Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Góp ký ức riêng vào lịch sử chung

Thứ Tư 21/09/2022 | 10:54 GMT+7

VHO- Ký ức sinh động và chân thực của các cá nhân, gia đình hay những hành trình của một dòng họ sẽ góp phần làm nên lịch sử chung của xã hội, cộng đồng. Cùng với tài liệu lưu trữ, các câu chuyện được kể và lưu truyền sẽ giúp ký ức ấy không chỉ nằm lại trong quá khứ mà tiếp tục sống mãi với thời gian.

 Bản thảo ca khúc “Tiến quân ca”, bản viết tay tổng phổ “Quốc ca Việt Nam” hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

 Gìn giữ và phát huy giá trị khối tư liệu quý

Tại Hội thảo Ký ức của bạn - Lịch sử của chúng ta do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, bên cạnh sứ mệnh thực hiện công tác bảo quản, lưu giữ tư liệu, nhiều năm qua, Trung tâm đã giữ gìn và phát huy giá trị khối tư liệu quý của các dòng họ, gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Đến thời điểm hiện tại, đã có tài liệu của 160 cá nhân, dòng họ được sưu tầm, bảo quản.

Đặc biệt, Trung tâm đã sưu tầm tài liệu của trên 80 cá nhân nhận được giải thưởng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật và Khoa học công nghệ, trong đó có khoảng 50 cá nhân được Giải thưởng Nhà nước và 32 cá nhân được Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Các tài liệu được trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III rất phong phú, gồm cả tài liệu giấy, tài liệu nghe nhìn, tài liệu điện tử. Trong đó, nhóm tài liệu về nghiên cứu, sáng tác, trao đổi của cá nhân liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu chiếm khối lượng nhiều nhất. Nội dung tài liệu rất đa dạng, phản ánh hoạt động nghiên cứu, sáng tác của các cá nhân tiêu biểu, có giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử và các nhu cầu khác của đời sống xã hội.

Đáng chú ý là các file ảnh tài liệu về lịch sử văn hóa Việt Nam từ những năm 1935-2010, các xuất bản phẩm nổi tiếng như An Nam trí lược, Đại Việt thông sử… của ông Nguyễn Hồng Trân (Thừa Thiên Huế) đã sưu tầm được trong quá trình giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp Huế từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập tài liệu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản với hơn 2.000 tấm phim - ảnh được thực hiện từ năm 1938-1974, ghi lại hình ảnh về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, cũng như một số hình ảnh chân thực về tội ác của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam… Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân đã trao tặng nhiều bộ ảnh quý giá về Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đặc biệt là khối ảnh về hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Nhạc sĩ Doãn Nho trao gửi toàn bộ bản thảo các tác phẩm, tài liệu, tư liệu trong cuộc đời sáng tác như: Tháng Tám lịch sử, Chiến thắng, Tiến bước dưới quân kỳ, Chiếc khăn Piêu, Năm anh em trên một chiếc xe tăng...

Đặc biệt, khối tài liệu hàng nghìn mẫu trong đó có bản gốc các phác thảo Quốc huy, mẫu huân - huy chương, mẫu tem thư, mẫu biểu trưng… được gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước trao tặng cho Trung tâm vào năm 2003. Trong đó, bộ mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam được đơn vị lập hồ sơ gửi tới các cơ quan chức năng và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia...

Lan tỏa tài liệu, ký ức gắn với lịch sử dân tộc

Tại Hội thảo, đặc biệt ấn tượng với công chúng là câu chuyện về sự ra đời của tác phẩm Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Họa sĩ Văn Thao, con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ, bài hát ra đời vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Nhạc sĩ Văn Cao trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và đã viết những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca. Sau đó, ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực…

Ra đời trong hoàn cảnh đó nên trong lời bài hát có những câu mà sau này mọi người có thể đánh giá là quá dữ dội như: Thề phanh thây uống máu quân thù mà sau này được đổi thành Đường vinh quang xây xác quân thù. Tháng 11.1944, bản chép tay bài Tiến quân ca đã được in trong trang Văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập. Đến ngày 2.9.1945, trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục nghìn người đã hát vang bài hát này. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca của Việt Nam.

Sau này, chính nhạc sĩ Văn Cao đã gửi những tư liệu liên quan tới việc sáng tác Quốc ca tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong đó có những tài liệu có cả bút phê duyệt của Bác Hồ. Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Năm 1959, nhạc sĩ Văn Cao đã sửa lại lời bài hát như hiện nay. Và chỉ khi nhạc sĩ mang gửi tặng các tư liệu thì gia đình mới biết trong đó có cả bút phê của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lựa chọn từ ngữ cho Quốc ca. Ngày 15.7.2016, thể theo nguyện vọng của cha tôi lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức được hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản - báu vật chung của dân tộc”...

Còn rất nhiều tài liệu cũng như câu chuyện riêng gắn với những chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, nếu chỉ gìn giữ ở trong các gia đình thì điều kiện bảo quản sẽ có hạn chế và các câu chuyện liên quan có thể bị lãng quên. Bởi vậy, khi được trao tặng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III có sứ mệnh kéo dài tuổi thọ của tài liệu, truyền lại cho hàng trăm năm sau.

“Chúng tôi rất may mắn khi được trao tặng các khối tài liệu này. Đó không chỉ là di sản mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi thế hệ gìn giữ lại cho thế hệ sau, mà đã trở thành di sản của quốc gia, để gìn giữ và phát huy giá trị tài liệu tốt hơn. Đặc biệt, những tài liệu có giá trị thì càng phải được vinh danh, phải được công nhận là Bảo vật quốc gia, di sản UNESCO; cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, quá trình cống hiến, những thành quả lao động, sản xuất trong nhiều lĩnh vực của các cá nhân, gia đình cần phải được xã hội biết đến”, bà Trần Việt Hoa chia sẻ. 

 TRUNG NGHĨA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top