Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khu vực phía Bắc: Nâng cao nhận thức,thay đổi hành vi

Thứ Sáu 16/09/2022 | 10:50 GMT+7

VHO- Thẳng thắn, đầy trách nhiệm, các đại biểu tại Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khu vực phía Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và cơ quan liên quan tổ chức ngày 14.9 tại Vĩnh Phúc vừa qua đã góp ý trực tiếp vào các nội dung của Dự thảo để việc thực thi Luật toàn diện, khả thi và có hiệu quả...

Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY

 Biện pháp mới cần tính toán lợi ích, cách thức thực hiện

Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một đề xuất mới của dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến góp ý. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 33, Dự thảo quy định, các công việc phục vụ cộng đồng bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Nhiều đại biểu cho đây là biện pháp có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Để thực hiện biện pháp này, Khoản 4, Điều 33 dự thảo Luật quy định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo đề nghị của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình và theo nhu cầu của cộng đồng; thời gian thực hiện mỗi lần không quá 20 giờ và không quá 4 giờ/ngày.

Nhất trí với những đề xuất trên, nhất là nhìn ở góc độ có thêm một biện pháp xử lý hành vi bạo lực gia đình, tuy nhiên đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, quy định như Dự thảo đã hành chính hoá lao động tự quản, bởi Chủ tịch UBND cấp xã phải ban hành một quyết định thực hiện công việc cộng đồng. Chính vì thế, dự thảo Luật nên điều chỉnh theo hướng quy định trong hương ước, quy ước cộng đồng. Nếu giữ như hiện nay thì lại tồn tại song song hai cơ chế vừa tự quản - vừa hành chính. “Biện pháp này đánh vào thái độ nhận thức của người gây bạo lực, rất có tác dụng khi người Việt Nam có đặc tính sống trong môi trường cộng đồng cao. Ở khía cạnh lối sống thì đây như là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở. Tuy nhiên, quy định như thế nào để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như cam kết quốc tế thì cần phải bàn thêm”, bà Liên đánh giá.

Toàn cảnh Hội nghị

Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an

Đề xuất góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý. Băn khoăn lớn nhất là quy định tại Khoản 5, Điều 32: “UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình cố ý vắng mặt thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến…”. Vậy cơ chế nào để công an xã đưa người có hành vi bạo lực đến địa điểm tổ chức góp ý, phê bình? Trong trường hợp người đó chống đối, không hợp tác (thông thường là như vậy) thì biện pháp tiếp theo là gì? Căn cứ pháp luật nào để áp dụng các biện pháp tiếp theo? Nếu không quy định rõ rất khó áp dụng. Từ thực tiễn cho thấy, nên coi việc không đến địa điểm tổ chức góp ý, phê bình là “tình tiết tăng nặng” khi xử lý các hành vi bạo lực gia đình, chứ không nên có sự tham gia của đại diện công an. Vì như thế vừa tạo áp lực công việc cho lực lượng công an cơ sở, vừa lại gây thêm tâm lý không hợp tác, thậm chí phản tác dụng đối với việc xử lý bạo lực.

Cũng là quy định liên quan đến thẩm quyền của công an cấp cơ sở, tại Khoản 1, Điều 24 dự thảo Luật quy định: “Khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu đến trụ sở”. Góp ý vào đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, biện pháp thì rất tốt, nhưng cần quy định, hướng dẫn chặt chẽ để tránh lạm dụng.

Trao đổi tại Hội nghị, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara nhấn mạnh: “Không có một luật khuôn mẫu nào cho phòng, chống bạo lực gia đình. Trách nhiệm là của chúng ta và chúng ta cần phải có một dự thảo cuối cùng được chỉnh lý theo những ý kiến góp ý từ các hội nghị tham vấn, làm cho nó trở thành văn bản có hiệu quả. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể xóa bỏ bạo lực gia đình ở Việt Nam - điều quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030”. Trong những năm qua, UNFPA đã hợp tác chặt chẽ với Bộ VHTTDL trong quá trình sửa đổi Luật, đưa các khuyến nghị từ những nghiên cứu trước đây vào bản Luật dự thảo, đảm bảo tuân thủ các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ: “Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và tại Hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Chúng tôi đều nhận thấy xây dựng dự án Luật khá phức tạp, nhạy cảm và rất khó để thiết kế thành những quy định chi tiết. Những quy định đó đòi hỏi đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phải mang tính tương thích với các điều ước quốc tế. Chính vì vậy, chúng tôi rất trân trọng sự góp ý của các đại biểu và mong tiếp tục nhận được thêm ý kiến đóng góp để Dự án Luật được chỉnh sửa, mang tính thực thi cao”. 

 

 Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, Luật hướng đến nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Khi mọi thành viên trong gia đình, rộng hơn là cộng đồng xã hội đều ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình, thì đó sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm hành vi bạo lực gia đình…

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 ĐÀO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top