Có xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh?

VHO- Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn vừa chủ trì cuộc họp để nghe Sở VHTTDL tỉnh báo cáo việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Di tích Sa Huỳnh nằm trên địa bàn thị xã Đức Phổ có 5 điểm di tích trải rộng trên diện tích khoảng 480ha, gồm: Đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, quần thể di tích Champa ở xóm Cỏ, tiếp nối phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh.

Có xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh? - Anh 1

 Đầm An Khê được xem là “trái tim” của di tích Văn hóa Sa Huỳnh

Trong đó đầm An Khê được xem là “trái tim” của di tích văn hóa Sa Huỳnh. Đây là nơi phát hiện đầu tiên văn hóa Sa Huỳnh với quần thể di tích từ sơ kỳ đồng thau tiền Sa Huỳnh phát triển lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Mộ táng của giai đoạn sớm, muộn là bằng chứng khoa học xác thực về việc khẳng định tính bản địa, nội sinh của văn hóa Sa Huỳnh. Từ năm 1909 đến nay, văn hóa Sa Huỳnh đã có hơn 100 năm phát hiện và nghiên cứu, đã có 4 lần hội thảo khoa học về văn hóa Sa Huỳnh. Theo Sở VHTTDL Quảng Ngãi, di tích văn hóa Sa Huỳnh xứng đáng cần xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Cùng với Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường di sản Văn hóa Sa Huỳnh” ở miền Trung. Di tích sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch với không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, đồng muối Sa Huỳnh…

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu UBND thị xã Đức Phổ, Sở VHTTDL và các Sở, ngành liên quan có ý kiến cụ thể bằng văn bản về việc quy hoạch, xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích văn hóa Sa Huỳnh. Nếu đồng ý xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt thì phải nêu rõ định hướng phát triển cho khu vực khoanh vùng này. Trong đó, Sở VHTTDL chủ trì xây dựng đề án cụ thể về phát triển du lịch để phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Sở Công thương rà soát, báo cáo việc triển khai thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự án điện mặt trời trên đầm An Khê; phải có nhận định rõ về khả năng thực hiện, thời gian thực hiện và lợi ích mang lại của dự án. Sở NN&PTNT báo cáo cụ thể về số hộ dân đang sinh sống và có nguồn thu nhập phụ thuộc vào đầm An Khê… Việc cho ý kiến và báo cáo của các sở, ngành phải hoàn thành trước ngày 10.9 để tổng hợp, trình UBND tỉnh.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc