Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Tạm dừng đầu tư dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM: “Nhen nhóm hy vọng rồi lại… vụt tắt!”

Thứ Sáu 02/09/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- TP.HCM vừa quyết định tạm dừng thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM (HBSO) ở Thủ Thiêm do cần ưu tiên cho an sinh xã hội và phục hồi các ngành nghề kinh tế sau đại dịch, vì thế dự án chưa được bố trí vốn và khó có thể hoàn thành vào năm 2024 như kế hoạch.

Một chương trình nghệ thuật của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM

Trong báo cáo gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, Sở KH&ĐT TP cho biết, qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó 2 dự án sẽ dừng đầu tư là Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.

Ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội

Về lý do tạm dừng triển khai dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM, đại diện BQL dự án các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, xét về nhu cầu hoàn thiện các thiết chế văn hóa thì cần có nhà hát, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay cần ưu tiên hơn cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển sau đại dịch Covid-19.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách TP là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án là Ban dân dụng công nghiệp TP.HCM đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2024. Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm một khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ, kết nối với Phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cây cầu bắc qua sông Sài Gòn. Ngoài Nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: Quảng trường trung tâm; Trung tâm hội nghị triển lãm; Trung tâm triển lãm quy hoạch; Bảo tàng…

Thời điểm dự án được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng công trình này chưa cần thiết trong bối cảnh TP còn nhiều vấn đề cần phải quyết hơn như ngập nước, kẹt xe... Tuy nhiên, UBND TP.HCM đánh giá việc xây Nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế là “thật sự cần thiết và cấp bách”, vì hơn 40 năm qua, thành phố chưa đầu tư được thiết chế cơ sở văn hóa. Đây sẽ là công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc và nghệ thuật của thành phố trong tương lai… Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát.

Trước thông tin dự án xây dựng HBSO phải tạm ngưng, chia sẻ với Văn Hóa, TS Âm nhạc Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM cho biết: “Thay mặt anh chị em, tập thể nghệ sĩ của HBSO, chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn của chính quyền của người dân TP sau khi trải qua giai đoạn Covid-19 đầy đau thương, mất mát. Đúng là chúng ta có rất nhiều khó khăn và chắc chắn các đồng chí lãnh đạo phải xem xét, cân đối đầu tư vì khả năng ngân sách hạn hẹp, khiêm tốn nên phải tính xem cái nào cần trước, cái nào cần sau để bố trí cho phù hợp. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi muốn nói thêm về những khó khăn của HBSO. Thật ra khó khăn đó không phải câu chuyện của hiện tại, mà đó là khó khăn của suốt 30 năm nay, từ những viên gạch đầu tiên của các thế hệ nghệ sĩ đi trước cho đến bây giờ. Trải qua nhiều lớp nghệ sĩ và lớp nghệ sĩ nào cũng đau đáu làm sao có thể lo được cho vận mệnh của Nhà hát. HBSO đã khắc khoải rất nhiều năm…!”.

 Chưa có “cơ ngơi” riêng, hiện văn phòng làm việc của HBSO vẫn phải tiếp tục đặt dưới gầm cầu thang của Nhà hát Thành phố

“Nếu đầu tư cho Nhà hát thì chúng ta cũng sẽ thu lại lợi nhuận ngay sau đó”

TS Lê Ha My bày tỏ: “Từ góc độ nghệ sĩ, chúng tôi thấy buồn, vì hy vọng cứ được nhen nhóm lại rồi lại vụt tắt rất nhiều lần. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ thêm, là giáo dục, y tế và hạ tầng xã hội… lĩnh vực nào cũng rất quan trọng, cần được quan tâm và Chính phủ luôn có những quyết định đúng đắn. Thực tế thì chúng ta cũng đã xây dựng được nhiều bệnh viện, trường học và các thiết chế dành cho lĩnh vực khác, tôi không dám nói là đầy đủ nhưng đã có sự quan tâm đúng mức của Chính phủ. Còn với thiết chế văn hóa, thì chúng ta thử nghĩ xem trong hơn một thế kỷ qua, tạm tính từ năm 1900, thực tế chỉ có 3 nơi biểu diễn đẳng cấp quốc gia nằm ở 3 đầu đất nước là các Nhà hát Opera ở Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng,… Còn lại các thiết chế văn hóa khác đều đã lạc hậu và xuống cấp. Nếu như chúng ta có Nhà hát ở Thủ Thiêm, đầu tiên, nó không chỉ dành cho âm nhạc bác học nghệ thuật hàn lâm, mà còn dành cho rất nhiều hoạt động văn hóa, thậm chí chính trị, chắc chắn là như vậy. Đây cũng là thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn dành cho các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước về TP.HCM biểu diễn…”.

Theo Giám đốc HBSO, thời gian qua có không ít chương trình nghệ thuật quy mô và chất lượng của thế giới đã nhận lời khi chúng ta mời họ, nhưng khi đánh giá tiêu chí cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa đáp ứng cho vở diễn thì hầu hết các đoàn phải từ chối, đó là điều thật sự đáng tiếc…

Bàn về câu chuyện này, một chuyên gia cho rằng, ở góc độ văn hóa, việc giữ gìn, phát huy và nâng tầm bản sắc văn hóa - nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam là vô cùng quan trọng. “Hình ảnh, uy tín của một quốc gia, điều đầu tiên người ta sẽ nói đó là văn hóa. Một quốc gia có thể giàu hoặc chưa giàu, phát triển hoặc đang phát triển, nhưng phải luôn tự hào về văn hóa. Chúng ta đôi khi không đặt đúng nghĩa giá trị dân trí, giá trị thẩm mỹ về đời sống tâm hồn. Còn nhìn ở góc độ tài chính, nếu như có được Nhà hát Thủ Thiêm và các quần thể xung quanh đó và biến thành điểm du lịch hấp dẫn, thì chi phí để đầu tư cho Nhà hát sẽ rất xứng đáng. Chúng ta sẽ thu được nhiều lợi ích, lợi nhuận ngay sau đó và đây còn là công trình để lại cho các thế hệ mai sau”, chuyên gia này nhấn mạnh.

TS Lê Ha My tâm tư, trước tình hình chưa có “cơ ngơi”, văn phòng làm việc của HBSO vẫn phải tiếp tục đặt… dưới gầm cầu thang của Nhà hát Thành phố, địa điểm này cũng đồng thời là trụ sở của Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh, do vậy, HBSO chỉ được mượn phần nhỏ bên cạnh. Thứ hai, Rạp hát Thanh Vân (tọa lạc trên đường Cách mạng Tháng tám, quận 3) cũng không phải của Nhà hát mà của đơn vị khác trực thuộc Sở VHTT TP.HCM quản lý. Đó là nơi duy nhất để cả 3 đoàn (Dàn nhạc, Nhạc kịch và Vũ kịch) của Nhà hát tập luyện theo khung giờ, vì rạp rất nhỏ. “Ngoài ra, Nhà hát còn cần rất nhiều kho chứa nhạc cụ, đạo cụ, cảnh trí và chúng tôi đang phải gửi nhờ mỗi nơi một chút, dẫn đến những khó khăn và tốn kém phát sinh vì phải di chuyển đồ đạc đi lại, mà điều kiện bảo quản cũng không được tốt…”, Giám đốc HBSO bày tỏ. 

 “Chúng tôi vẫn sẽ đeo đuổi dự án đầu tư Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM”

Để phục vụ cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là những chương trình mang yếu tố quốc tế, các sự kiện văn hóa - chính trị lớn của đất nước, thì chúng ta còn đang thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất cũng như các công trình quy mô. Chúng ta đang rất nỗ lực, trong điều kiện hiện có, cố gắng phục vụ ở mức độ đáp ứng được. Để có hoạt động mang tính tầm vóc và chất lượng cao, thì cần phải có sự đầu tư thiết chế mạnh mẽ, nhất là các công trình nhà hát, các dự án ứng dụng yếu tố công nghệ hiện đại, phục vụ cho hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.

Trong thời gian tới, do khó khăn về ngân sách sau đại dịch Covid-19, TP.HCM sẽ chậm hơn trong các dự án đầu tư để tập trung chăm lo cho lĩnh vực dân sinh. Công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM cũng sẽ phải chậm lại, tuy nhiên, Sở VHTT TP.HCM vẫn sẽ đeo đuổi dự án này. Bản vẽ công trình đã hoàn thiện về mặt không gian bên trong và bên ngoài, kể cả không gian biểu diễn công cộng phục vụ miễn phí cho khán giả đều được bố trí rất đẹp, sang trọng, hiện đại như các nhà hát trên thế giới.

Phía Sở VHTT TP vẫn sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng, thúc đẩy các dự án, trong đó có công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM, ngoài ra còn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng TP.HCM, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ… Bên cạnh đó, chúng ta còn phải tôn tạo, tu bổ nhiều bảo tàng, di tích lịch sử khác để kết hợp hoạt động biểu diễn tương tác.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa, Sở VHTT đã chủ động xây dựng những mô hình biểu diễn công cộng hoặc tương tác với các thiết chế có sẵn, đồng thời triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trên không gian mạng…

(Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM NGUYỄN THỊ THANH THÚY)

 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top