Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chuyện bình dân học vụ ở Cù Lao Ré

Thứ Hai 05/09/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- Cụ Dương Quỳnh nhấp hớp nước trà rồi hồi tưởng lại quãng thời gian gần một thế kỷ trước ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). Năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư thăm hỏi nhân dịp cụ tròn 100 tuổi. Gặp cụ khi đã bước sang tuổi 102, tôi nhủ thầm, có thể tặng thêm cho cụ một danh hiệu nữa, đó là “người cao tuổi nhất và minh mẫn nhất”.

 Cụ Dương Quỳnh nhớ lại thời diệt giặc dốt ở Cù Lao Ré Ảnh: VĂN CHƯƠNG

 Hơn 80 năm về trước, con đường vượt biển ra Cù Lao Ré khá cách trở, nên cuộc sống của cư dân nơi đây vẫn mang đậm nét của một xã hội phong kiến. Giới quan lại trên đảo thời đó là Hương bộ lo việc hôn thú; Hương kiểm lo việc tuần phòng (như lính biên phòng bây giờ); Hương mục gánh vác vấn đề giao thông; Hương dịch lo việc đời sống, tế tự, lễ lộc… Viên quan được Chính phủ trung ương cử ra đảo để giám sát các hoạt động là quan Bang tá. Các quan mặc áo dài đen, đầu chít khăn, đeo 1 thẻ bài nhỏ toòng teng trước ngực; nét mặt cùng với chiếc roi dương vật bò phơi khô dứ dứ trên tay quan là điểm đáng sợ nhất với dân đen.

Kiệu quan

Khoảng tháng 3 năm 1939, các quan lại trên đảo thông báo cho toàn dân nắm được một việc hệ trọng, đó là viên Quan hai của Pháp ở Tòa sứ trong tỉnh sẽ ra thăm Cù Lao Ré. Ngay sau thông báo đó, những tên tội phạm cổ đeo gông, quỳ gối ở sân đình được các quan mau chóng tổ chức xét xử để có thành tích bẩm báo quan Tây.

Sản phẩm của “ngành công nghiệp” ở Cù Lao Ré là những tấm lưới đan bằng vỏ cây gai để “xuất khẩu” vào đất liền bán cho các làng chài được bày biện ra cho có hình thức. Các vị Hương mục, Hương dịch lo chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị khâu lễ nghi cho trịnh trọng. Nhưng trên đảo thời đó không có xe ngựa, cũng chẳng có xe kéo bánh sắt để chở quan, việc đi lại từ đầu tới cuối đảo chỉ có cuốc bộ, ngoại trừ các quan Bang tá thì được cáng bằng chiếc võng.

Tại bến Mù Cu, các quan sai người dân dùng các loại cây, cỏ để kết thành phù môn, cổng chào; dọc tuyến đường đi rợp bóng cây thì cắm cờ ngũ sắc. Sáng sớm, quan Pháp và quan Tuần phủ Quảng Ngãi đã ra tới đảo. Ông Dương Chánh Thuyết, vị quan to nhất ở Cù Lao Ré ra bến cúi gập người để chờ đón, nhưng mấy chiếc ca nô cứ quần lượn bên cạnh chiếc tàu thủy một lúc lâu mới chở đoàn quan khách lên đảo.

Để lễ nghi đón tiếp được long trọng, các quan đã cho người tìm kiếm được một chiếc ghế gỗ to, sau đó gắn chiếc ghế vào 4 cây tre để 4 ngư dân lực lưỡng khiêng quan vào đảo. Viên quan Pháp dáng người to lớn, mặc quần sọt trắng, đội mũ rộng vành để tránh nắng. Vừa định ngồi lên chiếc ghế gỗ thì có lẽ viên quan này nhận ra thân hình quá khổ của mình mà thượng lên vai đám dân đen kia thì chắc chắn sẽ… dập mông, thế là ngài lưỡng lự và sau đó xua tay quyết định đi bộ. Những người dân đứng xem dọc đường truyền tai nhau việc quan lớn sợ bị ngã dập mông và cười hả hê.

 Những hình ảnh hiếm hoi thời đi học bình dân học vụ ở các tỉnh miền Tây Ảnh tư liệu

Nằm học, bò viết

“Bình dân học vụ ta mở rành rành,

Nam giới, nữ giới đua tranh nạn mù.

Để mà thằng Pháp nó nói mình ngu,

Thân hào, phụ nữ kẻ xu người tiền”.

Đó là bài vè được đọc khắp các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Diệt giặc dốt”. Cù Lao Ré đã vắng tiếng ốc u, tiếng tù và vào những đêm khuya vì người dân đổ xô đi phong trào bình dân học vụ. Nhiều dinh thờ ở đảo được trưng dụng làm nơi dạy học... Cuộc chiến diệt giặc dốt ở đây kéo dài tới tận năm 1961 mới xem như hoàn thành bước đầu.

Cách đây gần 15 năm, khi được phỏng vấn, cụ Dương Quỳnh và nhiều cụ già kể lại rằng, “người dân thậm chí bò ra sân đình để viết chữ, hoặc nằm xuống đất và giữ chặt thanh tre được vót nhọn thành ngòi bút chấm nước mùng tơi để viết lên trang giấy đen. Thỉnh thoảng có những học sinh tới lớp muộn, người đứng lớp hỏi “tại sao đi muộn?” thì được trả lời là “quần đầu gánh, áo đầu khiêng”.

Có lẽ ngày nay không ai hiểu được ý nghĩa của cụm từ này. Đầu đuôi là do ngày ấy mỗi người dân chỉ có duy nhất một bộ quần áo mặc trên người. Quần áo vá chằng vá đụp, nhiều nhất là mông, đầu gối và bả vai, do hằng ngày họ phải khiêng, gánh, mang vác nặng. Vì chỉ có một bộ, nên khi giặt xong thì phải treo ngay ra nắng cho khô để có cái mặc tiếp. Nếu đến giờ học mà quần áo còn ướt thì phải móc vào một khúc cây, gánh trên vai để vừa đi vừa hong gió biển cho mau khô mới có quần áo mặc vào lớp.

Bà Võ Thị Ấu, ông Bùi Thuần, Dương Quỳnh… là những người có công đứng lớp dạy bình dân học vụ cho người dân trên đảo sau năm 1945. Các thầy cô khó khăn nhất là khi dạy học trò ghép những vần khó như: uýnh, oang, oắc, uất. Học trò là những người tận cùng nghèo khổ, cả đời sống cảnh lam lũ, cơ hàn, vì vậy khi học chữ thì họ phải méo miệng nhiều lần thì mới có thể đọc và nhớ được những từ khó đánh vần.

Ở Quảng Ngãi, trong 2 năm 1951 và 1952, nạn đói lan tràn khắp nơi do châu chấu phá lúa, cùng với nạn hạn hán gây thiếu nước. Học sinh học bình dân học vụ trong đất liền phải lo đi kiếm ăn để tồn tại qua ngày, còn ở đảo dù cách trở nhưng dễ kiếm được nguồn lương thực từ thiên nhiên như hái đọt dừa, đọt cây đùng đình để ăn xen bữa, nếu cạn gạo ra thì biển vớt rong ăn tạm. Trong lúc đói kém, rong biển mọc quanh đảo là nguồn lương thực vô giá đã cứu người dân thoát khỏi nạn đói cho đến ngày thuyền bầu chở gạo về đảo.

Đảo Lý Sơn là một vùng quê có nếp sống phong kiến ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Chữ Nho thời đó vẫn là ngôn ngữ phổ biến, vì vậy việc tổ chức cho người dân chuyển sang học chữ Quốc ngữ và rời bỏ hẳn chữ Nho không phải là điều mà ai cũng đồng ý ngay. Đã có những cụ già thời đó lớn tiếng cho rằng: “Chữ Nho là chữ của ông bà để lại, là chữ của Thánh hiền; còn chữ Quốc ngữ là thứ không nên học”. 

LÊ VĂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top