Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

VHO - Sáng ngày 7.9 tại Nhà Quốc hội đã khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Diễn ra trong hai ngày 8-9.9, Hội nghị tập trung cho ý kiến về 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị.

6 dự án luật và 1 nghị quyết được thảo luận và cho ý kiến tại Hội nghị, gồm: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - Anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-18.8.2022 để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị này để các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đăng ký tham gia hội nghị, cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian của kỳ họp.

Về các dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tán thành cao về sự cần thiết ban hành và nhất trí với nhiều nội dung chính của các dự thảo luật. Sau Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện dự thảo Luật. Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đã cơ bản thống nhất hầu hết các nội dung các vấn đề quan trọng, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu, định hướng lớn đối với từng dự án luật. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - Anh 2

Toàn cảnh Hội nghị

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá Dự án luật này có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - “tế bào” của xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề, cụ thể: Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Đây là điểm nhấn của lần sửa đổi này; mới được bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, mang tính chất tự quản tại cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và do cộng đồng quyết định.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc