Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ

VHO- Từ lâu nay, các cơ quan, đơn vị chuyên môn ngành văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian cho lớp trẻ thông qua trường học, đây là môi trường quan trọng để đào tạo, truyền dạy niềm đam mê, hiểu biết với nghệ thuật truyền thống.

“Giữ lửa” nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ

Trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng đã đưa nghệ thuật Bài Chòi giới thiệu lồng ghép trong các giờ hoạt động ngoại khóa tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tiến gần hơn tới lộ trình đưa nghệ thuật dân gian đến với lớp trẻ, hàng năm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng luôn tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát Bài Chòi cho hàng trăm giáo viên âm nhạc đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, tổ chức các hội thi hô hát Bài Chòi cho nhiều lứa tuổi.

Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ - Anh 1

Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh  Đà Nẵng tổ chức Bài Chòi phục vụ khán giả yêu nghệ thuật

Ông Ngô Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng cho biết: “Liên tiếp 2 năm 2019, 2020 trung tâm tổ chức Liên hoan Chúng em hát dân ca và Hô hát Bài chòi cho học sinh các trường học. Năm 2022 và những năm tiếp theo đơn vị cũng đã có kế hoạch tổ chức lại. Trước mắt là tập huấn cho đội ngũ giáo viên các trường học, đặc biệt là các Trường THPT, tiến đến xây dựng các câu lạc bộ (CLB) Bài Chòi trong các trường học. Trường nào có nhu cầu thành lập CLB, đủ điều kiện về số lượng học sinh tham gia thì sẽ được các nghệ sĩ, CLB Bài Chòi hỗ trợ tập huấn, giảng dạy. Cụ thể là sau đợt tập huấn này, Sở GDĐT các quận, huyện sẽ chọn trường, đăng ký xây dựng CLB điển hình ở mỗi vùng miền. Ngoài ra Trung tâm Văn hóa điện ảnh vẫn duy trì hoạt động của các CLB bài chòi, có kế hoạch tổ chức liên hoan bài chòi tiếp nối các năm trước để góp phần giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị nghệ thuật Bài Chòi đến thế hệ trẻ”.

Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ - Anh 2

Tổ chức lớp tập huấn Bài Chòi cho các giáo viên dạy Âm nhạc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Nhằm trao truyền nghệ thuật truyền thống đến lớp khán giả trẻ, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) tích cực xây dựng các chương trình, trích đoạn hấp dẫn về lịch sử, các anh hùng dân tộc gắn liền với tên tuổi các trường học để công diễn, khéo léo chọn trích đoạn phù hợp với từng trường, gắn với đề tài lịch sử dân tộc như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo... Nhận được giá trị của việc đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh, đến nay các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động mời Nhà hát Tuồng tới diễn nhiều hơn. 

Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ - Anh 3

Giới trẻ Đà Nẵng chơi hô hát Bài Chòi tại ven sông Hàn

Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) chia sẻ: “Thời gian này mới vào năm học nên các hoạt động nghệ thuật chưa triển khai trong trường học, dành thời gian cho các em học văn hóa. Các trường học trên địa bàn thành phố rất hưởng ứng và nhiệt tình với hoạt động này, thường mời các nghệ sĩ nhà hát Tuồng đến biểu diễn. Đưa Tuồng vào học đường là “cuộc chiến” mưa dầm thấm lâu, là chiến dịch nuôi dưỡng tình yêu với Tuồng. Tuồng vào học đường, với lớp trẻ nhỏ bậc tiểu học thì để tạo sân chơi mới cho các em tò mò khám phá cách diễn, cách hóa trang, giới thiệu nghệ thuật truyền thống cho các em biết, đối với lứa tuổi THTP đã am hiểu thì vừa có tác dụng nhen nhóm tình yêu nghệ thuật, qua đó còn tìm nhân tố mới cho Tuồng.

Tập trung đào tạo lực lượng kế cận trong trường học

Là địa phương có truyền thống trong việc lưu giữ, phát huy các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, nhiều năm qua, phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường của huyện Hòa Vang được liên tục duy trì và  phát triển. Từ năm 2012  huyện tổ  chức thành công Liên hoan Em hát dân ca lần  thứ nhất  huyện Hòa Vang. Từ đó đến nay phong trào được duy trì tổ chức hai năm 1 lần.

Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ - Anh 4

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thường xuyên đón khán giả học sinh  

Năm 2021, UBND huyện Hòa Vang đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Bài Chòi trên địa bàn huyện đến năm 2025, Đề án nhằm  giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt hướng đến đối tượng trao truyền là thế hệ trẻ trong các trường học. Trong đó nêu rõ: “Việc đào tạo lực lượng kế  cận bằng  cách dạy cho học sinh phổ  thông là giải pháp khoa học và phù hợp với điều kiện của huyện”. 

Phòng Văn hóa  và  Thông tin huyện đã xây dựng Đề  án Thành lập và tổ chức hoạt động của câu lạc bộ dân ca Bài Chòi huyện Hoà Vang với mục đích bảo tồn, phục  hồi  nét văn hoá truyền thống. Sự  ra đời của CLB giúp những người yêu thích các làn điệu dân ca,  bài chòi  có điều kiện trau dồi, phát huy  khả  năng ca hát,  phổ  biến rộng khắp nghệ thuật bài chòi với công chúng ở nhiều nơi.

Đà Nẵng: Nỗ lực trao truyền các loại hình nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ - Anh 5

Đưa nghệ thuật Tuồng vào biểu diễn trong các trường học

Cũng trong năm 2021, huyện Hòa Vang tổ chức lớp bồi dưỡng hô hát dân ca cho giáo viên các trường  mầm non,  tiểu học và  trung học cơ sở  trên địa bàn, trên cơ sở  có nguồn nhân lực  tiến hành thành lập các câu lạc bộ dân ca của trường tiểu học và trung học trên địa bàn huyện. Nhiều lớp học dân ca, Bài Chòi miễn phí được mở ra với sự giảng dạy của các nghệ nhân, người hát bài chòi, đơn cử tại trường THCS Trần Quang Khải (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã thành lập CLB Dân ca với khoảng 40 học sinh tham gia tạo phong trào văn hóa tích cực, lan tỏa.

Huyện Hòa Vang cũng tiếp tục phát huy hiệu quả  chương trình Đưa dân ca vào trường học trong khuôn khổ xây dựng  Trường học thân thiện học sinh tích cực do  Phòng Văn hoá và Thông tin huyện triển khai. Những hoạt động sôi nổi đó đã tạo nên phong trào văn hoá văn nghệ đa dạng, phong phú ở tất cả các trường, giúp  các em học sinh kế  thừa những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. 

Năm 2022, Liên hoan văn nghệ Em yêu làn điệu dân ca thành phố Đà Nẵng năm học 2021 - 2022 do Thành Đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức đã có sức hút đối với các em thiếu nhi. Hơn 100 video clip dự thi đến từ các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố với những làn điệu dân ca quen thuộc với người dân miền Trung như: hò ba lý, lý thiên thai, hô hát bài chòi, hò giã vôi…chứng tỏ sự quan tâm không nhỏ của các em học sinh đối với nghệ thuật dân gian. Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo mong muốn: “Qua cuộc thi sẽ truyền tải những điệu hát, câu hò đến với các em thanh thiếu nhi, để các em được nghe, được biết, được cảm nhận cái hay, cái đẹp trong những làn điệu quê hương. Từ đó bồi đắp lòng tự hào, giáo dục truyền thống văn hoá thông qua những hoạt động, sân chơi phù hợp, phát triển năng khiếu và định hướng nghệ thuật”.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc