Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chuyện CCB 93 tuổi đi ba nước thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và đồng đội

Thứ Hai 20/06/2022 | 11:43 GMT+7

VHO- Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước sinh năm 1930 tại TP Vinh (Nghệ An). Năm 18 tuổi, ông vào bộ đội và ở trong quân ngũ cho đến khi nghỉ hưu năm 1992. Bước chân người lính đã đưa ông đi khắp các chiến trường trên bán đảo Đông Dương, có mặt tại những nơi nóng bỏng nhất và tham gia hàng chục trận đánh trong nhiều chiến dịch quan trọng…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước thăm Khu lưu niệm Bác Hồ tại Udon Thani (Thái Lan)

Ngày 7.5.1954, ông vinh dự có mặt tại Mường Thanh, Điện Biên Phủ trên cương vị Đại đội phó Đại đội 71, chủ công của Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Ngày 30.4.1975, ông có mặt tại Sài Gòn với cương vị Trưởng phòng Tăng Thiết giáp Quân đoàn 1 tiến công vào nội đô từ hướng Bắc... Trong các trận đánh ác liệt ấy, ông đã chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh, bản thân ông cũng vài lần bị thương suýt chết, lại nhiễm chất độc da cam do nhiều năm lăn lộn ở chiến trường. Bởi vậy, từ sau khi nghỉ hưu, ông đã dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa và thắp hương cho các đồng đội của mình. Ngoài ra, ông còn động viên con cháu làm tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và các CCB gặp khó khăn trong cuộc sống. Năm 2019, gia đình ông đã tài trợ cho Lữ đoàn Xe tăng 202 một số tiền khá lớn để xây dựng Nhà Truyền thống nhằm góp phần giáo dục các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này...

Ngọn lửa không bao giờ tắt

Tuy nhiên, tuổi cao sức yếu đã nhiều lần ngăn trở ông thực hiện tâm nguyện của mình. Ông đã phải trải qua ba lần đại phẫu và nhiều lần nằm viện để điều trị vết thương tái phát cùng những căn bệnh hiểm nghèo. Cứ khi nào sức khỏe tương đối ổn định, nguyện vọng đi thăm những nơi mình từng chiến đấu và vái vọng đồng đội lại bùng lên trong ông như ngọn lửa không bao giờ tắt.

Vốn đã từng là chiến sĩ của Lữ đoàn Xe tăng 202, con trai ông - doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến thấu hiểu tâm tư của cha mình và tạo điều kiện tốt nhất để ông thực hiện được tâm nguyện. Tháng 12.2019, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, anh đã cùng các chị em trong nhà tổ chức buổi Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinh trong trận Làng Vây. Đây là trận đánh đầu tiên của xe tăng Việt Nam, cũng là trận đánh mà Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước - Trưởng ban Tác chiến Binh chủng Tăng Thiết giáp trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trận đánh đã thắng lợi giòn giã, mở ra truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam. Nhưng chiến thắng nào mà không phải trả giá, bởi vậy, trong Lễ cầu siêu này, ông đã đón gia đình của một số liệt sĩ cùng nhiều CCB đã trực tiếp chiến đấu tại đây vào tham dự.

Dù đã thăm lại nhiều nơi, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vẫn luôn đau đáu nghĩ về chiến trường Lào. Năm 1953, chàng trai Nghệ An mới 23 tuổi và là Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đặt chân lên đất nước Triệu Voi để tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Cánh quân của ông đánh địch dọc theo Đường số 7 từ biên giới Việt - Lào về đến tận Cánh đồng Chum. Sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ, ông trở lại chiến trường Lào từ cuối năm 1967, khi đưa Tiểu đoàn Xe tăng 198 vào Đường 9 để đánh địch tại Làng Vây. Tiếp đến, năm 1970 ông tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9

 - Nam Lào với cương vị Chủ nhiệm TTG Mặt trận B70. Sau này, khi về công tác tại Học viện Quân sự cấp cao (Học viện Quốc phòng), ông lại có dịp đào tạo giúp bạn nhiều khóa cán bộ cao cấp…

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước thăm Đài tưởng niệm tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào (Xiêng Khoảng, Lào)

Lên đường!

Thấu hiểu với nỗi lòng của cha, năm 2020, khi sức khỏe ông khá lên một chút, anh Nguyễn Kháng Chiến đã lên kế hoạch đưa ông sang thăm Lào và trở lại Cánh đồng Chum. Song lúc này đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, nhìn vẻ mặt thất vọng của cha, anh Chiến thầm nhủ, khi có cơ hội phải thực hiện ngay chuyến đi. Dịp may đã đến, tháng 5.2022, đại dịch Covid-19 tạm lui, nước ta đã trở lại trạng thái bình thường mới và bạn cũng đã mở cửa trở lại, anh Chiến đưa cha đi kiểm tra sức khỏe tổng thể tại bệnh viện để yên tâm hơn và quyết tâm thực hiện ý định của mình.

Tuy nhiên, trở ngại vẫn chưa hết và lần này đến từ chính người trong nhà: Các chị em gái của Nguyễn Kháng Chiến không đồng ý để anh đưa cha đi xa như vậy. Thực ra, lo lắng của họ cũng hoàn toàn hợp lý, một cụ già đã 93 tuổi, trong người mang nhiều căn bệnh mãn tính, phải di chuyển bằng xe lăn mà đi ra nước ngoài, đến những nơi rừng sâu núi thẳm thì thật sự đáng ngại. Mặc dù là người rất quyết đoán, song nghe lý lẽ của các chị, anh Chiến cũng có đôi chút phân vân. Nhưng thấy cha mình quả quyết “đi được!” thì anh đã tự tin để lên đường.

Ngày 2.6.2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước xuất hành thăm lại chiến trường xưa. Tháp tùng ông ngoài con trai còn một cháu ngoại và hai sĩ quan nguyên là cấp dưới của ông cùng mấy người bạn thân của doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến. Chuyến bay Hà Nội - Viêng Chăn đã trôi qua khá nhẹ nhàng. Sau một ngày thăm thú các danh lam thắng cảnh ở Viêng Chăn, chiều ngày thứ hai đoàn lên đường tới Phonxavan, thủ phủ tỉnh Xiêng Khoảng - nơi có Cánh đồng Chum nổi tiếng. Từ Viêng Chăn đến đây nếu đi đường bộ là khoảng 430 km. Quãng đường quá dài lại đèo dốc khó đi hết sức bất lợi với người cao tuổi nên đoàn chọn phương án đi bằng máy bay. Đường bay này chỉ có máy bay ATR-72, dù thời gian chỉ khoảng 30 phút nhưng xóc và nhiều cú hẫng hụt nên người CCB già tỏ ra khá mệt mỏi.

Cánh đồng Chum nằm cách thị xã Phonxavan chừng gần chục cây số. Từ khi được công nhận là Di sản thế giới, nơi đây được quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi thấy người CCB già ngồi xe lăn lặn lội tìm về thăm nơi mình đã từng chiến đấu, BQL đã ưu tiên đặc cách cho xe chạy vào sát vùng lõi của Di sản. Với sự hỗ trợ của con cháu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã lên đến tận đỉnh điểm cao nhất của Cánh đồng Chum. Gió hây hẩy thổi tung mớ tóc bạc trắng của người lính già, bên cạnh chiếc chum đá khổng lồ cao hơn 2 mét, ông trở nên minh mẫn lạ thường. Chỉ tay về dãy núi xanh mờ phía Đông, ông rành rọt: “Kia chắc là dãy Trường Sơn. Tháng 4 năm 1953, Sư đoàn 304 đã vượt qua đó để sang giúp bạn. Từ đó đến đây là gần 300 km. Chúng tôi vừa đi vừa đánh địch từ Noọng Hét, Bản Ban, Khang Khay... Mà trang bị lúc ấy hết sức thiếu thốn: Bộ đội không có giày dép, Đường 7 lởm chởm đá phải lấy vỏ cây bọc vào chân mà đi; thiếu nước phải chặt cây chuối nhai cho đỡ khát; thiếu gạo phải ăn củ, quả, lá rừng... Trong khi đó, trên trời thì máy bay đánh phá, dưới đất thì địch phục kích, ngăn chặn... Gian khổ, ác liệt như vậy song không ai nản chí, chỉ biết tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ”.

Rời Cánh đồng Chum, đoàn đến thắp hương tại Đài kỷ niệm tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào cách đó không xa. Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước bùi ngùi: “Để giúp bạn, đã có rất nhiều quân tình nguyện của chúng ta hy sinh. Song hôm nay, đến được nơi đây, thấy đất nước bạn có rất nhiều đổi mới, cuộc sống bình an, đời sống nhân dân no đủ... tôi nghĩ sự hy sinh đó không hề uổng phí và đã được đền đáp xứng đáng!”.

Trở lại Viêng Chăn, khi biết ở Udon Thani trên đất Thái có Khu lưu niệm Bác Hồ mà khoảng cách đến đó chỉ khoảng 70 km, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước yêu cầu con trai cho mình đến đó để thắp hương tưởng nhớ Bác. Thủ tục xuất nhập cảnh ở Cửa khẩu Noọng Khai - Viêng Chăn khá phức tạp, song khi thấy một cụ già tóc bạc phơ, họ đã ưu tiên để ông ngồi trên ô tô. Vì mất khá nhiều thì giờ ở cửa khẩu nên mãi gần trưa đoàn mới đến Khu lưu niệm. Thắp hương kính lễ Bác xong, cả đoàn được nghe ông Thành - người quản lý Khu lưu niệm kể về hoạt động cách mạng của Bác và quá trình xây dựng nơi đây trở thành điểm sáng về tình hữu nghị Việt - Thái. Khi được hỏi về cảm tưởng của mình khi đến nơi đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước nghẹn ngào: “Bác Hồ của chúng ta thật là vĩ đại. Cả cuộc đời của Bác không có mục đích nào hơn là độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Bác là một tấm gương lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam…”.

93 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng và 42 năm tuổi quân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước vẫn miệt mài cùng các con “đền ơn, đáp nghĩa”. Có lẽ, những công việc ý nghĩa ấy đã mang đến cho ông tuổi thọ, sức khỏe và thật nhiều niềm vui! 

Để giúp nước bạn Lào, đã có rất nhiều quân tình nguyện của chúng ta hy sinh. Song hôm nay, đến được nơi đây, thấy đất nước bạn đã có rất nhiều đổi mới, cuộc sống bình an, đời sống nhân dân no đủ... tôi nghĩ sự hy sinh đó không hề uổng phí và đã được đền đáp xứng đáng!

(Thiếu tướng NGUYỄN VĂN PHƯỚC)

 NGUYỄN KHẮC NGUYỆT

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top