Chàng trai 9X “thổi hồn” Việt vào những chiếc đèn giấy 3D

VHO- Tự mày mò, nghiên cứu, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Duy (Hà Nội) đã kết hợp nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản, rối bóng Trung Quốc và đèn kéo quân Việt Nam để tạo ra loại đèn 3D độc đáo. Trong mỗi hộp đèn giấy, Duy luôn cố gắng đưa những câu chuyện về văn hóa Việt Nam vào để kể cho người xem.

Chàng trai 9X “thổi hồn” Việt vào những chiếc đèn giấy 3D - Anh 1

 Họa tiết trên đèn giấy 3D là những đặc trưng văn hóa - nghệ thuật truyền thống Việt Nam

 Áo nhật bình thời Nguyễn, Áo dài, Rối nước… tất cả đều được thể hiện theo cách đầy ấn tượng qua sản phẩm thủ công của chàng trai trẻ.

“Đánh liều” vì nghệ thuật

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh nội thất gỗ ở Thủ đô, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Duy Duy quyết định hỗ trợ gia đình hoạt động kinh doanh. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nhận ra khả năng sáng tạo của mình có thể vượt qua nghề mộc, cộng thêm chút năng khiếu về vẽ, Duy trăn trở phải làm gì để thỏa đam mê hội họa.

Năm 2015, Duy theo học ngành Thiết kế đồ họa của Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội. Cũng chính từ đây, sự nghiệp của Duy đã bước sang trang mới. Đến giờ, Duy vẫn bất ngờ vì không nghĩ mình có thể làm ra được sản phẩm độc đáo đến thế. “Cơ duyên đưa tôi đến với làm đèn giấy 3D là từ quá trình đi tìm ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp. Biết đến nghệ thuật cắt giấy Kirigami của Nhật Bản, tôi thấy nếu chỉ sử dụng bộ môn nghệ thuật này cho tác phẩm của mình sẽ không đạt hiệu ứng như mong muốn. Do đó, tôi tiếp tục suy nghĩ, tìm hiểu thêm về việc kết hợp các bộ môn, loại hình nghệ thuật sáng tạo của nhiều quốc gia”, Duy chia sẻ.

“Làm nghệ thuật cần có tư duy táo bạo”, từ suy nghĩ ấy, chàng trai sinh năm 1996 đã quyết định bắt tay vào làm đèn giấy 3D thay vì 2D như những chiếc đèn thông thường. Toàn bộ các chi tiết liên quan đến khắc, trạm trổ họa tiết đều được anh ứng dụng từ nghệ thuật cắt giấy Kirigami; việc phối sáng, xuyên sáng hay hiệu ứng xa gần, anh mượn từ đèn kéo quân Việt Nam và nghệ thuật Rối bóng Trung Quốc. Duy giải thích: “Nếu chỉ làm những chiếc đèn 2D, tôi sợ khi nhìn vào, người xem không thể hiểu hết câu chuyện mà mình muốn kể. Hiểu về văn hóa, phải hiểu sâu, hiểu kỹ chứ không thể hời hợt. Vì vậy, tôi tính toán để những chi tiết bên trong chiếc đèn của mình, cùng nghệ thuật ánh sáng thể hiện sinh động nhất những thông điệp ý nghĩa về văn hóa dân tộc. Nếu người xem không hiểu, không có cảm xúc thì đó là tác phẩm thất bại”.

Để làm ra một chiếc đèn giấy nghệ thuật, Duy phải thực hiện ít nhất 5 công đoạn, từ lên ý tưởng, vẽ phác thảo, tách lớp (nhằm chia bản thảo thiết kế thành nhiều lớp xa - gần, sáng - tối). Sau đó là cắt giấy, tính toán khoảng cách rồi cố định các lớp. Mất nhiều thời gian, Duy mới đến được công đoạn chia màu đèn LED, hoàn thiện và kiểm tra chất lượng đèn. Nhiều tác phẩm, Duy cùng những người bạn làm mất vài tháng, có khi cả năm trời mới hoàn thành.

Quyết tâm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Không chỉ độc đáo về cách thức thể hiện, nội dung trong đèn giấy cũng được Duy hết sức chú trọng. Thông thường, đèn của Duy chứa đựng những “mảnh ký ức”, nét đẹp văn hóa mà cha ông ta để lại, sự giao thoa văn hóa giữa các thế hệ… Vì tính chất phức tạp, để ưng ý, không ít lần Duy phải “đập đi, xây lại”. Thế nhưng, anh chàng vẫn không nản lòng: “Nhiều lúc tôi phải làm liên tục 12 tiếng mỗi ngày. Làm chuẩn xác từng chi tiết trong cả nghìn chi tiết của đèn nên thị lực bị giảm sút. Nhưng khi tác phẩm hoàn thiện, tôi thấy công sức bỏ ra xứng đáng vì nhiều người kể lại, khi nhìn vào đèn, họ hiểu hơn về văn hóa Việt mà không cần cầm điện thoại lên tìm kiếm thông tin”.

Không làm từng chiếc đèn riêng lẻ, Duy quyết định làm chuỗi tác phẩm để tạo nên nhiều bộ sưu tập lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa Việt Nam. Một trong những công trình Duy tâm huyết nhất là bộ sưu tập Việt Nam, đất nước, con người với 17 hộp đèn, chuyển tải những nét đẹp của dải đất hình chữ S đặc tả qua tà Áo dài, áo Tứ thân, Nhã nhạc cung đình Huế… Nói thêm về bộ sưu tập này, Duy cho hay: “Ý tưởng đến khi tôi nghe ca khúc Nhớ về Hà Nội. Với tôi, tái hiện khung cảnh, văn hóa Việt Nam vừa là niềm vui, vừa là niềm tự hào lớn. Mong muốn kết nối văn hóa các địa phương, tôi quyết định không chỉ gói gọn bộ sưu tập trong các tác phẩm về Hà Nội mà còn mở rộng ra khắp mọi miền Tổ quốc như Huế, Hội An…”.

Chia sẻ thêm những dự định trong tương lai, Duy cho biết anh cùng một số người bạn sẽ tiếp tục phát triển các dự án độc đáo khác như Những ngày thơ ấu, Các trò chơi dân gian… Đặc biệt, bày tỏ với Văn hóa, Nguyễn Duy hy vọng không chỉ anh mà những bạn trẻ khác hãy có trách nhiệm hơn với văn hóa dân tộc: “Với sức trẻ, sự sáng tạo, tôi mong chúng ta, bằng nhiều cách khác nhau hãy cố gắng lưu giữ, lan toả những giá trị văn hóa của quốc gia. Chúng ta hãy thể hiện sự tự hào vì được sinh ra ở một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa”. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc