Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Không gian sáng tạo cho giới trẻ Hà Nội: Những “phòng khách” chật hẹp trong thành phố

Thứ Hai 27/06/2022 | 10:23 GMT+7

VHO- Phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các công viên, vườn hoa, quảng trường… luôn trong tình trạng chật kín người vào cuối tuần; nhiều cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, khu vực ven sông Hồng, vỉa hè, góc phố… cũng trở thành nơi vui chơi, giải trí. Có thể thấy, giới trẻ Hà Nội đang thực sự thiếu không gian để tiếp xúc, giao lưu cũng như không gian văn hóa, sáng tạo.

Các bạn trẻ chơi nhạc tại Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm Ảnh: ITN

 Thiếu “khoảng thở” cần thiết

Theo Henri Lefebvre, thành phố là một “tuyệt tác tập thể”. Và trong tuyệt tác tập thể ấy thì không gian công cộng được ví như một “phòng khách” với những quảng trường, công viên, khu tượng đài, phố đi bộ, vỉa hè, đại siêu thị, làng trong phố, khu tập thể, khu đô thị mới... Đấy là những nơi không chỉ để thở mà còn là tài sản văn hóa của người dân.

Bên cạnh đó, giữa khung cảnh của thời đại công nghệ, con người, đặc biệt là giới trẻ cần phải sử dụng thời gian rảnh của mình bằng cách tham gia các hoạt động ngoài trời. Sự giao lưu văn hóa xã hội sẽ chống lại giao lưu ảo, cũng như tiếp xúc với thiên nhiên sẽ chống lại sự “giam cầm” cảm xúc trong bốn bức tường.

Tại tọa đàm “Không gian công cộng cho giới trẻ tại Hà Nội” diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Quang Minh (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết, để tìm hiểu về không gian công cộng khu vực nội đô và ven đô cho giới trẻ, dự án Tryspaces đã được thực hiện, nghiên cứu về trải nghiệm tại không gian này ở lứa tuổi từ 16 - 30. Ngoài Hà Nội, dự án được thực hiện ở 3 thành phố lớn khác trên thế giới là Montreal (Canada), Paris (Pháp) và Mexico (Mexico) từ năm 2017-2023 để có cái nhìn so sánh.

Tại Hà Nội, dự án tập trung phân tích và phân loại không gian công cộng ở 5 phường: Chương Dương, Mỹ Đình, Trương Định, Thụy Phương và Sài Đồng. 94 địa điểm được lựa chọn và khảo sát, quan sát theo nhóm tuổi, sự hiện diện của thanh niên, các hoạt động, hiện trạng của không gian, quyền sở hữu, phí thanh toán… Dự án cũng đã lập bản đồ và hồ sơ các không gian công cộng được thanh niên sử dụng nhiều nhất, mô tả lại thông qua nhiếp ảnh và ký họa.

Kết quả nghiên cứu dự án cho thấy, không gian công cộng đóng một vai trò quan trọng, là nơi những người trẻ thể hiện bản thân, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao và sáng tạo... Tuy nhiên, ở Hà Nội, các không gian như vậy đang thiếu về số lượng và xuống cấp về chất lượng; thanh niên nhập cư hầu như không tham gia; không có nhiều không gian cho người trẻ thể hiện sáng tạo, kỹ năng. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự cần thiết để tạo điều kiện cho các không gian công cộng nhỏ (không chính thức, cũng như chính thức) trong khu vực lân cận tại các khu dân cư. Thời gian tới, cần có chương trình phục hồi không gian công cộng để đáp ứng nhu cầu của thanh niên cũng như có thêm các không gian cho các hoạt động sáng tạo…

Tạo thêm sắc màu cho cuộc sống người trẻ

Trên thực tế, cơ quan quản lý quy hoạch của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng những không gian công cộng xanh và chất lượng, bao gồm các công viên, vườn hoa, sân chơi… Từ đầu năm 2000, các nhà hoạch định quan tâm nhiều hơn khi thực hành quy hoạch tổng thể đã dành một phần ngân sách để cải tạo không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời hiện có và xây dựng thêm những không gian mới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cư dân đô thị, đặc biệt là những người trẻ không có nhiều địa điểm để vui chơi ngoài trời để cải thiện sức khỏe, kỹ năng giao tiếp và tăng sự năng động. Tình trạng thiếu vắng không gian công cộng, không gian xanh trong thành phố khiến đời sống cư dân bị bó hẹp trong những căn hộ bức bối. Họ sử dụng rất nhiều thời gian để lên mạng xã hội, đến những tiệm café hay chơi game…

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có thêm một số địa điểm công cộng nhưng hầu hết đều ở xa trung tâm, như công viên Hòa Bình, công viên Yên Sở... nên ít người có thể tiếp cận. Ở khu vực nội thành, địa điểm công cộng được xây mới trong khoảng 10 năm gần đây hầu như không có. KTS Đinh Đăng Hải, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng: Diện tích công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố của Hà Nội bình quân đạt 2,2m2/người, khu vực trung tâm chỉ đạt 1,7m2/người. Với quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu 3,02m2/người cần dành quỹ đất để mở rộng, và điều này dường như rất khó khăn để có thể thực hiện.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, bên cạnh việc xây dựng những công viên mới thì bảo vệ những công viên đang hoạt động cũng là một việc quan trọng, đặc biệt là những công viên nhỏ bên trong khu dân cư, nơi thường bị trưng dụng làm bãi đỗ xe, quán nước, hàng ăn... Thời gian qua, một số khu đất như vậy đã được cải tạo thành sân chơi cho trẻ em. Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho rằng, thành phố có những không gian bị bỏ trống như nhà máy cũ, khu đất dọc sông Hồng... cần có giải pháp huy động nguồn lực biến những nơi này thành không gian công cộng.

Hà Nội hiện đang đi đầu trong việc phát triển đô thị sáng tạo. Giới kiến trúc sư rất quan tâm đến câu chuyện cải tạo những không gian cũ như công xưởng, xí nghiệp không còn hoạt động… để biến nó thành các không gian nghệ thuật, triển lãm, trình diễn, giao lưu văn hóa, sáng tạo. Điều đó góp phần làm cho cuộc sống của người trẻ thay đổi và trở nên nhiều sắc màu, nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cư dân đô thị.

 TRUNG NGHĨA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top