hai 20/06/2022 | 11:19 GMT+7

VHO- Nghề báo với những đặc thù riêng luôn mang đến nhiều câu chuyện hấp dẫn, được coi “địa hạt màu mỡ” với phim ảnh. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng phim làm về nghề báo không nhiều và phim hay lại càng khan hiếm. Phải chăng đây là một lĩnh vực quá khó để tái hiện trên màn ảnh?

 Hình ảnh phóng viên tác nghiệp trong bộ phim “Nguyệt thực”

 Ngày càng ít ỏi

Không thể phủ nhận, với tính chất nghề nghiệp, phim về nghề báo có nhiều tiềm năng để thu hút khán giả, nhưng dường như không dễ làm nên thời gian qua, số lượng phim khai thác chất liệu báo chí tạo được dấu ấn trong lòng công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Được sản xuất cách đây 15 năm, bộ phim truyền hình Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn là “phát súng” mở màn cho mảng đề tài này. Ở thời điểm ra đời, bộ phim đã tạo nên cơn sốt khi mạnh dạn “mổ xẻ” thế giới nghề báo với muôn hình vạn trạng; vai trò của nhà báo trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực; mặt trái, góc khuất khi có người bị thế lực đồng tiền che mắt, người thì vì sự kiêu ngạo của mình mà gây hại cho người khác, người thì thừa nhiệt huyết nhưng vẫn không được tin dùng… Bên cạnh đó, diễn xuất tốt của hai gương mặt là Hoàng Phúc và Hồng Ánh đã góp phần đáng kể vào thành công của phim.

Một phim truyền hình khác cũng gây được chú ý là Đèn vàng của đạo diễn Mai Hồng Phong. Xuất phát từ cuốn tiểu thuyết giàu chất tài liệu của nhà báo Trần Chiến, các chi tiết về tác nghiệp của phóng viên, về môhình hoạt động, các cuộc “bút chiến” trong đấu tranh chống tiêu cực ở một đài phát thanh truyền hình địa phương được môtả rất chân thực, sinh động. Tuy nhiên, Đèn vàng lại bị một điểm trừ là quá nhiều lời thoại, dù dàn diễn viên trẻ sáng giá lúc bấy giờ như Thu Quế, Phạm Cường, LêVy đã có nhiều cố gắng.

Năm 2016, bộ phim Nguyệt thực của đạo diễn Nguyễn Trọng Hải đã chọn đề tài phóng viên viết mảng showbiz với hai quan điểm trái ngược trong tòa soạn. Một theo cách truyền thống là tôn trọng sự thật với các bài phản ánh, điều tra; và cách ngược lại là chạy theo thị hiếu của độc giả, câu view là chính... để mang lại kinh tế cho tòa soạn. Với Nguyệt thực, người xem hiểu hơn về nghề báo với những trăn trở, suy tư trong giai đoạn hiện tại và nhất là những khó khăn khi vừa phải thích ứng với nhu cầu bạn đọc đương đại, vừa phải tính toán, xoay xở với bài toán kinh phí để duy trì, phát triển. Kịch bản nắm sát với nghề bởi lẽ biên kịch Chu Thu Hằng vốn là một nhà báo “lão làng”. Phim làm chỉn chu và câu chuyện có sức thuyết phục, hấp dẫn. Tuy nhiên, dù sở hữu một dàn diễn viên trẻ đình đám nhưng trong Nguyệt thực vẫn chưa có một nhân vật nào nổi lên và tạo được điểm nhấn. Mới đây nhất, bộ phim ngắn Kẻ săn tin của nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng mang đến cho khán giả một góc nhìn mới về nghề báo, dù vậy, phim vẫn còn nhiều chi tiết phi thực tế nên chỉ dừng lại ở mức độ giải trí.

Vẫn là “mảnh đất màu mỡ”

Với đặc thù công việc, nghề báo vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà biên kịch, nhà làm phim khai thác và kỳ vọng tạo nên được những tác phẩm xuất sắc. Nhìn ra thế giới, có những bộ phim về nghề báo đã từng đoạt giải thưởng danh giá như Pulitzer hay Oscar, không chỉ mang đến cho người yêu điện ảnh những tác phẩm xuất sắc mà còn là nguồn tư liệu quý cho sinh viên ngành báo như Nightclawer, Spotlight, All the President’men, The Post... Trong số đó, người xem dễ dàng nhận ra hầu hết đều được xây dựng dựa trên sự kiện có thật gây chấn động dư luận. Qua đó thấy được nghề báo là một mảng đề tài đầy ắp tư liệu, nhiều góc độ để khai thác, dễ chạm đến khán giả, tuy nhiên với Việt Nam thì dòng phim này vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Rõ ràng phải có bột thì mới gột nên hồ, thiếu kịch bản hay chính là nguyên nhân đầu tiên khiến cho mảng phim này bị “đóng băng”. Muốn hiểu tường tận về nghề báo, các nhà biên kịch phải chịu khó đi thực tế để tìm hiểu, để trải nghiệm, để “sống” với nghề. Nhìn chung, các bộ phim đã công chiếu dù rất muốn “tô đậm” nhưng kịch bản chỉ nằm ở mức phảng phất, không đủ độ “chín mùi”, trong khi khán giả ngày một khó tính. Song song với đó là điểm yếu về diễn viên, rõ ràng người diễn cũng phải dành thời gian đi thâm nhập để hiểu về tác phong nhà báo, đời sống nghề báo. Trở về với những bộ phim trước đó, đã có nhân vật vào vai tổng biên tập mà cứ ngỡ nhưdoanh nhân, có người lại mang dáng dấp của “ông trùm”, phóng viên thì chỉ thể hiện qua vẻ bên ngoài như luôn lăm lăm máy ảnh, máy ghi âm hay sổ ghi chép, thậm chí nhiều phim lại làm lố khi nhà báo làm thay cả công tác điều tra phá án của công an…

Cũng không có gì lạ khi một số phim vì sức ép rating mà đạo diễn phải mời các diễn viên đang “hot” mặc dù vai diễn không hề phù hợp. Nghề báo cũng như một số công việc đặc thù khác như công an, luật sư, bác sĩ... đều có yêu cầu về nghiệp vụ riêng, nếu không am hiểu khó có thể viết đúng, viết hay. Chính vì vậy, lâu nay kịch bản phim về đề tài này đa phần đều được viết bởi những người trong nghề hoặc có nhiều trải nghiệm sâu sắc với nghề. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng thiếu vắng các bộ phim khai thác về báo chí trên màn ảnh Việt. 

HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top