Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chuyện về sư cô cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thứ Hai 22/08/2022 | 11:42 GMT+7

VHO- Với tấm lòng từ bi, nhiều năm qua sư cô Thích Đàm Ngoan, trụ trì chùa Hồi Long, Giám đốc Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã và đang cưu mang nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa về nuôi dưỡng và cho ăn học…

 Những đứa bé bị người thân bỏ rơi trong vòng tay yêu thương của sư cô Đàm Ngoan  

 Chúng tôi vừa đến thăm chùa Hồi Long, ngôi chùa nhỏ nằm nép mình giữa vùng quê thanh bình, bốn bề cây xanh tỏa bóng, nơi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa của trẻ. Hơn ba năm qua, Trung tâm từ thiện chùa Hồi Long đã thành ngôi nhà chung của những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi. “Cà rốt ơi, Su ơi, Sâu ơi… sư phụ nè”, chỉ cần nghe tiếng gọi quen thuộc, những đứa trẻ ùa vào lòng sư cô Đàm Ngoan rồi đứa ôm, đứa bá cổ.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nữ sinh Nguyễn Thị Tâm từng theo học các Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Y dược Hà Nội, song vì nhiều lý do nên Tâm bén duyên con đường tu hành, lấy pháp danh Thích Đàm Ngoan. Tốt nghiệp Học viện Phật giáo, năm 2008, sư cô Thích Đàm Ngoan về trụ trì chùa Hồi Long và nhận trọng trách phục dựng lại ngôi chùa có lịch sử hàng ngàn năm tuổi nhưng đã bị xuống cấp bởi thời gian. Sư cô Thích Đàm Ngoan cho biết, để có được cơ sở nuôi dạy cùng lúc nhiều trẻ như hôm nay, những ngày đầu, “tôi cùng ni sư, đồ đệ, phật tử, nhà hảo tâm phát dọn cây cỏ, dựng nhà, khoảng 2 năm mới xong. Với tâm niệm chùa không những là nơi du khách đến dâng hương, thăm quan vãn cảnh mà còn là nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh”.

Thời điểm chưa thành lập trung tâm, sư cô cưu mang hơn 10 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Cho đến tháng 8.2019, Trung tâm ra đời sư cô mới đón những đứa trẻ này về. Gần ba năm nay, cứ ít ngày lại có một đứa trẻ bị bỏ lại trước cổng chùa. Hơn mười năm về trụ trì đã có 30 đứa trẻ mồ côi, bất hạnh được sư cô cưu mang. Cho đến nay đã có 9 trẻ được gia đình đón về nuôi. Giờ đây, mái ấm tình thương của sư cô Đàm Ngoan còn 18 trẻ, bé nhất 3 tháng tuổi, lớn nhất cũng 15. Ngoài ra, sư cô còn nhận hỗ trợ nuôi dưỡng, chu cấp kinh phí việc học cho 30 trẻ mô côi bên ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang ở với ông bà, người thân. Gần đây nhất có một trẻ sơ sinh đã bị bỏ lại trước cổng chùa. Tiếng khóc thất thanh đánh thức sư cô và các bảo mẫu. Từ lâu, việc một đứa trẻ khóc trong đêm ngoài cổng chùa đã trở thành hiển nhiên. Thầy lại bế vào chùa cho mặc quần áo rồi chăm bẵm, cưu mang…

Khi hỏi về những đứa trẻ từng được trung tâm nhận nuôi dạy, sư cô Thích Đàm Ngoan cười: “Giờ phải mở sổ ra mới rõ, nhưng có một vài trường hợp, tôi không thể nào quên”. Sư cô kể, đầu tháng 6.2019, vào đêm mưa rất to, một bé (sau này đặt tên là Cà Chua) bị bỏ rơi ngay cổng chùa khi chỉ mới được hơn 2 tháng tuổi. Nhận bé về chùa hôm trước, hôm sau nhà chùa mang con lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám sức khỏe. Các thầy thuốc của bệnh viện kết luận con bị tim bẩm sinh. Còn một bé (tên là Sâu), bị bỏ rơi ở chùa Đại Bi, TP Thanh Hóa. Khi nhận Sâu về, con chỉ nặng 1,4 kg, rất yếu. Hơn 20 ngày nằm ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, con chỉ tăng được 400g. Khi Sâu uống được sữa là đưa về chùa nuôi đến nay. Giờ cô bé rất hiếu động.... Sư cô Đàm Ngoan cũng chia sẻ, có trường hợp, nhà chùa nhận các con đang còn rất nhỏ, nhưng sau vài năm nuôi dưỡng, khôn lớn thì có người đến nhận. Thế là nhà chùa lại cùng gia đình đưa con đi xác định ADN. Qua xét nghiệm, nếu đúng huyết thống, tôi mới bàn giao cho gia đình”. Cũng có không ít trường hợp đến nhận con, khi sư cô Thích Đàm Ngoan nói đến việc xác định ADN thì họ hẹn dịp khác quay lại...

Hiện tại có 5 cháu dưới 2 tuổi nhà chùa đều phải thuê người chăm sóc. Một số cháu bị bệnh Down thì việc theo dõi sức khỏe, diễn biến bệnh tật luôn được sư cô Thích Đàm Ngoan quan tâm hằng ngày. “Những ngày đầu, khó khăn lớn nhất là mọi người trong trung tâm đều chưa ai biết nuôi con nhỏ. Vì vậy, tôi phải tự học cách chăm sóc, nuôi dạy các con, từ cách tắm rửa, pha sữa đến nấu cho các con ăn... Tất cả phải tự mày mò, vừa học trên mạng, vừa rút kinh nghiệm thực tế để nuôi dạy các con ngày một tốt hơn...”, sư cô Đàm Ngoan chia sẻ. Ngoài các bé, sư cô Đàm Ngoan hiện nuôi 13 cháu đang theo học ở các bậc học ở các trường trên địa bàn Hoàng Hóa.

Để có kinh phí chăm sóc, nuôi dạy các con, sư cô Đàm Ngoan bắt tay nghiên cứu làm hương, làm tinh dầu sả, nấm, mộc nhĩ. Ban đầu thầy thuê người về hướng dẫn, rồi sau tự mày mò tìm cách làm mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, xưởng của thầy đang sản xuất 3 loại hương và bán rất chạy trên thị trường: Hương trầm thuốc bắc, hương sả và hương bài. Cùng với đó, việc nuôi trồng các loại nấm, mộc nhĩ sạch đã giúp trung tâm có nguồn thu từ 100 đến 300 triệu đồng mỗi năm, tuy nhiên phải phụ thuộc vào thời tiết thì mới có thể đạt được doanh thu như thế. “Việc lo ăn uống, trả lương cho bảo mẫu, nấu ăn, bảo vệ đang làm việc tại trung tâm, tiền học cho các con mỗi tháng hết trên dưới 150 triệu đồng, đó là chưa tính đến kinh phí trang trải việc chăm nuôi, thuốc men cho hơn chục đứa trẻ... Nếu có quyết tâm, mọi việc chắc chắn sẽ ổn thỏa. Mình không sợ khổ, nhìn thấy các con khôn lớn trưởng thành, đó là động lực để vượt qua, là hạnh phúc lớn nhất để mình quên đi khó nhọc hằng ngày...”, sư cô Đàm Ngoan cho biết.

Ông Cao Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thanh ghi nhận những đóng góp của sư cô Thích Đàm Ngoan trong công việc thiện nguyện, giúp đời. Chính quyền xã Hoàng Thanh trong nhiều năm qua cũng quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho Trung tâm duy trì hoạt động việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bị bỏ rơi tại chùa. Cụ thể, UBND xã Hoàng Thanh thường xuyên chỉ đạo cho cán bộ tư pháp, hộ tịch, công an xã hỗ trợ pháp lý để làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho trẻ được nhận nuôi tại trung tâm. Với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội như: Nhiều năm tích cực đóng góp xây dựng trường học, tặng quà cho trẻ em; tổ chức khám bệnh cho bà con nghèo cho các bản vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa với kinh phí hàng chục tỉ đồng, sư cô Thích Đàm Ngoan đã được Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH tặng bằng khen “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”. 

 NGUYỄN LINH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top