Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài

Thứ Bảy 20/08/2022 | 20:35 GMT+7

VHO- Cuộc tháo chạy của hơn 40 người Việt Nam bơi qua sông từ một casino ở Campuchia lại dấy lên vấn đề lo ngại về những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tuyển dụng việc làm bất hợp pháp tại nước ngoài. Hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra vụ việc.

Dấu hiệu mua bán người

Trước đó, ngày 18.8, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện và bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những người này đều khai báo với cơ quan chức năng là đã xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia. Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino Rich World, do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, nên nhóm người này bàn bạc, tìm cách vượt biên trái phép về Việt Nam.

40 người lao động trốn thoát từ casino ở Campuchia

Ngoài 40 người đã trốn thoát thành công, còn có 1 nạn nhân đã tử vong trên đường trốn chạy và 11 người vẫn kẹt lại ở Campuchia. Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang: Tổng cục di trú Campuchia đã nắm được thông tin và hứa sẽ hỗ trợ để trao trả 11 người còn mắc kẹt cho Việt Nam. Đồng thời, vụ việc sẽ được bàn giao cho công an tỉnh thụ lý, điều tra do nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm mua bán người.

Liên quan đến vụ việc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân. Đồng thời đề nghị phía Campuchia kiểm tra cơ sở này, điều tra nguyên nhân…

Trước tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Người phát ngôn cho biết, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng Campuchia tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn và cứu thoát, đưa hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.

Nhiều phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Tại một cuộc họp thông tin về tình trạng mua bán người ở Việt Nam gần đây, đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook); cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài…

Phiên toà xét xử 12 bị cáo trong đường dây mua bán trẻ em, làm giả con dấu, tháng 5.2022

Đáng chú ý, các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do nước ngoài điều hành. Các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh suy thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính. Một thủ đoạn tinh vi khác được các đối tượng áp dụng đó là lập hội, nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi; dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển, nhiều trường hợp bị cưỡng bức lao động…

 Cũng trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và Bội đội Biên phòng đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người (theo Điều 150 và Điều 151 Bộ Luật Hình sự); trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ, tạm đình chỉ điều tra 1 vụ. Số nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 66 nạn nhân (gồm: 26 nam, 40 nữ; dưới 16 tuổi là 6 nạn nhân, trên 16 tuổi là 60 nạn nhân). Điển hình, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an xác lập, đấu tranh Chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 6 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân. Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá 2 vụ mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 7 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân, trong đó có 1 cháu bé sơ sinh 3 ngày tuổi. Công an Đồng Nai bắt 4 đối tượng lừa bán 4 nạn nhân sang Campuchia. Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã xác lập, đấu tranh 4 chuyên án về tội phạm mua bán người; khởi tố 3 vụ/7 đối tượng, giải cứu 8 nạn nhân…

Gần đây nhất vào cuối tháng 6 đầu tháng 7.2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu, nhanh chòng đưa về nước an toàn 7 công dân bị mua bán sang Campuchia nhằm mục đích cưỡng bức lao động, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng người Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức - một vấn đề đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của con người…

Triển khai nhiều biện pháp hiệu quả

Kết quả đáng ghi nhận nêu trên là từ nỗ lực phòng chống mua bán người tại Việt Nam bởi đây được coi là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ lâu.

Hội nghị tập huấn phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân tại tuyến đầu biên giới vào tháng 7.2022 tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VI TOẢN

Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2.2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật được ban hành kịp thời, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, ban, ngành đoàn thể từ Trung ương tới địa phương.

Cụ thể, ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24.6.2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân của hành vi mua, bán người đã được điều chỉnh theo hướng tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BCA ngày 22.4.2021 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi. Ngoài ra còn nhiều chương trình hành động, văn bản pháp luật quy định về đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; thỏa thuận hợp tác về di cư hợp pháp…

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành cũng được duy trì, củng cố dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP); Bộ Công an đã thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 18.7 vừa qua, các Bộ LĐ,TB&XH, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây không những là một hành động thiết thực hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30.7 mà còn là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người…

Trong những tháng cuối năm 2022, các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ ; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người; triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1.7 – 30.9.2022; triển khai hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; trọng tâm là Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Koong mở rộng về phòng, chống mua bán người… Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về phòng, chống mua bán người. Hiện nay Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là một nỗ lực nhằm ngưn chặn nguy cơ mua bán người thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép – dù hai loại hình tội phạm này là khác nhau.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top